Lấy lòng người khác để tăng cảm tình cho mình: hứa. Để cho qua chuyện, đỡ lôi thôi: hứa. Để tỏ rằng mình quan trọng có thể giải quyết được mọi việc: hứa. Đối phó với những tình huống nan giải: hứa.
Đặc biệt là trước các cuộc bầu cử càng dồi dào lời hứa. Lời hứa như thể món quà xa xỉ có thể ban phát bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.
Thực hiện lời hứa chính là sự thể hiện uy tín của người hứa. Uy tín ấy xuất phát từ sự trung thực. Làm được mới hứa. Có nhiều người rất trọng lời hứa. Hứa mà không làm được là áy náy như mắc nợ.
Có cán bộ tới cơ sở, nhân dân đề đạt nguyện vọng thấy hợp lý, đã hứa hẹn và giải quyết thấu đáo, được dân quý trọng. Đó là những việc liên quan tới chính sách xã hội, những việc cốt yếu có tác động tới đời sống dân sinh. Đó còn là những việc làm có tác dụng thiết thực tới môi trường xã hội và cuộc sống thanh bình của người dân.
Thực hiện lời hứa càng làm tăng niềm tin đối với những người có trọng trách xã hội, được mọi người yêu mến, tin tưởng. Trong ngạn ngữ dân gian có câu: “Lời nói đọi máu”. Người biết giữ lời hứa là người biết trọng danh dự.
Nhưng không ít trường hợp có những người hay hứa và dễ quên lời hứa. Người được hứa như thể bị đánh lừa. Có thể dễ dàng nhận diện bệnh hay hứa thường thấy ở nơi này nơi kia.
Phổ biến nhất là “thất hứa”. Hứa mà không bao giờ làm. “Hứa liều”, xoa dịu khi lâm vào thế bí. “Hứa chơi”, bất chấp dư luận, coi thường uy tín, dù rằng việc đó hệ trọng, liên quan tới cộng đồng xã hội. “Hứa hão”, hứa để lấy lòng, hứa cho qua chuyện. “Hứa suông”, hứa trên mây trên gió, hứa để quên!
Không ít những lời phàn nàn của người dân về những lời “hứa để đấy” của một số người hưởng lộc Nhà nước. Không chỉ mang tiếng cá nhân, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức. Có những ngôi trường sập sệ, hứa sửa chữa, mấy năm quay lại vẫn thế. Có những con đường lầy lội, hứa nâng cấp, chờ mãi vẫn nguyên. Có những vụ việc tham nhũng tày đình, hứa giải quyết, đâu vẫn đó. Lời hứa vậy còn gì thiêng nữa.
Người lớn thất hứa với trẻ em, bị chúng coi thường, đã là không nên. Trong tình yêu trai gái, thất hứa được coi là bội bạc, Sở Khanh, đểu cáng. Đối xử với cha mẹ, thất hứa là bất hiếu, vong ân. Đối với người trên, thất hứa là bất hảo, bội tín. Đối với bạn bè, thất hứa là tráo trở, đê tiện. Đối với dân thất hứa có thể coi là bất nhẫn, phản bội niềm tin. Căn bệnh hay hứa đã góp phần làm cho đạo đức xã hội thiếu đi sự lành mạnh.
Bệnh hay hứa và thất hứa không có bác sỹ nào chữa nổi. Chỉ tự chữa, may ra xã hội mới được nhờ.
Ngọc Bái
(Số 5 Nguyễn Du, P. Hồng Hà, TP. Yên Bái)