Hàng trăm mô hình ở Kon Tum giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Kon Tum đã thành lập được 138 mô hình kinh tế tập thể, HTX, với hơn 2.000 thành viên tham gia. Trong đó có hơn 80% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).

Theo chị Y Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum, thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn.

Tới nay, có 11 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh được tổ chức cho 654 chị là cán bộ Hội các cấp, phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Hàng trăm mô hình ở Kon Tum giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ảnh 1

Các thành viên HTX Dục Nông (huyện Ngọc Hồi) làm sản phẩm thịt heo gác bếp

Theo đó, các lớp tập huấn đã hướng dẫn cho các mô hình phát triển kinh tế tập thể xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo quy định, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, kết nối đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp hỗ trợ máy móc, trang thiết bị và xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm (website, nhãn mác, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc) cho 8 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ với tổng số tiền hơn 330 triệu đồng cho 2 HTX.

Kết quả, các cấp Hội đã thành lập được 138 mô hình kinh tế tập thể, HTX, với hơn 2.000 thành viên tham gia, nguồn huy động hỗ trợ gần 7 tỷ đồng. Trong đó có hơn 80% thành viên tham gia mô hình là phụ nữ DTTS.

Chị Y Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum đánh giá, hiện nay các mô hình kinh tế tập thể, HTX do phụ nữ DTTS tham gia quản lý đang phát triển và đạt kết quả tốt, qua đó cũng thúc đẩy công tác bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số.

"Điển hình là mô hình làm sản phẩm thịt heo gác bếp của HTX Dục Nông (huyện Ngọc Hồi). Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người phụ nữ DTTS và giúp các thành viên cuộc sống ổn định", chị Y Phương cho biết.

Hàng trăm mô hình ở Kon Tum giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ảnh 2

Một số mô hình kinh tế tập thể, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ DTTS

Việc triển khai đề án và thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ giúp cho phụ nữ nói chung và phụ nữ vùng DTTS nói riêng, có điều kiện và cơ hội đóng góp vào kinh tế gia đình, phát huy năng lực của mình cho sự phát triển kinh tế cộng động, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Theo chị Y Chon, Chủ nhiệm HTX Dục Nông (huyện Ngọc Hồi), từ ngày thành lập HTX, thu nhập của nhiều phụ nữ trong HTX đã tăng lên: "Mỗi tháng, các thành viên có thu nhập từ 4-6 triệu đồng. Từ đó, họ tích cực hơn trong vấn đề cuộc sống, đặc biệt là biết vươn lên làm giàu từng ngày", chị Y Chon cho hay.

Một số mô hình kinh tế tập thể, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên là phụ nữ DTTS; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất… để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Điều 12 Luật Bình đẳng giới (Luật số 73/2006/QH11, được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007) quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế:

1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.