Thân thương tình Việt ở Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuộc sống có rất nhiều món quà, và chúng ta phải đi để mở nó ra. Trong những ngày ở Campuchia, bên cạnh trải nghiệm đáng nhớ cùng SEA Games 32 tôi còn tận hưởng món quà tuyệt vời nhất, chính là tình người Việt ở nơi đây.

“Thêm giá vào ăn ngon hơn đó con”, má chủ quán ân cần nói khi tôi bắt đầu ăn tô hủ tiếu, nghe thân thuộc quá đỗi, khiến tôi quên mất mình đang ngồi tại Campuchia.

Bước sang quán cà phê ngay đối diện, không khí Việt Nam còn đậm đặc hơn, với những ông chú ngồi tám đủ thứ chuyện trên đời, dĩ nhiên là bằng tiếng Việt, át cả tiếng nhạc bolero phát ra từ chiếc TV trong góc, trước mặt là ngổn ngang ly tách và cả chiếc đĩa nhựa đựng xấp vé số Tiền Giang.

“Cuộc sống người Việt ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng không bao giờ em hối tiếc vì mình là người Việt. Em luôn tự hào là người Việt Nam, và niềm tự hào này chính là thứ đã giúp em vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống” Trần Văn Pháp

Biết tôi mới từ Việt Nam qua, tất cả cùng xúm lại hỏi chuyện. “Chú uống nhiều cho khỏe, còn đá banh nữa”, ông chủ quán vừa nói vừa thêm cà phê vào ly tôi. Thấy tôi mặc áo đoàn thể thao Việt Nam, ông tưởng tôi là cầu thủ sang dự SEA Games 32. Dễ thương vậy đó.

Thân thương tình Việt ở Campuchia ảnh 1

Út và đại gia đình ăn mừng chiến thắng của U22 Việt Nam trên đường về nhàẢnh: Thanh Hải

Phnom Penh có rất nhiều người Việt, nhưng đông nhất tại Chba Om Pau, khu vực chân cầu Monivong bắc qua sông Bassac được gọi là “cầu Sài Gòn”. Họ ngụ ở đây từ rất lâu rồi, và mưu sinh chẳng dễ dàng gì. Như nhà ông Trần Văn Dương mà tôi sắp tới nằm sâu trong con hẻm nhỏ rác ngập lối đi. Ông từ Tây Ninh qua Campuchia vào những năm 1970, làm đủ thứ việc từ mộc đến phu hồ. Rời ghe để lên bờ, đến bây giờ, gia tài chỉ là căn nhà chưa đầy 25m vuông và… 11 người con. Út, chàng trai dẫn tôi tới, là con thứ 8. Tưởng cuối nên mới đặt là Út, ai dè sau vẫn có tiếp, là Còn, Hết và Nhánh.

Thân thương tình Việt ở Campuchia ảnh 2

Anh Tâm (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình chuẩn bị đồ cổ vũ U22 Việt Nam

Út mê bóng đá lắm. Vào hôm trước, nghe tôi nói mình là phóng viên và sẽ tới sân Prince để làm trận ra quân của U22 Việt Nam tại SEA Games 32, cậu rủ tôi qua nhà chơi, rồi tình nguyện đưa tới Morodok Techo lấy thẻ tác nghiệp trước khi đến Prince. Sau một hồi lục tìm chiếc mũ bảo hiểm trong đống đồ ngổn ngang chất đầy tầng trệt (cả nhà sinh hoạt trên gác xép làm bằng ván gỗ), Út trao nó cho tôi và cả hai cùng rong ruổi trên chiếc xe máy, mà tôi đoán lâu rồi nó không được bảo dưỡng, liên tục phát ra những tiếng lọc xọc tựa máy cày.

Thân thương tình Việt ở Campuchia ảnh 3

Các bạn trẻ Bãi Cải cùng tác giả

Loanh quanh một hồi chúng tôi vẫn chưa ra khỏi khu “Cầu Sài Gòn”. Út muốn ghé nhà người anh để lấy chiếc áo cờ đỏ sao vàng để chiều mặc ra sân. Căn nhà đó cũng tương tự nhà Út, chật hẹp tù túng. Chỉ khác là tầng trệt gọn gàng hơn, và mọi người tập trung cả đấy, cùng nhau cắt các miếng dán in quốc kỳ Việt Nam với nhiều hình dáng, kích cỡ. Họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ SEA Games 32, tranh thủ kiếm chút đỉnh trước khi vào sân cổ vũ đội tuyển.

Tâm, anh vợ Út, khoe rằng trận khai màn (của chủ nhà Campuchia) anh bán được 70 đô (khoảng 1,6 triệu đồng) từ đồ cổ vũ. Buổi đầu khá ổn khuyến khích cả nhà tiếp tục. “Người Campuchia lạ lắm, sau trận dù có thắng cũng ra về trong trật tự, không cuồng nhiệt hò hét, nhậu nhẹt ăn mừng như mình”, Tâm vừa trò chuyện vừa ngáp dài. Vợ anh lý giải, Tâm đã thức cả đêm qua ở chợ, đến giờ vẫn chưa được ngủ. Thế nhưng tay Tâm vẫn thoăn thoắt cắt các tấm dán, thẳng tắp không chệch một ly.

“Em ngày xưa cực lắm”, Tâm kể, “Như những đứa trẻ Việt sinh ra ở Campuchia khác, em chỉ học hết lớp 3 rồi ra chợ phụ ba má. Nhà bán gà, em vặt lông có nghề luôn, đông khách lắm. Nhiều lần vặt lông gà xuyên đêm, ngủ gật là bị ba la. Những lúc ấy em chỉ ước có một ngày ngủ thật đã đời. Giờ có thể ngủ được rồi, em lại không dám, sợ lãng phí thời gian, phải tranh thủ từng phút để kiếm tiền nuôi gia đình. Mình khổ rồi, đến đời con phải khác”.

Điều ngạc nhiên là cũng chính Tâm, người đang tranh thủ từng phút, tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền ấy lại sẵn sàng giảm giá, thậm chí tặng luôn miếng dán cổ vũ cho những người Việt khác tại sân Prince vào buổi chiều.

"Người Việt mình cả mà anh", Tâm cười, nói với tôi, "Với lại em cũng muốn xong sớm để vào sân. Sau dịp này, chẳng biết khi nào Việt Nam mới lại qua đá". Theo lời Út thì không chỉ anh em cậu, người Việt nào ở Campuchia cũng mê bóng đá hết. “Có hai thứ dễ nhận biết người Việt với người Cam, một là ngôn ngữ, hai là tình yêu bóng đá”, cậu nói đầy tự hào.

Sau những ngày ở Campuchia, lời Út nói không sai. Như chị Trần Thanh Nhung, chủ quán Góc Hà Nội ở Phnom Penh, một trong những việc đầu tiên chị làm khi ổn định cuộc sống tại Campuchia là thành lập đội bóng phủi Arita Garden FC, vừa giúp anh em trong công ty thỏa mãn đam mê vừa tạo sân chơi, kết nối, giao lưu trong cộng đồng người Việt.

Hoặc như những thanh niên ở Bãi Cải, tức xóm đạo Arey Khsath, không chỉ lập ra các đội bóng mà còn tổ chức các giải quy mô, như Cúp Tứ hùng mỗi năm chỉ có một lần. Dịp SEA Games 32, Cúp Tứ hùng cũng diễn ra với sự quan tâm của toàn bộ cư dân các hội đạo. Và khi đội FC Bãi Cải giành chiến thắng, tiếp theo là màn rước Cúp hoành tráng quanh xóm bằng xe gắn máy, rồi trở về nướng cá, ăn uống vui vẻ tới tận đêm.

Theo Trần Văn Pháp, đội trưởng của FC Bãi Cải, chàng trai chỉ mới hơn 20 tuổi nhưng suy nghĩ già dặn, “bóng đá không chỉ là bóng đá”. “Bóng đá giúp chúng em quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống và cả bất an về tương lai”, Pháp nói, “Nó còn là sợi dây kết nối những người Việt xa quê, đưa mọi người xích lại gần nhau”.

Quả thực, chính nhờ bóng đá, nhờ SEA Games 32, tôi mới ở đây, giữa cái nắng cháy da của Campuchia. Và tôi được quen những người bạn tuyệt vời, thế hệ người Việt thứ nhất và thứ hai sinh ra tại xứ sở chùa tháp. Hầu hết đều làm công việc tay chân với tấm thẻ ngoại kiều, song luôn sở hữu tinh thần lạc quan và luôn hướng về cố hương.

Thường nhật lăn lộn với cuộc sống, nhờ những trận đấu của U22 Việt Nam tại Phnom Penh tất cả mới có cơ hội thể hiện tình yêu Tổ quốc. Họ lột bỏ chiếc áo mưu sinh, khoác lên mình áo đỏ sao vàng, sau đó vào sân, cháy hết mình và giải phóng niềm tự hào người Việt.

“Việt Nam mình mà, phải thắng chớ anh”, Út hét lên với tôi trên khán đài, khi SEA Games 32 trôi về những ngày cuối cùng, rồi dặn với theo: “Ngày mơi (mai) anh nhớ qua ăn hủ tiếu, má chủ quán nhắc anh hoài, hỏi sao chưa thấy cái thằng không ăn giá đá banh trên TV”.

Người Việt tại Campuchia dễ thương gì đâu, khiến tôi cảm thấy mình như một phần gắn bó của cộng đồng bền chặt ấy. Và ngược lại, những người bạn này mãi mãi chiếm một phần trang trọng trong trái tim tôi.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện cưới dịp Quốc khánh ở Trung Quốc

Chuyện cưới dịp Quốc khánh ở Trung Quốc

TP - “8 ngày nghỉ lễ, 7 bữa tiệc cưới” đã trở thành chủ đề thảo luận nóng trên mạng xã hội Weibo. Nhân vật chính của cụm từ nóng này là một cô gái gen Z mới bắt đầu đi làm, “7 bữa tiệc” tức là tốn rất nhiều tiền mừng, vì vậy cô đã kêu ca, than phiền, gây nên bàn tán.
Đại sứ Mỹ: Trong thập kỷ tới, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn nữa

Đại sứ Mỹ: Trong thập kỷ tới, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn nữa

TPO - Tối 21/9, tại cuộc gặp gỡ báo chí trong lễ hội tiệc nướng mỹ vị Hoa Kỳ tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp tổ chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết: “Chúng tôi tự hào có thể mang tới các sản phẩm của nông dân Hoa Kỳ, ngư dân Hoa Kỳ tới Việt Nam. Tất nhiên, tôi cũng hy vọng các sản phẩm của Việt Nam ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ”.
Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất tại Đài Loan (Trung Quốc)

Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất tại Đài Loan (Trung Quốc)

TPO - Ngày 26/8, tại Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra Ngày hội Văn hoá và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài phối hợp với Văn phòng Văn hoá Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Đài Loan (Trung Quốc) và các cơ quan liên quan tại Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp tổ chức.
Khi du lịch phát triển quá mức

Khi du lịch phát triển quá mức

TP - Du lịch phát triển quá mạnh mẽ cũng có thể trở thành một vấn đề – và các thành phố lịch sử đang bắt đầu đứng lên chống trả. Nhưng liệu những người dân địa phương có thể ngăn chặn làn sóng du khách đông đúc, ồn ào không?