Báo Tiền Phong và thời trai trẻ của tôi

TP - Thủ trưởng của chúng tôi hôm đó mở ba lô lấy ra mấy số báo Tiền Phong có in ảnh của anh chụp và tin bài của anh ghi là mặt trận Quế Sơn. Chúng tôi xem phục anh sát đất. 

Tôi nhớ hồi tôi vào chiến trường năm 1968, hành quân bộ cùng các bạn đồng ngũ từ Bắc vào Nam đến một binh trạm trên đường dây năm 59 trên đất Tây Quảng Nam. Ðấy là thời điểm mà sau khi chúng tôi chết hụt qua trận bom B52 rải thảm của Mỹ đúng giữa tết con Gà. Chúng tôi là nhóm lính trẻ, toàn mấy anh em bị ốm yếu sốt rét rừng của các đơn vị hành quân vào Nam Bộ, qua vùng rừng miền Trung, vừa khỏi bệnh là được ra viện, gọi là lính thu dung. Lính thu dung thường đều là chắp vá quân hồi vô phèng. Mấy ông trạm Giữa (chả hiểu sao lại gọi là trạm Giữa) gom lại thành một đoàn, cho đi theo một anh thủ trưởng, lớn hơn tụi tôi chừng 10 tuổi. Ảnh đeo súng K59, có một công vụ người dân tộc đeo một gùi nặng đi theo phục vụ. Ở Trường Sơn thời chiến tranh, người đeo K59 lại có công vụ đi cùng ắt là cán bộ to. Tất nhiên cánh lính 18 đôi mươi tuổi non choẹt, mới toe như tôi thì chịu anh ấy và gọi anh là thủ trưởng ngay không hề phải cân nhắc. Sau khi xếp hàng, ghi danh, khai lý lịch xong, ngồi quây quần trong lán anh tâm sự: Tui là dân miền Nam tập kết, học xong đại học tổng hợp văn, ra trường được phân công về Trung ương Ðoàn rồi từ đây chuyển  về làm phóng viên. Vậy là mình xung phong về Quân khu Năm. Ðược về quê hương là vui nhất rồi. Nhất là sau Mậu Thân cánh nhà báo được các báo Trung ương chuyển vào anh nào cũng hăng hái xuống cơ sở viết bài. Tui xuống tỉnh đội Quang Nam quê tui và đi theo đơn vị đặc công của tỉnh, tham gia đánh được vài trận thì bị thương nhẹ vào bắp vế rồi cấp trên chuyển hẳn sang học quân chính của quân khu, nay về Gia Lai nhận nhiệm vụ, trên đường về mấy anh bảo ra trạm Giữa liên hệ xin quân nên đón các đồng chí…

Ðơn giản thế đó.

Ôi cuộc đời lắm sự ngẫu nhiên, tôi nghĩ. Một anh học văn đi làm báo, đi làm báo mà làm báo chưa được bao lâu lại xung phong đi chiến trường để làm phóng viên mặt trận. Mới vô đến mặt trận thì ham đi thực tế xuống cơ sở, tham gia chiến đấu trực tiếp cùng anh em dưới đơn vị. Bị thương phần mềm, sau khi lành vết thương thì đi học quân chính, chuyển hẳn sang làm cán bộ quân đội. Hồi ấy Quân Giải Phóng miền Nam chúng tôi chưa có mặc quân phục, chưa có quân hàm quân hiệu chính quy như bây giờ. Cánh lính Bắc mới vào thì vài người còn quân phục, nhưng sau đó một năm, tùy mỗi người kiếm được gì mặc nấy. Nhưng có cái đặc biệt là, dù anh mặc gì mà gặp nhau đều rất nhanh nhận ra nhau là quân sự hay dân sự, là dân chính hay bộ đội, không ai cần phải giới thiệu, không ai cần  phải xưng danh.

Thủ trưởng của chúng tôi hôm đó mở ba lô lấy ra mấy số báo Tiền Phong có in ảnh của anh chụp và tin bài của anh ghi là mặt trận Quế Sơn. Chúng tôi xem phục anh sát đất. Tất thảy đều rất trân trọng, kính nể. Cánh lính chúng tôi đa số cũng đều đã học hết lớp 10 rồi nên tay nào cũng trầm trồ.

Thủ trưởng của chúng tôi hôm đó mở ba lô lấy ra mấy số báo Tiền Phong có in ảnh của anh chụp và tin bài của anh ghi là mặt trận Quế Sơn. Chúng tôi xem phục anh sát đất. Tất thảy đều rất trân trọng, kính nể. Cánh lính chúng tôi đa số cũng đều đã học hết lớp 10 rồi nên tay nào cũng trầm trồ. Riêng tôi, từ hôm đó, tối nào sau các cuộc hành quân cả ngày cũng lân la đến gần bên thủ trưởng gợi chuyện. Tôi mê văn chương từ bé. Hồi học phổ thông chỉ ước sau này vào đại học tổng hợp văn rồi đi làm báo viết văn viết thơ. Hành quân vô chiến trường  tôi cũng có mang theo ba tờ báo mà tôi mê nhất. Ðó là báo Văn Nghệ, báo Tiền Phong và tờ tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội. Ba tờ ấy theo tôi đi dọc Trường Sơn, đọc đi đọc quãng đời trai trẻ của tôi. Chúng tôi đọc đi đọc lại ba tờ ấy đến nỗi khi không có gì lại mở ra đọc cả phần cuối có ghi địa chỉ tòa báo, những người biên tập vân vân.

Có cả chục năm công tác và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Khu V những năm chiến tranh, hơn bốn chục năm sau 1975 của tôi. Ði đến đâu, làm gì, nhất là mỗi khi viết bài cho báo Tiền Phong, cầm tờ báo Tiền Phong cùng báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội tôi đều nhớ tới anh, thủ trưởng đầu tiên của tôi  có vóc người cao to, đi tấp tểnh do bị thương và gương mặt sáng, rất sáng. Sau này về tỉnh đội Gia Lai công tác, tôi gặp thủ trưởng, khi ấy ông đã là Tham mưu trưởng tỉnh đôi. Tôi gợi lại chuyện cũ trên rừng ngày chúng tôi vô đến trạm Giữa, anh khá ngạc nhiên và nhận ra tôi là tay nhà báo nghiệp dư hay viết bài cho báo tỉnh nhà. Một hôm vui chuyện ở nhà anh, anh lục lọi trong mớ tài liệu nát bươm lấy ra mọt cuốn sổ tay ghi chép linh tinh. Anh bảo, cậu thích thì cho cậu. Ðây là cuốn nhật ký công tác của mình hồi học xong đại học, ra trường về Trung ương Ðoàn. Tôi mừng rỡ đem về gỡ từng trang bị dính vào nhau và bị nát nhàu do thời gian. Nhưng tôi cũng trích ra đây được một  ít dòng, mà tôi lựa được, xin hiến bạn đọc báo Tiền Phong.

Ngày... tháng … năm 1965.

Mình không nghĩ được ba mẹ lại bị cách xa hai người hai nơi trong khi mình là con lớn, được theo ba ra Bắc học còn hai em thì phải ở lại miền Nam. Thương má và các em đêm ngày trong vùng địch mà ba đã mất ngủ nhiều quá… Ba bảo khi nào ba và con có thể quay về miền Nam được thì quay về luôn…

7/1/ 1966

Năm nay mình ra trường sẽ về Hải Phòng ở chung với ba. Ba mới viết thư báo tin ba đã có danh sách đi miền Nam vào Trung ương Cục miền Nam vào  giáp tết. Ba dặn ba đi trước con vô sau nghe….

Ngày... tháng … năm 1966

Mình có quyết định về nhận công tác tại Trung ương Ðoàn, con Quế hình như chưa biết đi đâu. Nó bảo nó đã làm đơn xin đi bộ đội…

Ngày… tháng… năm 1966

Quế đến tặng cho mình quyển “Ðất nước đứng lên” của bác Nguyên Ngọc. Sách  mới toanh. Mình và Quế đều hẹn nhau về lại quê hương. Cậu ấy quê Phú Yên. Mình dân Quảng quê hương tác giả “Ðất nước đứng lên”. Ba mình là bạn thân với bác Ngọc nhưng hai ông ít gặp nhau vì mỗi người một ngành nghề….

Ngày… tháng 2 năm 1967

Mình được Trung ương Ðoàn điều động về báo Tiền Phong làm phóng viên để chuẩn bị cuối năm có đợt các phóng viên của nhiều báo đi cùng Thông Tân Xã vô bổ sung cho mặt trận Khu V. Mừng quá mất ngủ liên tục mấy bữa liền…

Ngày… tháng 7 năm 1967

Mưa khủng khiếp. Chúng mình hành quân đến trạm Chín Cô thì chia tay, Quế và anh em vô Nam đi tiếp. Quế về quê Phú Yên. Mình về Ban Văn nghệ Quân khu làm tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng Miền Trung Trung Bộ với hy vọng sẽ gặp bác Ngọc và các bác các  chú Thu Bồn, Liên Nam, Lê Khâm Phan Tứ…

Ngày…tháng 8 năm 1967

Về quân khu được đi thực tế vùng sâu liền… May mà mình được theo đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh Quảng Nam vô Hội An, Tam Kỳ rồi bám trụ theo du kích vùng ven… gian khổ, ác liệt nhưng không đi không biết Quảng Ðà… Chị em hút thuốc như là… chị em…

Ngày… tháng 9 năm 1968

Mình được mấy anh rút về hậu cứ  học tập chính trị. Ðang  say với  đông bằng, giờ lại rút về chiến khu. Thấy mệt mỏi ngại thực sự.

Ngày…tháng 9 năm 1968

Mưa dữ quá. Ra trạm Giữa nhận quân mới. Mấy chục anh em miền Bắc mới vô… Lính trẻ đều có học vấn cao…

***

Bây giờ anh thủ trưởng đầu tiên của tôi đã mất vài năm nay rồi. Ông bị mất do ốm đau và do bị phơi nhiễm chất độc da cam. Xin cúi đầu tưởng nhớ anh Ð (*), phóng viên báo Tiền Phong, một nhà báo chiến trường đầu tiên mà tôi được gặp, được sống với anh. Anh gợi lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm thân thương những ngày tháng trên Trường Sơn mà cuộc sống hiện đại đôi khi làm ta lãng quên.

         Hà Nội tháng 10 năm 2018

___

(*)Tòa soạn tôn trọng ý nguyện của tác giả không nêu tên người chỉ huy cũ của mình.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh thời "Lạc Rừng"