Ăn theo nhóm máu để giảm béo

TPO - Theo chuyên gia về dinh dưỡng Peter Dada( Mỹ), nhóm máu quyết định nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi cá nhân. Do đó, nếu có ý định giảm béo, nên có chế độ dinh dưỡng theo nhóm máu hợp lý. 

Trong nhân chủng học, những người  thuộc nhóm máu O có cơ quan tiêu hóa hoạt động rất tốt nên cơ thể dễ dàng hấp thụ thực phẩm giàu đạm, như thịt, cá các loại. Những người có nhóm máu này cũng hấp thụ và tiêu hóa các loại rau xanh rất tốt.

Những người nằm trong diện này nên “giã từ” những thực phẩm giàu đường: kem, sữa chua, sữa béo có đường, nước cam ép nguyên chất…, nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Người thuộc nhóm máu này kị nhất với các loại ngũ cốc và bánh mỳ, bởi nó không giúp họ cảm thấy ngon miệng, đồng thời lectin trong những thực phẩm này gây cản trở quá trình trao đổi máu, khiến cơ thể nhanh chóng bị béo mập mà dường như không rõ nguyên nhân.

Hơn nữa, nên tăng cường bổ sung các loại rong biển, hải sản giúp cải thiện hoạt động tuyến giáp ổn định.

2. Nhóm máu A – “Ăn thanh đạm”

Đây là nhóm máu phổ biến thứ 2 sau nhóm máu O. So với những người thuộc nhóm máu O, chức năng hoạt động tiêu hóa của nhóm người thuộc nhóm máu này yếu hơn, những người thuộc nhóm máu A khó hấp thụ thịt, đặc biệt là vào mùa thu và đông. Do đó, tăng cường sức đề kháng cho những người thuộc nhóm máu này là điều vô cùng cần thiết.

Thực phẩm ưu tiên: đậu phụ, trứng gà, đậu tương, ngô, súp lơ, táo, bưởi và thịt gia cầm.

Những người thuộc nhóm máu này có khả năng chuyển hóa và hấp thụ  chất dinh dưỡng thực vật cao, hấp thụ các loại thịt động vật lại kém, do đó nên ăn thanh đạm, giảm dần lượng thịt các loại mới có thể nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp tim mạch khỏe mạnh, tăng nhu động ruột, thúc đẩy tiêu hóa tốt.

Nên hạn chế: phô  mai, kem, sữa nguyên chất, thịt lợn, thịt bò.

3. Nhóm máu B – “ Đa chức năng”

Những người thuộc nhóm máu này có sức đề kháng rất tốt, cơ thể dễ lấy lại sự cân bằng khi có  sự thay đổi. Do đó, cơ thể có thể "thuần hóa" vô tư cả thịt, sữa bò và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa cũng như các thực phẩm giàu tinh bột.

Thực phẩm cần bổ  sung nhiều: thịt động vật các loại (lưu ý, tốt nhất nên ăn phần thịt nạc), trứng gà, cá các loại, dầu ô liu, đậu đỗ, củ cải,khoai tây, dưa chuột, nho…

Nên hạn chế: tôm, cua (thực phẩm nhiều lectin), ngô, cà chua, vừng, các loại  đồ uống có ga (thực phẩm dễ gây tăng cân)…

4. Nhóm máu AB – “Kẻ thù” của rượu bia

Nhóm máu có số lượng khan hiếm nhất. Tuy nhiên nó lại được thừa hưởng những ưu điểm cộng lại của nhóm máu A và B, có khả năng hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực vật tốt hơn từ động vật, có sức đề kháng tốt.

Tuy nhiên những người có nhóm máu này lại dễ chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, nên rất dễ tích mỡ gây béo phì. Do đó, cần chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn thành nhiều bữa 1 ngày. Hạn chế thực phẩm giàu đạm, khó tiêu hóa.

Rượu bia là một trong những kích thích mạnh nhất gây hại cho người thuộc nhóm máu AB, do đó cần hạn chế tối đa lượng rượu bia. 

Ngoài ra nên tránh xa: ớt, gừng tươi, hành tây, rau hẹ,một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: tôm, cua, socola, thịt dê…

Nên ăn các loại thực phẩm: Tất cả các sản phẩm dành cho nhóm máu B.

Phạm Hằng
Theo Sina