1. Cách đây 60 năm, ngày 27/12/1962, tại Hà Nội, Chính phủ ra Quyết định số 1477/QĐ-CP thành lập Cục Công trình thuộc Bộ GTVT để đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngay sau khi thành lập, Cục Công trình đã nhanh chóng trở thành lực lượng chủ lực của ngành xây dựng công trình giao thông.
2. Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để chặn đứng âm mưu của địch, Bộ GTVT thành lập Bộ chỉ huy tiền phương đặt tại Khu 4 (gọi tắt là B4) và điều động kỹ sư, công nhân tại các công trường ở miền Bắc vào Hà Tĩnh, Quảng Bình bảo vệ, mở đường chi viện. Cuối năm 1964, Cục Công trình chuyển từ Hà Nội vào Nghệ An để trực tiếp chỉ đạo. Tổng số cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, công nhân lao động lên tới hàng vạn người. Năm 1966, Bộ GTVT đổi tên Cục Công trình thành Cục Công trình I.
3. Giữa năm 1967, Chính phủ quyết định mở đường nối quốc lộ 15A với đường số 9 nằm trong vùng địch kiểm soát và đặt tên là Đường 20/7 (xuất phát từ ý nghĩa của sự kiện Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước vào ngày 20/7/1965). Cục Công trình I được giao nhiệm vụ thi công tuyến đường này và đưa công trường “Đường 20/7” đã trở thành thiên anh hùng ca của các chiến sỹ GTVT và đồng bào ta trên các tuyến đường giao thông Khu 4.
Trong cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải vô cùng khốc liệt ấy, 688 đồng đội của Cục Công trình I anh dũng hy sinh, hàng ngàn người khác mang thương tật suốt đời và biết bao những nữ thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến đấu để rồi chịu hoàn cảnh cô đơn, thiệt thòi.
4. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Cục công trình I được đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Công trình I, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Hàng loạt các công trình trọng điểm bị phá hoại trong chiến tranh nay đã nhanh chóng được khôi phục như cảng Nhật Lệ, cảng Bến Thủy, cầu Cấm, cảng Cửa Lò; đặc biệt là chiến dịch thi công các cầu và đường sắt Thống nhất, đã hoàn thành mối ray cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chào mừng Đại hội lần thứ IV của Đảng.
Cuối năm 1982, Xí nghiệp liên hợp Công trình I được đổi thành Liên hiệp các Xí nghiệp Xây dựng công trình giao thông 4. Một số công trình tiêu biểu được hoàn thành trong giai đoạn như sân bay Sao Vàng, cầu Ghép, cầu Bến Thuỷ…
5. Bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1991, Bộ GTVT quyết định tách lực lượng xây dựng cơ bản trong Liên hiệp để thành lập Tổng Công ty Xây dựng giao thông miền Trung. Tháng 12 năm 1995, Tổng Công ty được thành lập lại và đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco4).
6. Ngày 22/8/2007, Bộ GTVT quyết định thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4. Từ ngày 1/7/2010, Tổng công ty chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá XI), từ tháng 10/2012, Tổng công ty tiếp nhận thêm 4 đơn vị từ Tổng cục đường bộ Việt Nam, nâng tổng số thành 26 đơn vị thành viên, với hơn 7.500 cán bộ công nhân viên lao động, có trụ sở trên 6 tỉnh thành trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn này từ 10-15%.
7. Cuối tháng 1/2013, Cienco 4 đã chính thức khai trương văn phòng mới của mình tại tòa nhà INCON 4 (Hà Nội), kết thúc khoảng thời gian hơn 50 năm đóng trụ sở chính ở Nghệ An. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng cũng nhờ đó, Cienco 4 có nhiều điều kiện hơn để giao dịch, tiếp xúc với các đối tác cũng như các bộ, ngành - từ đó có thêm cơ hội trong hợp tác, thu hút vốn từ các nhà đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
8. Ngày 1/6/2014, Tổng công ty chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần và lấy tên là: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Một năm sau đó, Cienco4 cũng hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước hoàn toàn.
9. Ngày 27/4/2017, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (viết tắt là Tập đoàn Cienco4) để mở ra thời kỳ phát triển đa ngành. Trong mô hình mới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn là hoạt động chủ đạo của Tập đoàn và dần mở rộng sang các lĩnh vực như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, môi trường, năng lượng và sản xuất thêm các sản phẩm khác.
10. Ngày 10/12/2018, Cienco4 chính thức giao dịch cổ phiếu trên Upcom (mã chứng khoán C4G). Với 100 triệu cổ phiếu với giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.000 đồng/cổ phiếu, giá trị của Cienco4 tăng từ 720 tỷ đồng trước đó lên 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, Cienco4 vẫn là nhà thầu uy tín bậc nhất trong thi công công trình giao thông. Cienco4 cũng là nhà đầu tư nhiều công trình giao thông lớn của cả nước. Trong năm 2022, Cienco4 sẽ thực hiện chuyển từ sàn Upcom sang sàn HOSE và dự kiến sẽ phát hành gần 112,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1:1. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Cienco4 sẽ tăng gấp đôi, lên 2.247 tỷ đồng.