Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường” tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, trong nhiều năm qua Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo ra sự khác biệt rõ nét, tạo lợi thế trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được tỉnh Bình Dương hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Điển hình như các công trình đường Mỹ Phước Tân Vạn, đường ĐT.743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, đường Thủ Biên Đất Cuốc (giai đoạn 1), đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng… đã và đang phát huy hiệu quả.
Ông Trương Văn Phong, Phó trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương, cho biết 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư xây dựng của các DN trong KCN đạt 4.278 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các KCN đã cho thuê 53,88 ha đất, thu hút 1,045 USD vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 87% vốn đầu tư nước ngoài của cả tỉnh trong 9 tháng). Doanh thu các DN trong KCN đạt 27 tỷ USD, xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD (chiếm 71,1% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh trong 9 tháng).
Trong 9 tháng, Bình Dương thu hút được 58.988 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (đạt 85,7% cùng kỳ) và 1,56 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (đạt 86,86% kế hoạch, bằng 94,1% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, Bình Dương có 71.776 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 786.000 tỷ đồng và 4.347 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42 tỷ USD.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị các đơn vị, địa phương phải tập trung giải quyết, xử lý triệt để các hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, không gây cản trở, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Sự tận tâm của cơ quan chức năng tạo cảm hứng và niềm tin cho nhà đầu tư.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
UBND tỉnh Bình Dương vừa giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án giao thông trọng điểm, hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, dự án (kể cả các hạng mục tái định cư) theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài triển khai đợt thi đua cao điểm thực hiện các dự án, UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo triển khai Chiến dịch cao điểm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" từ ngày 15/10 đến 15/12, phấn đấu giải ngân cao nhất Kế hoạch đầu tư công 2024.
Hiện nay, Bình Dương đang thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn dài 26,6km, bắt đầu từ nút giao Tân Vạn và kết thúc tại cầu Bình Gởi. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 79,9ha của 1.529 hộ dân, kinh phí đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 4 TPHCM tổng mức đầu tư gần 18.300 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), thu hồi gần 420ha đất. Điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TPHCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương). Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn phường An Tây (TP Bến Cát). Tổng chiều dài dự án đoạn qua Bình Dương khoảng 47,85km, dự kiến khởi công tháng 11 tới.
Đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 52,1 km. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Riêng đoạn đầu tuyến dài 6,5km, từ đường Vành đai 3 đến trước nút giao Khánh Vân được giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng. Dự án còn được đầu tư xây dựng 26 công trình cầu, trong đó 16 cầu trên đường cao tốc vượt dòng chảy, đường ngang; 5 cầu trên đường ngang vượt đường cao tốc; 5 cầu trên các đường nhánh nút giao. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư dự kiến 8.833 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào tháng 11 tới.