Lãng Sơn và bước chuyển ngoạn mục
Ngày cuối năm, chúng tôi cùng Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng về thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Với hai điểm tựa phát triển kinh tế là lúa và nghề mộc truyền thống, thôn Đông Thượng đang phấn đấu cán đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết khi Nhà nước chưa phát động Chương trình xây dựng NTM thì hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế còn rất khó khăn, việc làm của con em địa phương chưa có, thu nhập bình quân đầu người thấp. Chính bởi vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Yên Dũng là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng NTM. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần duy trì nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm lao động đưa Lãng Sơn cán đích NTM vào năm 2017 như kỳ vọng mà huyện Yên Dũng đặt ra.
Con đường tiến đến NTM kiểu mẫu bền vững của xã Lãng Sơn được trải rộng cùng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Hiện dư nợ tín dụng tại xã đạt gần 19 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi hộ nghèo là 4,6 tỷ đồng; vốn vay NS&VSMTNT là 5,5 tỷ đồng... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần: Năm 2017 là 90 hộ, bằng 5,6%. Năm 2018 là 62 hộ, bằng 3,9%.
Chia sẻ cùng Lãng Sơn trên con đường xây dựng NTM, ngay trong đợt khảo sát, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã đồng ý bố trí thêm nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đồng thời tặng 3 bộ máy vi tính cho xã Lãng Sơn và chiếc ti vi cho thôn Đông Thượng để bà con nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước.
Góp sức bền phát triển kinh tế địa phương
Tại Bắc Giang, tính riêng 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 5.200 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng trên 50.000 công trình cung cấp NS&VSMTNT (nhà vệ sinh hợp lý, xây hầm biogas...); trợ giúp gần 1.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Lê Ánh Dương cho biết, cùng với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng NTM từ NHCSXH, tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực cho các CTMTQG với tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG năm 2019 đã giải ngân đạt 261.745/562.185 triệu đồng, ước hết năm 2019 giải ngân đạt 473 tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoạch.
Đặc biệt, với việc thực hiện Đề án mỗi xã Một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2019 toàn tỉnh đã có từ 25 - 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; toàn tỉnh có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, có mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: Mỳ gạo Chũ, vải thiều, chè xanh bản Ven, gà đồi Yên Thế, Trà Hoa vàng, rượu Vân, mật ong rừng Tây Yên Tử, nấm Lim xanh và một số sản phẩm rau củ quả..., góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của các địa phương.
Ghi nhận thành quả đạt được của tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện các CTMTQG, Thành viên Ban chỉ đạo CTMTQG - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết Đoàn sẽ báo cáo Ban chỉ đạo tập hợp để kiến nghị các Bộ, ngành chức năng điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, bố trí nguồn vốn hợp lý cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu SXKD của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu con đường xây dựng NTM, trước mắt bố trí ngay 20 tỷ đồng để tỉnh thực hiện cho vay NS&VSMTNT và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Đồng thời, sẽ chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả nguồn vốn vay.
Theo ước tính của UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018, ước giảm còn 5,05%, vượt kế hoạch 0,24% (kế hoạch giảm bình quân 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55% (kế hoạch giảm bình quân 4%/năm).