Bỗng dưng "cậu nhỏ"… yếu xìu

Rối loạn cương dương hay gọi cách khác là bất lực, là tình trạng không có khả năng “cứng cáp” hoặc không duy trì được sự “mạnh mẽ” để giao ban. Đây là tình trạng không ai mong muốn nhưng lại rất hay gặp phải dù bạn đang ở lứa tuổi nào.
Ảnh minh họa: Internet

heo thống kê, tần suất mắc chứng rối loạn cương dương tăng theo độ tuổi. 5% ở 45 tuổi, 15-25% trên 65 tuổi và 50% người trên 75 tuổi.

Làm sao để biết tôi có rối loạn cương dương hay không?

Thực tế phát hiện ra rối loạn cương dương không khó, nhưng phần lớn mọi người ngại phải nói ra tình trạng của mình. Thiếu kiến thức, cộng thêm sự ngần ngại khiến chứng rối loạn cương dương trở thành một mối lo không hề nhỏ.

Triệu chứng điển hình là không có khả năng đạt được tình trạng “cứng cáp” khi cần thiết, không duy trì được độ “mạnh mẽ” trong lúc giao hợp. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và được tham vấn cách điều trị. Nếu bạn ngần ngại, hãy nhìn con số người mắc bệnh ở trên – hoàn toàn không hiếm và bạn không phải xấu hổ.

Nguyên nhân của hiện tượng

Mắc các bệnh mãn tính

Việc mắc những bệnh mãn tính (kéo dài) như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh lý đường hô hấp… tác động lên khả năng cung cấp máu cho dương vật và dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương.

Căng thẳng (stress) quá mức

Sự căng thẳng tác động lên hệ thống điều hòa tự nhiên của cơ thể. Khi cơ thể mệt mỏi, lo lắng, hệ thần kinh gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi trong não,kích thích các vùng khác sản xuất những nội tiết tố gây ra stress. Một số nội tiết tố gây tăng nhịp tim và huyết áp, chính điều này là nguy cơ cao gây rối loạn chức năng cương dương.

Các bệnh rối loạn nội tiết tố

Thường gặp nhất là đái tháo đường, cường giáp, cholesterol máu cao (nhiều người thường gọi là mỡ máu cao).

Do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc hạ áp, thuốc điều trị trầm cảm.

Thiếu vitamin D

Một nghiên cứu mới từ Ý cho thấy thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương. Cung cấp không đủ lượng vitamin thúc đẩy sản xuất các gốc tự do superoxide. Các gốc tự do này làm cạn kiệt oxit nitric của cơ thể - một phân tử làm cho các mạch máu thư giãn, làm tăng lưu lượng máu và gây ra sự cương cứng.

Phòng tránh và điều trị


Từ những yếu tố nguy cơ, bạn có thể thấy được những biện pháp để phòng tránh chứng bệnh này. Một số lời khuyên cho bạn là:

  • Hạn chế sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện
  • Không hút thuốc lá
  • Duy trì và cân bằng một cuộc sống lành mạnh
  • Duy trì trạng thái tâm thần tốt (giảm căng thẳng, điều chỉnh suy nhược cơ thể và tình trạng trầm cảm)

Trong một số trường hợp, việc điều trị rối loạn cương dương cũng thông qua việc thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, giảm bớt rượu bia, giảm cân…). Phần lớn việc điều trị dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh, các liệu pháp điều trị thường được dùng là liệu pháp tâm lý, thuốc đặc trị, dụng cụ hút chân không và cuối cùng là phẫu thuật. Lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được cung cấp phác đồ điều trị phù hợp với mình.

Theo Theo PLO