Bệnh nhân vào viện lúc 20 giờ, phù phổi cấp, thở ngáp cá, toàn thân tím đen, được người thân đưa vào khoa cấp cứu. Người đưa vào xưng là chị của bệnh nhân và là bác sĩ thú y.
Bệnh nhân lập tức được xử trí thở oxy, tiêm morphin, lợi tiểu nhưng không đỡ. Sau 10 phút, tình trạng bệnh nặng hơn, bác sĩ chuẩn bị đặt nội khí quản cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng người thân không đồng ý và yêu cầu đẩy vào khoa hồi sức tích cực ngay.
Khoa hồi sức tích cực cách khoa cấp cứu 200m và khóa cửa toàn bộ. Nếu đẩy vào theo yêu cầu của họ thì bệnh nhân chắc chắn tử vong.
Lúc này người nhà của họ đã đến rất đông và nhảy vào chửi bới, đòi đánh đập nhân viên y tế nếu không đẩy người nhà họ vào khoa hồi sức tích cực. Nhân viên y tế vừa bóp bóng hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân vừa giải thích cho người thân, nhưng họ vẫn không nghe và xông vào vây kín toàn bộ kíp trực và khoa cấp cứu.
Chúng tôi đã nhận định được tình huống này ngay từ khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân nên đã gọi cảnh sát 113 và trực lãnh đạo ngay khi bệnh nhân mới vào, nhưng cảnh sát 113 chưa đến kịp và lãnh đạo thì không chịu đến.
Chúng tôi đã phải lưỡng lự cấp cứu tiếp hay bỏ chạy. Nếu chạy trốn bệnh nhân sẽ chết. Ở lại cấp cứu tiếp có lẽ chúng tôi có thể chết.
Cuối cùng chúng tôi quyết định cấp cứu tiếp. Vừa đặt nội khí quản vừa chịu sự đe dọa từ người nhà của họ đang vây kín chúng tôi.
Thật may mắn khi sau 40 phút cấp cứu bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồng hào trở lại. Khi bệnh nhân tỉnh lại thì người nhà mới dịu xuống. Chỉ còn 1 cô xưng là cháu bệnh nhân còn hùng hổ, lăm lăm chửi bới.
Lúc này, cảnh sát 113 cũng đã đến và sau đó ít lâu thì trực lãnh đạo cũng được giám đốc bệnh viện điều đến. Không khí đã ổn định, gia đình bệnh nhân đã cảm nhận được nỗ lực của kíp trực.
Nghĩ lại nếu bệnh nhân đó không cứu được chắc chúng tôi cũng đã không còn lành lặn nữa. Giờ nghĩ lại vẫn còn run. Hi vọng sau 2 năm nữa sẽ có luật bảo vệ nhân viên y tế.
Theo Nguyễn Văn Ngọc
Sức khỏe Đời sống