Bài toán thu hồi nợ của ngành tài chính tiêu dùng

Kinh tế suy thoái, thất nghiệp, giảm lương, nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ, chưa kể hàng ngàn app cho vay “núp bóng” tín dụng đen… đang đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức tài chính trong công tác thu hồi nợ.

Thu hồi nợ gặp nhiều rào cản

Bên cạnh bóng ma suy thoái, kinh tế toàn cầu dự báo còn gặp nhiều khó khăn khi lạm phát vẫn ở mức cao cùng các vấn đề chính trị, thiên tai và dịch bệnh. Là nền kinh tế hội nhập, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng do những biến động từ bên ngoài. Cũng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động vì sản xuất kinh doanh khó khăn. Điều này đang gián tiếp tác động tiêu cực đến hoạt động thu hồi nợ của các tổ chức tài chính khi có nhiều khách hàng không cân đối được nguồn tài chính từ đó không có khả năng trả nợ. Chị H (công nhân tại một khu chế xuất ở Bình Dương) chia sẻ: “Sau khi nhận thông báo nghỉ việc do công ty không có đơn hàng, tôi rất bàng hoàng và lo lắng. Tôi không biết sẽ xoay sở sao để chi tiêu trong gia đình vừa phải trả khoản nợ 30 triệu vay từ công ty tài chính để cho con gái đi học đại học”.

Bên cạnh những trường hợp bất khả kháng như của chị H, thì còn có một số bộ phận khách hàng không có ý thức về việc thanh toán các khoản nợ, có thái độ chây ì, cố tình không trả nợ. Với tâm lý không muốn mất tiền, người vay cố tình chặn máy của nhân viên thu hồi nợ, không nhận thông báo thanh toán từ công ty tài chính, từ chối mọi sự tác động khác từ phía nhân viên thu hồi nợ mặc dù có khả năng thanh toán. Đặc biệt, tâm lý đó càng lan tỏa rộng hơn sau giai đoạn dịch bệnh.

“Ngay khi nhận được tiền vay, nhiều đối tượng đã sử dụng không đúng mục đích, sau đó tìm cách bùng nợ. Bản thân họ không biết rằng nếu không trả đúng hạn sẽ bị xếp loại nợ xấu trên CIC và gây cản trở cho nhu cầu vay sau này của khách hàng”, đại diện một công ty tài chính cho biết.

Nghiêm trọng hơn khi một số cá nhân lợi dụng tính lan truyền của mạng xã hội, tung thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính rồi trốn nợ, bùng nợ.

Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra nhằm chia sẻ cách bùng nợ

Không những vậy, thời gian gần đây, xuất hiện hàng ngàn ứng dụng cho vay trực tuyến (app) không rõ nguồn gốc và không thuộc sở hữu của các tổ chức tài chính chính thức, đang gây cản trở đến hoạt động thu hồi nợ của các tổ chức uy tín. Cụ thể, ngoài lãi suất cho vay cao, còn thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật và đòi nợ một cách khủng bố. Thậm chí, các app cho vay này đang “mượn danh” công ty tài chính để đi thu nợ. Từ đó, gây bức xúc dư luận cũng như ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính chính thống.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) chia sẻ: “Chúng tôi là công ty tài chính thì hàng chục ngàn công ty kia cũng tên là công ty tài chính. Chúng tôi cho vay bằng app thì họ cũng cho vay bằng app. Tuy chỉ do Sở kế hoạch Đầu tư các tỉnh cấp phép và không được hoạt động trong lĩnh vực tín dụng nhưng tên của các doanh nghiệp này vẫn là công ty tài chính. Như vậy đã khiến cho nhiều người dân khó phân biệt được. Đối với hoạt động thu hồi nợ, chúng tôi luôn thực hiện đúng pháp luật, đúng đối tượng. Tuy nhiên, vừa qua có rất nhiều công ty không phải công ty tài chính được NHNN cấp phép, đã lấy tên của chúng tôi để đi đòi nợ khiến hoạt động thu hồi của công ty gặp nhiều khó khăn.”

Trách nhiệm của người vay ở đâu?

Với những khó khăn trên cho thấy việc phát triển tín dụng tiêu dùng cần phải đảm bảo được sự lành mạnh, công bằng và minh bạch để người vay cũng như người cho vay luôn được an toàn. Và rõ ràng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh khi có sự chủ động về trách nhiệm của cả hai bên là người đi vay - khách hàng và bên cho vay – công ty tài chính trong việc giải ngân và trả nợ.

Cũng tại một hội thảo mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Đối với người cho vay, họ đi huy động tiền trong nền kinh tế thì phải đảm bảo thu hồi được vốn. Còn người vay, phục vụ cho tiêu dùng thì phải đảm bảo nguồn tiền để trả lại. Đã vay phải trả, đấy là nguyên tắc và quy định.

Trong cuộc sống, người dân, nhất là những người yếu thế, những người có thu nhập thấp, rất cần vay vốn để phục vụ những nhu cầu rất bức thiết. Nếu những đối tượng này không có tài sản bảo đảm, không có điều kiện vật chất để thế chấp cho những khoản tiền vay, mặc những khoản tiền này là không lớn. Làm thế nào để giải quyết hài hoà vấn đề này một cách thoả đáng? Có như vậy tài chính tiêu dùng mới phát triển một cách thực sự lành mạnh, ổn định”.

Hội thảo “Tài chính tiêu dùng - Kênh dẫn vốn cho người yếu thế” (Ảnh: TCTT)

Để làm rõ thêm về trách nhiệm của người đi vay, đại diện FE CREDIT cho biết: “Khi khách hàng là người đi vay có trách nhiệm với khoản vay thì sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với công ty tài chính để những giao dịch sau được thực hiện thuận lợi. Việc người vay có trách nhiệm trả nợ sẽ giúp hạn chế rủi ro nợ xấu, góp phần phát triển tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đẩy lùi nạn tín dụng đen”.

Các công ty tài chính tiêu dùng luôn mong đợi khách hàng của mình là những người đi vay có trách nhiệm. Trách nhiệm đó thể hiện trước hết ở việc xem kỹ các thông tin về khoản vay, bao gồm số tiền cần trả, lãi suất, phí phạt thanh toán trễ hạn, ngày đến hạn thanh toán, điều khoản thanh toán trước hạn… Mỗi khách hàng cần luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.