Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hoành hành làm đảo lộn nhịp sống hàng ngày của người dân. Từ chỗ dè chừng tới nơi đông người, lùng sục mua khẩu trang, nước rửa tay, đến nỗi lo dính “con virus” bởi số ca mắc mỗi lúc một nhiều. Chỉ có họ - những y bác sĩ trong bệnh viện, vẫn bình tâm, vững vàng đối mặt với các trường hợp liên tục được chuyển vào phòng cách ly. Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều ca nghi ngờ nhất. Những chiếc áo blouse trắng ngày đêm đối mặt với cơn bão dịch không biết khi nào kết thúc.
“Cắm trại” cả Tết
Phải hẹn mấy lần, tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Tranh thủ chút thời gian trước khi đi hội chẩn, anh lật lại cuốn sổ theo dõi, nói ngày mồng 2, mồng 3 Tết vừa rồi là ngày cao điểm, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 10 ca cách ly. “Có ca vào ban ngày, có ca vào lúc giữa đêm. Mỗi ngày bác sĩ cùng y tá khám cho bệnh nhân ba đến bốn lần, nếu có vấn đề đặc biệt như suy hô hấp thì khám nhiều hơn. Ngoài việc khám bệnh và theo dõi, chúng tôi còn phải giải thích cho họ vô số vấn đề thắc mắc, như bao giờ có kết quả xét nghiệm, bao giờ ra viện, tình trạng của họ liệu có nguy hiểm hay không?...”, bác sĩ Thọ kể.
nay, dù được phân lịch trực Tết cụ thể, nhưng giữa bão dịch, anh cũng như những thành viên trong đội chống dịch ăn Tết không yên. “Chúng tôi “cắm trại” nguyên Tết, không được đi đâu khỏi thành phố Đà Nẵng để khi xảy ra trường hợp cấp thiết lãnh đạo gọi phải có mặt ngay. Hơn nữa tình hình dịch bệnh mỗi lúc một phức tạp, khoa là nơi cách ly nên cũng chẳng còn tâm trạng đâu để vui Tết”, anh trải lòng.
Trong căn phòng hành chính ở tầng 3 Khoa Y học nhiệt đới, các y tá, điều dưỡng, bác sĩ tất bật làm việc, chạy ra chạy vào. Người lên sổ sách, người tiếp nhận điện thoại tư vấn hướng dẫn. Trên tường treo màn hình camera để cả phòng tiện theo dõi các những người ra vào khoa, nhất là khu vực cách ly trên tầng 4. Đúng giờ, y tá mang đồ bảo hộ vào bên trong phát thuốc, bên ngoài bảo vệ đứng canh gác nghiêm ngặt.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nhẩm tính, từ trước Tết, số lượng bệnh nhân trên phòng cách ly ngày một nhiều lên, cộng với bệnh nhân ở hai tầng dưới nên khoa phải tăng cường thêm nhân sự. Luôn có một bác sĩ và hai điều dưỡng túc trực thường xuyên ở phòng cách ly. Riêng trưởng khoa gần như có mặt 24/24 để điều hành cùng lãnh đạo bệnh viện.
“Ở khoa khám bệnh cấp cứu bình thường số lượng những ngày tết đã đông rồi, nay dịch càng đông hơn, bệnh viện phải bố trí thêm bác sĩ, điều dưỡng để phục vụ. Nhất là việc phân luồng, giải thích kỹ cho những ca nghi ngờ. Nói chung chúng tôi đã xác định là không có Tết, không nghĩ tới việc nghỉ ngơi. Như tôi cầm điện thoại đường dây nóng thì phải luôn trong tâm thế nhận cuộc gọi, hướng dẫn người dân suốt ngày đêm. Cả trước lẫn trong Tết, bệnh viện cũng họp không biết bao nhiêu cuộc với Sở Y tế, lãnh đạo thành phố về tình hình dịch bệnh và các trường hợp cách ly tại đây”, bác sĩ Trung nói và cho rằng đây là một mùa xuân “khó quên” trong ngần ấy năm gắn bó với ngành y.
Sợ là dối lòng
Trưa 31/1, tôi có mặt ở bệnh viện. Khoa khám bệnh cấp cứu gần cuối giờ vẫn đông đúc người mang khẩu trang ngồi trên dãy ghế chờ gọi tên. Khoa Y học nhiệt đới rõ ràng tất bật hơn mọi ngày. Phía trước tôi, một cô gái bịt khẩu trang đi cùng điều dưỡng chuẩn bị lên tầng trên. Nghe xôn xao cô ấy từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) về nước được gần 20 ngày, nay tự tìm đến bệnh viện khám, tôi bỗng có chút rùng mình. Đã có yếu tố dịch tễ, nếu khám ra sốt, ho, thì quả đáng lo ngại. Tôi quay sang hỏi các điều dưỡng và bác sĩ có sợ không, họ bình thản đáp: “Quen rồi!”. Đến đầu giờ chiều, tôi mới hay tin cô gái ấy hoàn toàn bình thường, sau khi khám xong đã được cho về nhà.
Bác sĩ Thọ cười: “Ngay cả với bệnh nhân dương tính, bác sĩ vẫn phải tiếp xúc và làm việc bình thường thôi. Đó là nhiệm vụ rồi. Còn đưa người ta vào trường hợp nghi ngờ thì phải làm công tác đảm bảo bảo vệ cho nhân viên y tế như họ đã bị nhiễm virus vậy”. Bác sĩ Trung trải lòng, nói không sợ lây nhiễm là không đúng, vì bác sĩ cũng là người thôi. Nhưng bởi đây là nhiệm vụ của ngành y, hiển nhiên bác sĩ phải thực hiện. Để hạn chế sự lây lan tốt nhất thì phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về giám sát, hướng dẫn điều trị, chăm sóc, mang đồ bảo hộ…
Không chỉ đối mặt với những ca nghi ngờ, cách ly mỗi ngày, những y bác sĩ còn phải “đấu tranh” với tâm lý phức tạp của bệnh nhân. Nhất là những trường hợp người nước ngoài bất đồng ngôn ngữ, những người không chịu hợp tác. Như một bệnh nhân người Trung Quốc sau khi đưa vào khu cách ly nhất quyết không chịu cho bác sĩ lấy máu, đòi gặp cho bằng được Đại sứ quán. Hết cách, bệnh viện phải mời người của Lãnh sự quán Trung Quốc qua tận bệnh viện trao đổi, giải thích và thuyết phục thì người này mới cho lấy máu.
“Có người cũng rất đáng thương, bởi họ là du khách, đang đi du lịch thì phải vào đây nằm, cứ liên tục hỏi bao giờ mới được về. Mình phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để chia sẻ, giúp họ có tâm lý điều trị tốt hơn”, bác sĩ Thọ nói.
Hiện Đà Nẵng vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm virus corona, song với tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, cùng với thành phố là điểm đến của nhiều luồng du khách, việc phòng chống dịch càng không thể lơ là. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay bệnh viện đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh, mỗi đội đều có bác sĩ của Khoa Y học nhiệt đới, cấp cứu đa khoa và các bộ phận liên quan.
Theo báo cáo của Sở Y tế ngày 2/2, Đà Nẵng đang theo dõi 23 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, gồm 22 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc. Nhiều bệnh nhân đã ổn định, một vài trường hợp có sốt nhẹ. Tại cộng đồng đang giám sát 10 người đi từ nước ngoài về nhưng không phải từ các vùng đang có dịch, khi qua cửa khẩu phát hiện có sốt nhẹ; hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ…