Văn Quyến nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh: A.X
Dự kiến, trong 2 ngày 25 và 26/1, cơ quan này sẽ đưa vụ án bán độ tại đội tuyển U 23 quốc gia ra xét xử sơ thẩm.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày 25 và 26/1. Hội đồng xét xử gồm thẩm phán Lê Văn Ban (làm chủ tọa) và 2 hội thẩm là ông Nguyễn Doanh và bà Võ Thị Nam.
Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã trích xuất hai bị can Lê Quốc Vượng và Trương Tấn Hải từ trại tạm giam của Bộ Công an tại Hà Tây vào trại tạm giam Chí Hòa (thành phố Hồ Chí MInh) để nhận quyết định.
Tòa án nhân dân thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 6 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa này, gồm: luật sư Phạm Liêm Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Quyến), luật sư Nguyễn Công Dũng và Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho Lê Văn Trương), luật sư Nguyễn Đình Thơ (Đoàn Luật sư Khánh Hòa, bào chữa cho Lê Quốc Vượng), luật sư Nguyễn Quốc Minh (Đoàn Luật sư Bình Phước, bào chữa cho Huỳnh Quốc Anh và Trần Hải Lâm), luật sư Đỗ Pháp (Đoàn luật sư Đà Nẵng, bào chữa cho Lê Phước Vĩnh).
Tòa cũng ra quyết định triệu tập 12 người gồm nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến dự phiên tòa (gồm một số cầu thủ, huấn luyện viên, người thân của bị cáo).
Ngày 25/12, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố Trương Tấn Hải (cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn) và Lê Quốc Vượng (cựu tuyển thủ U23 quốc gia) về hai tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Riêng 6 cựu tuyển thủ U23 quốc gia gồm Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh chỉ bị truy tố về tội tổ chức đánh bạc.
Khi đội tuyển U23 chuẩn bị lên đường đi dự SEA Games 23, Tấn Hải đã được tay cờ bạc có máu mặt Lý Quốc Kỳ nhờ "móc nối" với Quốc Vượng để làm độ cho các trận đấu.
Theo đó, Kỳ sẽ thông báo về kèo độ trước mỗi trận để Tấn Hải thông báo cho Quốc Vượng tổ chức dàn xếp tỷ số ở Bacolod (Phillippines). Bù lại, Quốc Vượng sẽ nhận được 500 triệu đồng.
Trước trận đấu giữa tuyển U23 Việt Nam và Myanmar 1 ngày, Tấn Hải đã thông báo yêu cầu cho Quốc Vượng là phải "thắng 1-0" trận này, hoặc cách biệt một bàn với tỷ số khác.
Do vậy, ngay sau buổi họp kỹ thuật, Vượng đã tổ chức "họp" với Hải Lâm, Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh để thống nhất. Với chiêu bài nợ nhiều quá, "không làm bọn xã hội đen cắt gân" nhằm tác động tình cảm đến các đồng đội.
Để chắc ăn, Quốc Vượng bảo Phước Vĩnh "thuyết phục" Quốc Anh, còn bản thân mình gọi Tấn Tài và Tài Em để ra giá. Duy chỉ có Quốc Anh nhận lời vì "nể Phước Vĩnh và thương Quốc Vượng" còn Tài Em đã tố cáo việc này với Ban huấn luyện đội tuyển.
Chiến thắng đúng theo yêu cầu, khi về đến TP HCM (sau Sea Games 23 kết thúc), Quốc Vượng đã nhận được số tiền "thanh toán" 500 triệu đồng như giao kèo. Tuy nhiên, Vượng chỉ "chia" cho các "chiến hữu" của mình mỗi người 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, Vượng hưởng một mình.
Đối với đường dây cá độ đứng đằng sau vụ này, hiện mới chỉ có manh mối duy nhất là Lý Quốc Kỳ nhưng Kỳ đã bỏ trốn nên sẽ được tách ra điều tra làm rõ sau.
Theo TTXVN/Vnexpress