1001 thắc mắc: Loài nào vừa bay vừa ngủ?

TPO - Một số loài động vật có thói quen ngủ kỳ lạ khiến nhiều người sửng sốt.

Các loài động vật ngủ như thế nào?

Với những hạch thần kinh thô sơ, loài sâu bọ thường ngủ bất động trong một tư thế đặc trưng: loài bướm gập cánh lại, những sâu bọ cánh cứng hạ râu xuống, còn họ nhà ong thì cúi thấp đầu...

Khi ghi lại sự thay đổi về hoạt động của điện não ở bò sát và chim, các nhà khoa học phát hiện ra hai đường khác nhau tương ứng với những giai đoạn của giấc ngủ sâu: những làn sóng điện chậm kèm theo giấc ngủ “thanh thản” và sóng nhanh trong những giai đoạn ngắn của giấc ngủ ngược, mở đường cho những giấc mơ.

Ở đỉnh cao của sự tiến hóa, giấc ngủ của động vật có vú tinh vi nhất. Từ con chuột chù cho tới khỉ hình nhân gorilla, giấc ngủ ngược của chúng thể hiện sự mất trương lực hoàn toàn của cơ bắp, trừ cặp mắt vẫn hoạt động mạnh dưới mi mắt. Cùng lúc đó, sự vận động của mắt thể hiện sự hoạt động tích cực của não bộ.

Ngoài ra, ngủ kiểu này cũng giúp chúng tự bảo vệ: khi một con vật săn mồi đụng tới làm rung cây, chim tỉnh giấc và sẽ bay đi ngay. Chim hồng hạc, sếu ngủ đứng trên một chân mà không ngả nghiêng. Bí mật nằm ở đâu? Là nhờ một trọng tâm rất thấp ngay ở phía trên của chân! Hơn nữa, khớp đầu gối lại có một cái xương đặc biệt, làm nhiệm vụ như cái ròng rọc và cố định chân ở vị trí thẳng đứng. Có nhà nghiên cứu về chim cho rằng tư thế đó giúp một chân được giữ ấm, tiết kiệm năng lượng cho cơ thể.

Những động vật lớn thường ngủ ở tư thế đứng, có lẽ để sẵn sàng phóng chạy khi thấy kẻ thù. Một tư thế đặc biệt tế nhị với loài hươu cao cổ, nó phải đặt đầu, cổ lên một cành cây hoặc lên lưng. Một loài ngủ đứng khác là chim cánh cụt, có thể đứng ngủ cả ngày, đêm để sưởi ấm cho trứng đặt trên chân. Nó có thể tỉnh giấc bất kỳ lúc nào khi có tiếng động.

Cá sấu có thể nằm hàng giờ không động đậy, miệng há rộng, không phải để người đi săn ngắm bắn, cũng không phải để cho con mồi dại dột, ngu ngốc tưởng đó là một thân cây chết. Sự thực là nó dùng hệ hô hấp để tạo nên sự thông gió nội tại đặc biệt hữu ích dưới ánh nắng chói chang của mặt trời nhiệt đới. Khi nhiệt độ tăng quá cao, nó đi vào giấc ngủ lịm, đồng thời giảm bớt sự chuyển hóa.

Khi ngủ, rắn vẫn đưa lưỡi ra vào đều đặn để biết được thành phần của không khí chung quanh. Nếu có một vật lạ hoặc con mồi, nó sẽ tỉnh dậy một lát. Ngược lại khi ngủ đông, nó không còn hung dữ nữa. Nhưng việc phát hiện nó trong lúc này có thể trở thành cơn ác mộng, vì rắn thường ngủ đông theo tập đoàn để tự bảo vệ. Loài rắn có đai ở Canada có thể qua đông với khoảng 10.000 con trong một tổ.

Vừa bơi, vừa bay mà vẫn ngủ được

Với một số động vật có vú ở biển khác như cá heo mỏ, hải cẩu, sư tử biển, quá trình tiến hóa đã tạo cho chúng cách ngủ theo kiểu nửa bán cầu não. Nửa này khi ngủ thì nửa kia hoạt động. Do đó, chúng vừa bơi vừa ngủ được.

Con gorilla không sợ thú săn mồi, ngủ ngay trên mặt đất. Loài chim sẻ đầu trắng lại có thể vừa ngủ vừa... thiên di theo mùa. Riêng loài voi vô địch về chuyện ngủ ít, chỉ khoảng 4 giờ/ngày. Loài sư tử (nhất là những con đực) thì có thể ngủ bất kỳ ở đâu và mỗi ngày chúng có thể ngủ tới 12 giờ.

Những loài động vật có thói quen ngủ "độc nhất vô nhị"

Cá heo

Cá heo là động vật có vú sống ở đại dương và sông nước có quan hệ mật thiết với cá voi. Có gần 40 loài cá heo thuộc 17 chi sinh sống ở các đại dương, số ít còn lại sinh sống tại một số con sông trên thế giới như sông Dương Tử, sông Amazon, sông Ấn, sông Hằng... Kích thước của cá heo có thể từ 1,2m và 40 kg (Cá heo Maui), cho tới 9,5 m và 10 tấn (Cá heo hổ hay Cá voi sát thủ). Chúng là loài ăn thịt, chủ yếu là ăn cá và mực.

Đối với đa số các loài động vật, khi ngủ sẽ nhắm hai mắt và tạm ngừng hoặc hạn chế tối đa mọi hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, cá heo lại hoàn toàn khác khi chúng chỉ nhắm một mắt khi ngủ. Vậy tại sao lại có điều kỳ lạ này?

 

Đối với các loài động vật có vú trên cạn khác, giấc ngủ là trạng thái vô thức một phần hoặc toàn phần. Trong đó, những hoạt động cơ chủ động (được điều khiển bởi ý thức) sẽ tạm ngừng và các giác quan như thị giác hay khứu giác được nghỉ ngơi.

Thế nhưng, đối với các loài động vật có vú sống dưới nước như cá heo hay cá voi thì giấc ngủ lại hoàn toàn khác khi chúng chỉ nghỉ ngơi nửa bán cầu não và 1 bên mắt. Phần còn lại vẫn hoạt động bình thường. Đây được gọi là “giấc ngủ nửa bán cầu não sóng chậm”. Sau hai giờ, hai bán cầu não lại đổi nhiệm vụ để cả hai đều có thể nghỉ ngơi tốt nhất. 

 

Rái cá biển

Rái cá biển là một loài động vật thuộc họ Chồn, sinh sống chủ yếu dọc bờ biển Thái Bình Dương của Bắc Mỹ. Con đực có cân nặng 14- 45 kg, còn con cái nhỏ hơn với cân nặng 14- 33 kg. Lông chúng dày quanh năm, rụng và thay dần chứ không thay một lần vào mùa thay lông. Vì có bộ lông khá dày nên chúng trở thành con mồi cho những kẻ săn lông thú. Mặc dù đã từng đứng bên bờ tuyệt chủng nhưng nhờ được bảo vệ, số lượng loài này đang ngày càng tăng lên, phân bố rộng rãi từ California đến Alaska.

Ngoài ra, loại vật này chúng có một bộ lông thuộc dạng dày nhất trong thế giới động vật với 250 ngàn cho tới 1 triệu chiếc lông cho mỗi inch trên da của chúng.

Có rất nhiều thứ thú vị khi nói về loài vật dễ thương này thế nhưng điều mà mọi người hay đề cập đến đó là chúng thường nắm tay nhau trong khi ngủ. Nhưng tại sao chúng lại làm thế? Điều này khiến chúng rất dễ bị nước cuốn trôi đi. Để tránh điều này, chúng thường nắm tay nhau hoặc quấn đuôi vào các đám rong biển. Vì vậy, nhiều người hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hai chú rái cá nắm tay nhau ngủ vô cùng hạnh phúc.

Rái cá biển thường kết thành một cái “bè” khi chúng ăn, ngủ, nghỉ. Một cái “bè” như vậy thường có từ 2 cho đến cả trăm chú rái cá kết lại. Và để có thể giữ được một cái bè chắc chắn như vậy thì chúng thường nắm tay nhau. Bên cạnh đó nếu chỉ có một mình thì rái cá biển thường dùng các lá rong biển để cuốn mình lại để giữ cho chúng không bị trôi đi khỏi nơi sinh sống.

 

Chồn đất châu Phi 

Chồn đất Châu Phi hay còn gọi là cầy Meerkat là một loài động vật có vú, sinh sống trong tất cả các khu vực của sa mạc Kalahari ở Botswana và Nam Phi. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có khoảng 20 đến 30 con meerkat, cá biệt có bầy lên đến 50 con với tuổi thọ trung bình từ 12-14 năm.

Chúng có khả năng nhận thức về mối nguy hiểm bị săn mồi trong phạm vi rộng khi đứng thẳng bằng hai chân sau để quan sát cũng như cảnh báo cho bầy đàn.

Khi được chừng một năm tuổi, một con meerkat có thể được coi là trưởng thành và bắt đầu sinh sản. Mỗi lứa sinh sản, meerkat sinh từ 1-5 con. Meerkat là loài sinh sản nhanh và có thể sinh bất cứ lúc nào trong năm, nhưng hầu hết là vào mùa có thời tiết ấm áp. Những con non được phép rời khỏi hang khi được khoảng ba tuần tuổi.

Meerkat là động vật đào hang nhỏ, sống quần thể trong hang ngầm rộng lớn với nhiều lối ra vào. Khi ngủ, chúng nằm chồng lên nhau, với một tai luôn vểnh lên để nghe ngóng nguy hiểm. Nữ chúa trong đàn sẽ nằm ở giữa và có giấc ngủ sâu nhất. Các con giữ vị trí lính gác sẽ nằm ngủ ở phía ngoài và luôn thức giấc đầu tiên nếu có bất kỳ tiếng động nào.

 

Dơi

Dơi là loài thú duy nhất có thể bay được. Chúng có cấu tạo hai chi trước giống như bàn tay con người với các ngón tay được nối liền bởi màng da và tạo thành đôi cánh. Khoảng 70% số loài dơi ăn sâu bọ, số còn lại chủ yếu ăn hoa quả và chỉ có vài loài ăn thịt. Loài dơi nhỏ nhất là dơi mũi lợn Kitti chỉ dài 29–33 mm, nặng khoảng 2 gam. Loài lớn nhất là dơi quả đầu vàng lớn với sải cánh dài 1,5 m và cân nặng khoảng 1,2 kg.

Dơi nổi tiếng với tư thế ngủ treo ngược cành cây và ngủ suốt cả ngày, đến ban đêm mới thức dậy kiếm ăn. Trong đó, loài dơi nâu ngủ tới 19h/ngày. Các loài động vật có giấc ngủ ngày dài sau dơi là tatu, thú có túi ôpôt, con lười, hổ và mèo nhà.

Khác với chim hay côn trùng, đôi cánh da của dơi không đủ lực để có thể dễ dàng nâng chúng từ mặt đất lên không trung. Do đó, lúc nghỉ ngơi, dơi luôn chọn một ví trí ở trên cao để khi cần bay lượn, chúng chỉ việc thả mình xuống, lợi dụng lực cản không khí hỗ trợ cho việc cất cánh.

Ngoài ra, khi mùa đông đến, dơi cũng có tư thế treo ngược mình lên để ngủ đông, như vậy có thể giảm bớt được sự tiếp xúc với đỉnh hang lạnh giá. Hoặc có một số con dơi có thể vùi đầu và thân vào trong màng cánh, cùng với bộ lông mềm mọc dày trên mình nó có thể có tác dụng ngăn cách hẳn với không khí lạnh ở bên ngoài.

Đương nhiên, treo ngược mình trên đỉnh hang so với dừng chân ở nơi khác được an toàn hơn nhiều. Thói quen sinh sống này và bản năng phòng vệ của dơi đều là kết quả của sự tiến hoá lâu dài của động vật.

   

Hươu cao cổ

Hươu cao cổ được biết đến là động vật cao nhất trên cạn và động vật nhai lại lớn nhất. Chúng thường sống ở đồng cỏ và rừng thưa, phân bố rải rác từ Tchad ở miền bắc đến Nam Phi ở miền nam, và từ Niger ở miền Tây đến Somali ở miền Đông châu Phi. 

Toàn thân hươu cao cổ được bao phủ bởi những đốm không đều nhau trên lớp lông vàng đến đen phân chia bởi màu trắng, trắng nhờ, vàng nâu. Nguồn thức ăn chính của chúng là lá cây keo mà chúng gặm ở độ cao mà hầu hết động vật ăn cỏ khác không thể với tới. 

Hươu cao cổ là loài ngủ rất ít. Chúng thường ngủ chỉ 2 tiếng đồng hồ mỗi đêm và có thể thức trắng để di chuyển trong nhiều tuần liền mà không hề hấn gì. Với thân hình cao lớn quá khổ, chúng rất khó nằm xuống để ngủ nhưng khi ngủ, chúng cuộn tròn lại trông rất đáng yêu.