Bạch tuộc uống thuốc lắc có phản ứng giống người

TPO - Trong một nghiên cứu khá kỳ quặc nhưng gây chấn động do Tiến sĩ Gül Dölen thuộc Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) tiến hành, các nhà khoa học đã cho các bạch tuộc “thưởng thức” thuốc lắc MDMA và xem phản ứng của chúng. Thật ngạc nhiên khi cuối cùng bạch tuộc cũng làm những việc giống hệt như con người.
Bạch tuộc có cách hành xử giống người khi " cắn" thuốc lắc.

Con người và bạch tuộc có vẻ ngoài hoàn toàn không giống nhau, và tất nhiên não của con người và bạch tuộc cũng chẳng giống não của bất kỳ loài động vật có vú nào, nhưng trong một nghiên cứu gần đây, chỉ cần thêm một loại thuốc thôi, chúng ta sẽ thấy chúng ta giống với loài động vật thủy sinh không xương sống 8 chân này hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.

 

Đầu tiên, người ta cho những con bạch tuộc đực và cái tắm trong nước có chứa MDMA trong nửa giờ, rồi sau đó thả chúng vào một cái bể có nhiều ngăn. Trong đó, một số ngăn trống, và một ngăn thả một cái lồng chứa một con bạch tuộc đực (chưa được tắm thuốc lắc). Mọi sự bắt đầu trở nên thực sự kỳ lạ.

Thông thường, khi các con bạch tuộc “tỉnh táo” được thả vào bể thử nghiệm này, chúng thường tìm cách tránh những con bạch tuộc đực đơn độc. Chúng thường bỏ qua hoặc tránh tiếp xúc với những con bạch tuộc khác và hành động như thể chẳng quan tâm gì tới xung quanh. Nhưng khi những con bạch tuộc “ngấm thuốc” bị bỏ trong bể, họ ngay lập tức chủ động tìm kiếm sự tiếp xúc vật lý với con đực đang bị nhốt.

Dölen cho biết: “Điều đó không phải là vấn đề thời gian, mà là định tính. Những con bạch tuộc có xu hướng ôm vào lồng và đặt miệng của chúng lên lồng. Điều này rất giống với cách con người phản ứng với MDMA, họ thường xuyên động chạm vào nhau ”.

"Loại thuốc tình yêu" dường như đang gây tác động lên bộ não của loài vật không xương sống rất giống với não bộ của con người. Những hành vi được thể hiện cực kỳ rõ ràng trong các thí nghiệm và nghiên cứu này có thể giúp mở ra cánh cửa mới để hiểu cách động vật xã hội hóa và những gì ngăn cản hoặc thúc đẩy hành vi cảm giác trong thế giới động vật. 

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Current Biology.

Theo New York Post