Bộ GTVT khánh thành cầu Vàm Cống 5.500 tỷ nối Cần Thơ với Đồng Tháp

TPO - Sáng 19/5, Bộ GTVT chính thức khánh thành cầu Vàm Cống nối đôi bờ sông Hậu với tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỷ đồng.

Cầu Vàm Cống là dự án thành phần 3 thuộc dự án  kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL được đầu tư bằng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng đầu tư gần 5.500 tỷ đồng.

Dự án gồm cầu dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về hạ lưu. 

Các đại biểu cắt băng khánh thành 
Nghi thức dỡ băng khánh thành cầu Vàm Cống  


Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 km. Tháp trụ hình chữ H cao 149,3 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m với 4 làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.  Cầu được xây dựng cách nay 6 năm, hợp long ngày 29/9/2017, dự kiến thông xe vài tháng sau đó. Tuy nhiên, ngày 4/11/2017 dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt và đã được thay thế dầm thép ngang. 

Xe bắt đầu chạy trên cầu 


Dự án được các đơn vị tư vấn  kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào khai thác. Đồng thời, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng. 

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng cty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, dự án  góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực. Đồng thời, đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa Chính phủ hai nước Việt - Hàn. 

Quang cảnh cầu Vàm cống 
Phà Vàm Cống vẫn đang hoạt động  ẢNH: HÒA HỘI 


Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc hoàn thành cầu có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực lớn cho phát triển các tỉnh trong vùng ĐBSCL phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với các tỉnh một cánh nhanh nhất. Từ Vàm Cống đến TPHCM đã được thông tuyến, còn đoạn cao tốc từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) dự kiến cũng sẽ được thông tuyến vào quý 1 năm 2020 sẽ tạo thêm trục đường mới để giảm tải cho quốc lộ 1A.

Để phát huy hiệu quả cầu Vàm Cống, Bộ trưởng GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai các dự án để khai thác hiệu quả cầu Vàm Cống, điển hình là làm tuyến tránh TP Long Xuyên và nhiều dự án nối thành phố Phnom pênh (Campuchia) qua An Giang, Cần Thơ đến Sóc Trăng.