Argentina đang chơi thứ bóng đá khác lạ!

TP - Cần phải khẳng định ngay rằng, Argentina đang là đội bóng trình diễn lối chơi khác với tất cả các đội có mặt tại vòng 1/8. Họ đang giúp những chuyên gia phân tích có cái nhìn thú vị hơn về thứ bóng đá mà mình đang áp dụng.
Khi được giải toả áp lực phải gồng gánh cả đội tiến lên, Messi đã toả sáng để có bàn thắng đầu tiên ở vòng knock-out trong 5 lần góp mặt ở World Cup. Ảnh: AFP

Không còn Argentina của “ngày xưa”

Trong quá khứ, Argentina luôn là biểu trưng cho trường phái bóng đá vị nghệ thuật, đúng với tính cách ngẫu hứng và bay bổng của người Nam Mỹ. Thường thì đội tuyển các thời kỳ của Argentina thích cách xây dựng lối chơi xoay quanh một vài ngôi sao tấn công.

Chúng ta nhìn vào Argentina từ World Cup 1998 đến World Cup 2006, khi họ không còn ngôi sao lớn nhất là Diego Maradona. Đội bóng xứ sở Tango vẫn trung thành với cách đá dựa vào một vài ngôi sao thích phô diễn kỹ thuật kiểu “một mình làm tất”. Đó là lý do vì sao, những ngôi sao tuyến giữa như Juan Veron, Ariel Ortega, Juan Riquelme, và phần nào là Pablo Aimar trở thành trái tim của đội bóng. Những tiền vệ này sẽ là nguồn cung cấp bóng lên tuyến trên cho các chân sút cự phách như Gabriel Batistuta, Claudio Lopez, Hernan Crespo giải quyết.

Phong độ của Argentina các kỳ World Cup ấy phụ thuộc lớn vào một nhóm cầu thủ đóng vai trò dẫn dắt. Đó chính là lý do vì sao, đội bóng của họ luôn bùng nổ khoảnh khắc xuất thần mang màu sắc cá nhân nhưng lại thiếu những pha lập công kiểu teamwork (tập thể).

Từ World Cup 2006 cho đến World Cup 2018, Argentina vẫn trung thành với cách xây dựng đội bóng kiểu như thế. Ngôi sao lớn nhất là Lionel Messi và đội bóng phụ thuộc vào phong độ của anh.

HLV Scaloni đang khiến nhiều người bất ngờ khi ông sử dụng giải pháp gây áp lực tầm cao, liên tục dồn ép đối thủ ngay trên phần sân nhà

Argentina hiện đại của bây giờ

Nhưng tại World Cup lần này, Argentina đã chơi hoàn toàn khác. Messi vẫn là ngôi sao lớn nhất, có tầm ảnh hưởng quyết định nhưng vai trò của anh không “bao trùm” như Juan Veron, Juan Riquelme hay Pablo Aimar. Messi được chia sẻ gánh nặng khi Argentina đề cao tinh thần tập thể, thông qua sự đồng đều ở cả ba tuyến.

Về lối chơi, HLV Scaloni đang khiến nhiều người bất ngờ khi ông sử dụng giải pháp “gegenpressing”, tức là gây áp lực tầm cao, liên tục dồn ép đối thủ ngay trên phần sân nhà.

Thuật ngữ gegenpressing là cụm từ tiếng Đức và lối chơi kiểu này cũng do người Đức tiên phong xây dựng. Những HLV đã áp dụng thành công nổi bật nhất lối chơi này là Felix Magath (khi còn làm HLV Schalke 04), Christopher Daum (khi còn làm HLV Bayer Leverkusen) hay Ottmar Hitzfeld (Bayern Munich).

Năm trước, khi Manchester Utd mời HLV Raft Rangnik về cầm quân, vị HLV này cũng manh nha áp dụng gegenpressing vào sứ mệnh phục hưng MU. Tuy nhiên, có vẻ đội bóng Anh không thích ứng được lối chơi này nên ý tưởng của Rangnik trở thành... ảo tưởng.

Hiện nay, người duy nhất vẫn áp dụng gegenpressing cho đội bóng cấp CLB chính là Juergen Klopp (Liverpool).

Trận gặp Australia, chính tư tưởng gây áp lực tầm cao và liên tục của gengenpressing đã giúp Argentina sớm tạo ra lợi thế. Họ dồn lên mãnh liệt ngay sau tiếng còi khai cuộc và bắt Australia phải phạm những sai lầm vì không có không gian xử lý bóng. Bàn thắng mở tỷ số của Messi là thành quả của những pha dồn ép tức thở trước đó. Bàn thắng thứ hai là món quà gegenpressing tiếp tục dành tặng cho họ khi De Paul và Julian Alvarez đã buộc thủ thành Matt Ryan không xử lý kịp.

HLV Scaloni lại đang dùng “bài tủ” của người Đức làm vũ khí cho đội bóng của mình ở World Cup lần này và nó đang cho thấy sự vượt trội của Argentina trong các trận đấu gần đây.

Rõ ràng, Argentina đang thay đổi so với chính họ trong cả tư tưởng lẫn lối chơi. Nó khác với Argentina trung thành cách lên bóng chậm rãi, đưa đẩy và thiếu tốc độ trong quá khứ. Messi vẫn là hạt nhân nhưng vai trò của anh được giảm tải. Messi có thể đi bộ, có thể tham gia phòng ngự vừa với lứa tuổi 35, nhưng Argentina vẫn kiểm soát bóng như vũ bão.

Argentina tạo ra cái mới, góc mới về chiến thuật so với các đội còn lại ở vòng 1/8. Nhưng điều đó không có nghĩa gegenpressing ưu việt đến mức đối thủ nào cũng “chết”. Mà cơ bản, nó cũng có điểm yếu chí mạng nếu các tiêu chí về thể lực và sự đồng bộ không được duy trì. Bằng chứng là sau khi dẫn bàn, nền tảng thể lực của đa phần các cầu thủ Argentina suy giảm, cộng thêm những nhân tố vào sân từ ghế dự bị có phần “lệch pha” về nhịp độ khiến Argentina suýt phải trả giá trước sự vùng lên mãnh liệt của Australia.

Cuộc cách mạng của HLV Scaloni chưa biết có đưa được Argentina đến cái đích cao nhất hay không. Nhưng ít nhất, người ta cũng nhìn thấy sự tích cực về nhiều mặt trong lối chơi của họ. Đáng nói nhất là vai trò được chia sẻ của Messi. Anh không còn áp lực phải gồng gánh cả đội bóng trên vai, mà sẵn sàng cho những khoảnh khắc toả sáng cá nhân.