Agribank đồng hành cùng Lễ hội Sâm ngọc Linh năm 2018

Vừa qua, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức khai mạc lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ II năm 2018, với chủ đề “Hương sắc sâm Ngọc Linh” nhằm quảng bá những giá trị đặc biệt của cây sâm Ngọc Linh; đưa sâm núi Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm là loại dược liệu quý của không chỉ Việt Nam, mà còn của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú: Trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về Sâm Ngọc Linh, dược liệu, văn hóa địa phương; Hội chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; Lễ rước biểu tượng Sâm Ngọc Linh; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật…Thông qua các hoạt động của Lễ hội tiếp tục giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Nam Trà My tới du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cho biết: Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện TuMơRông (tỉnh Kon Tum). Là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, nó chứa đến 52 hợp chất saponin, có hàm lượng vi chất bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều bệnh hơn các loại sâm khác trên thế giới; đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, đã xuất hiện tỷ phú giữa núi rừng Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000ha để trồng sâm. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600ha, tại 7/10 xã được quy hoạch; giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh. Có thể nói rằng, cả thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 2 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

 
Trước đó, tháng 4/2018 phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức tại khu Trung tâm văn hoá thể dục thể thao của huyện Nam Trà My đã thu hút 06 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 13 hộ trồng sâm tại 8 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia trưng bày và bán tại phiên chợ; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, Quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia và một gian hàng trung tâm trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu (trên 30 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu); với trên 1.800 lượt người tham gia hoạt động thăm quan, mua sắm, với doanh thu thống kê đạt khoảng 4,9 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 64kg, thu về gần 4,7 tỷ đồng.

Lễ hội Sâm Ngọc linh năm 2018 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ,  lãnh đạo các cơ quan Bộ ngành, Trung ương và địa phương; các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Đồng hành cùng lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ II năm 2018, với chủ đề ‘Hương sắc sâm Ngọc Linh”, Agribank vinh dự là nhà tài trợ Vàng và đây là cơ hội tốt để kết nối với các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh cùng tham gia các chuỗi giá trị nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, vì một nền “Nông nghiệp sạch – Cho người Việt, cho Thế giới” và phát triển bền vững.