Đấy là một đêm thứ Ba của tuần cuối tháng Năm, khách sạn Magna Par ở quận Tortona, Milano có một cuộc họp mặt quan trọng. Các thành viên của cuộc họp mặt ấy đều đã ngoài 40. Họ đến để cùng nhau ăn tối và tán gẫu. Câu chuyện của họ sôi nổi y hệt không khí của phòng thay quần áo sau một trận chung kết tranh Cup vậy. Trên màn hình sân khấu còn có cả hàng chữ "We are the Champions" (Chúng ta là những nhà vô địch). Trên kệ là một chiếc Cup bạc, được các thành viên nâng niu như báu vật. Ai cũng muốn chụp hình chung với nó. Đấy chính là chiếc Cup Champions League danh giá.
"Tôi sẽ mang nó về Venice với mình", người cầu thủ mà Sir Alex Ferguson từng mô tả là "được sinh ra trong tư thế việt vị", Pippo Inzaghi, cương quyết tuyên bố.
Đã mười năm kể từ lần cuối cùng Milan vô địch Champions League, cũng là chức vô địch thứ bảy trong lịch sử đội bóng. Các thành viên của chức vô địch 2007 ấy gặp nhau để ôn lại kỷ niệm xưa, sau mấy tháng trời lên kế hoạch thông qua ứng dụng Whatsapp. Chức vô địch ở Athens là một dấu son trong sự nghiệp của tất cả, nhất là sau những gì đã xảy ra ở Istanbul năm 2005.
Ngồi ở góc bàn kia là Paolo Maldini, kế bên là "Siêu Pippo". Những người còn lại gồm có Billy Costacurta, "Rino" Gattuso, Marek Jankulovski, Massimo Ambrosini và Serginho. Carlo Ancelotti đã không thể thu xếp, và Andrea Pirlo cũng thế. Nhưng không có gì mà công nghệ hiện đại không thể giải quyết.
Với một chiếc iPhone được các thành viên truyền tay nhau, FaceTime giúp họ tái ngộ với Kaka từ Orlando. Kaka từng đoạt Quả Bóng Vàng trong màu áo Milan năm 2007. Đấy cũng là lần cuối, chủ nhân của danh hiệu này không phải là Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Nghe cứ như... từ kiếp nào. Họ ngồi đó, và cũng như các Milanista lúc bấy giờ, đang tự hỏi xem thời hoàng kim của Milan bao giờ mới quay trở lại.
Trước đó, vào tháng Tư, Silvio Berlusconi chính thức khép lại triều đại mang tên ông ở Milan. Đấy là triều đại thành công nhất của một ông chủ mà lịch sử bóng đá từng chứng kiến. 29 danh hiệu trong 30 năm Berlusconi đứng sau, trong đó có năm chức vô địch Champions League. Và người kế tục Berlusconi là Yonghong Li, một doanh nhân 48 tuổi. Người Trung Quốc (tất nhiên), rất giàu (hẳn rồi) và bí ẩn. Người ta bảo ông ta làm việc trong lĩnh vực bao bì và bất động sản.
Một cuộc điều tra chớp nhoáng từ Il Sole 24 Ore cho kết quả: Li sở hữu khối tài sản trị giá 565 triệu đôla. Và, Li không mua lại Milan một mình, ông chỉ là một thành viên trong tập đoàn quản lý mang tên Sino-Europe Sports đã đồng ý sơ bộ việc mua lại Milan từ tháng 8/2016. Không chỉ tập đoàn này, mà còn có một quỹ đầu tư và phát triển mang tên Haixia Capital và vài nhà đầu tư khác. Và cũng như Li, mọi danh tính đều được giấu rất kỹ. Ban đầu, người ta nghĩ vụ này cũng sẽ đổ bể, như nỗ lực thất bại của tỷ phú Thái Lan Bee Taechaubol vào mùa hè 2015.
Vì quá sốt ruột với tiến trình thương thảo, La Gazzetta dello Sport đã cử phóng viên nổi tiếng Marco Iaria sang tận Trung Quốc để điều tra về Li. Và những nhân vật sừng sỏ nhất trong cả hai giới thể thao và tài chính đều sửng sốt khi Iaria công bố bức ảnh đầu tiên của Li.
Đấy là một nhân vật... lạ hoắc!
Giữa thời buổi Internet đã tràn đến mọi hang cùng ngõ hẻm, thật khó tin là vẫn còn những bí ẩn lớn đến dường ấy. Khi Iaria đến địa chỉ đã được đăng ký của Sino-Europe Sports, ở tầng 15 của một cao ốc, nơi ấy tuyệt không một bóng người.
Các ông chủ Trung Quốc mới đến và gây ngờ vực về hành tung bí ẩn.
Sự thiếu minh bạch này chính là một trong những lý do khiến Paolo Maldini từ chối đề nghị trở lại làm Giám đốc Kỹ thuật. "Tôi từ chối vì không thấy những điều kiện cần cho một dự án thành công", cựu hậu vệ trái lừng danh người Italy nói. Ngay lập tức, trụ sở của Sino-Europe Sport phát ra một thông cáo: Maldini sẽ phải hối hận. Nhưng rồi những hạn chót bị phớt lờ. Một lần vào tháng 12/2016, một lần vào tháng 3/2017, người ta bắt đầu tin Maldini đã đúng.
Bị sức ép phải bỏ cuộc, Li "câu giờ" với việc chi 112 triệu đôla "tạm ứng". Rồi thông tin về việc gia đình Berlusconi ra giá qua cao: những 830 triệu đôla, chưa kể 445 triệu đôla theo thỏa thuận đầu tư vào CLB trong ba năm. Đấy là một cái giá "cắt cổ", khi đối chiếu với việc tập đoàn Nanking mua lại Inter "chỉ" với gần 344 triệu đôla. Cuối cùng, Li cũng chốt được việc mua lại Milan nhờ sự giúp đỡ của Elliott, một quỹ dự phòng đến từ Mỹ.
Nhưng sau tất cả những lo âu, ánh sáng đang rọi vào San Siro. Ban lãnh đạo mới đang làm việc quá tốt sau cuộc chuyển giao. Giám đốc điều hành Marco Fassone và Giám đốc thể thao Massimo Mirabelli (ngày trước từng đứng đầu bộ phận tuyển mộ cầu thủ của Sunderland) đã âm thầm vạch ra một kế hoạch suốt tám tháng trời trong lúc chờ CLB đổi chủ. Và sau khi công cuộc chuyển mình hoàn tất, họ lao vào biến đề án trên giấy thành sự thật. Milan đã ký với bốn tân binh, tiêu 110 triệu đôla tiền chuyển nhượng chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng Sáu.
Cả bốn tân binh đều được giới chuyên môn gật tù tán thưởng. Đấy không phải là những bản hợp đồng mua lấy tiếng, mà là sự cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên nhu cầu và lối chơi của HLV Vincenzo Montella. Mateo Musacchio, trung vệ đến từ Villarreal, là thành viên của hàng thủ tốt thứ nhì La Liga mùa trước. Ricardo Rodriguez, từ Wolfsburg, là hậu vệ trái được nhiều CLB săn đuổi. Franck Kessie từ chối AS Roma và vài đội Ngoại hạng Anh để đến Milan. Và mới nhất là Andre Silva, từ Porto và là một trong những tiền đạo hứa hẹn nhất bóng đá châu Âu.
Silva là tân binh đắt giá nhất của Milan trong hơn hai tuần mua sắm rầm rộ đầu hè. Nhưng Milan sẽ còn mua sắm tiếp để phục vụ tham vọng tái sinh. Ảnh: ACMilan/Twitter.
Điều tuyệt vời hơn là công cuộc tăng cường lực lượng của Milan chưa dừng lại. Họ sẽ mua thêm một hậu vệ phải, một tiền vệ kiến thiết lùi sâu và một tiền vệ cánh. Tuy nhiên, ưu tiên số một trong mùa hè này là gia hạn hợp đồng cho Gigio Donnarumma. Cũng như Maldini, người đại diện của Donnarumma, Mino Raiola, cũng tỏ ra hoài nghi về ông chủ mới của CLB. Mà Raiola thì nổi tiếng bảo vệ thân chủ. Ngay cả khi có ký tiếp, tay môi giới này cũng sẽ thòng điều khoản cho phép Donnarumma ra đi nếu Milan không được dự Champions League mùa sau.
Rồi còn đó những lo âu về luật Công bằng Tài chính (FFP). Milan có quyền mua cầu thủ, miễn họ phải chứng minh tính khả thi trong việc bù lại số tiền đã chi. Nhưng Milan đã lên lưng ngựa, một con ngựa đã phi nước đại ngay khi vừa cất vó. Đi cùng với nó là những hy vọng về ngày hoàng kim trở lại. Còn phía trước con ngựa ấy là đồng xanh hay hoang mạc, đấy là chuyện của tương lai. Còn hôm nay, cứ vui trước đã!