Rộn ràng rằm 'pây tái'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Pây tái lớ pi nọong ơi”… Mỗi dịp rằm tháng 7, lời mời gọi này tràn ngập Facebook của những người bạn tôi đang sống ở Cao Bằng. “Đi tái á anh em ơi” rộn ràng khiến những người xa quê như tôi nao nao nhớ nhà.

Nhắm mắt lại cảnh ấm êm ở quê nhà hiện ra: Chợ đông vui, tiếng vịt kêu “cạp cạp”. Hương bánh gai rừng toả trong từng con phố, con ngõ… Rằm tháng 7 của người Tày, Nùng ở miền biên viễn không thể thiếu bánh gai, thịt vịt.

Khi người Tày ở Cao Bằng nói: “Kin nựa pất, kin pẻng tải”, là rằm tháng 7, rằm “pây tái” đã đến rồi. Chỉ có rằm “pây tái” mới ăn thịt vịt và ăn bánh gai. Không ăn thịt vịt, không ăn bánh gai, không ra rằm “pây tái”.

Thế nên, ngoài chợ, dù chợ lớn, chợ nhỏ, chợ thành phố hay chợ ở nông thôn, thời điểm này đều đông người mua, kẻ bán. Chị Nông Phấn, ở thành phố Cao Bằng, kể với tôi không khí đón rằm “pây tái”: “Những ngày này chợ rất nhiều mặt hàng, nhiều nhất là các loại nguyên liệu làm bánh gai: Lá gai rừng, lá gai vườn, lá chuối, vừng, lạc, đỗ, dừa…

Qua các con phố nhỏ thơm nức mùi lá gai ninh. Những hộ làm kinh doanh rục rịch ninh trước rằm nhiều ngày để kịp phục vụ khách hàng”. Rằm “pây tái”, ngay cả những gia đình đang có việc cũng không thể lơ là với việc làm bánh gai.

Chị Nông Phấn kể tiếp: “Bên ngoại tôi năm nay cũng ninh lá gai sớm do có người già đang nguy kịch. Bà đã không ăn được gì mấy hôm nay, tiên lượng xấu nên cả họ tranh thủ làm bánh sớm để lỡ tình huống xấu nhất xảy ra thì cũng có bánh cúng rằm”.

Rộn ràng rằm 'pây tái' ảnh 1

Bánh gai được treo trong nhà một người Tày

Đời sống hôm nay đã khác trước rất nhiều. Rất nhiều người đang ở tuổi lao động tất bật với guồng quay cơm áo. Họ không có thời gian cho chính họ, đừng nói đến việc làm bánh gai và họ đành trông vào những gia đình kinh doanh bánh trái.

Hiện nay, không chỉ rằm “pây tái”, ngay ngày thường, người dân ở Cao Bằng vẫn mua được bánh gai vì kinh doanh ẩm thực ở mảnh đất giáp biên giới đang phát triển. Một số món ăn phổ biến ở Cao Bằng đã có mặt ở thủ đô và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, chinh phục “thượng đế” khó tính.

Bánh gai Cao Bằng cũng là một món ăn hút khách xuôi, có lẽ bởi chúng được làm từ nguyên liệu riêng biệt ở miền xuôi không có, như lá gai rừng.

Rộn ràng rằm 'pây tái' ảnh 2

Một góc chợ đông vui

Thay vì xếp đồ ăn vào tủ lạnh bảo quản như người Kinh, người Tày- Nùng lại treo bánh thành từng dây trong nhà, trong bếp, khiến người ta cảm giác no đủ, chưa cần ăn đã thấy no.

Nhưng rằm “pây tái” chỉ làm bánh gai vẫn là thiếu một nửa, còn phải giết vịt nữa, mới tròn.

Cả gia đình quây quần “kin nựa pất, kin pẻng tái” (Ăn thịt vịt, ăn bánh gai). Rằm tháng 7 sở dĩ được người Tày gọi là rằm “pây tái” vì đây là dịp hướng về bên ngoại. “Pây tái”- Về Ngoại. Chẳng kể điều kiện giàu hay nghèo, rằm “pây tái” vợ chồng con cái đều mang lễ vật đến nhà bố mẹ vợ, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục cô dâu. Lễ vật nhất định có một con vịt hoặc đôi vịt kêu cạp cạp nằm trong lồng và bánh gai.

Dịp rằm “pây tái” lên mảnh đất biên viễn chớ ngạc nhiên khi trên đường phố hay đường làng gặp cảnh người dân chạy xe máy chở theo lồng vịt đằng sau, hoặc gồng gánh bánh gai, con vịt… Họ đang mang lễ vật đến biếu bên Ngoại, ai cũng trong tâm trạng vui vẻ.

Ở Cao Bằng, đa phần dân số là người Tày- Nùng, nên phong tục “pây tái” của người Tày- Nùng đã được các dân tộc khác trên mảnh đất này đón nhận tự nhiên. Nhiều người Kinh sinh sống ở đây lâu đời hoặc mới lên đây làm ăn vài năm cũng rộn ràng hoà vào rằm “pây tái”. Nhà thơ dân tộc Tày Y Phương, từng viết về tinh thần hiếu khách của người Cao Bằng: “Mời rượu cả chum/Mời quả cả cây”. Tôi cảm thấy, không chỉ hết mình khi mời khách, người Cao Bằng trong ẩm thực vốn chuộng “mâm cao cỗ đầy”.

Cuộc sống hôm nay đã tốt hơn xưa rất nhiều, trong ẩm thực có quá nhiều sự lựa chọn, ngay cả ở ngày thường, chưa nói dịp lễ tết. Thế nhưng đến rằm “pây tái” người Cao Bằng vẫn làm rất nhiều bánh gai, dù không ăn được bao nhiêu. Bánh gai có ưu điểm để được lâu không bị hỏng.

Ngoài bánh gai, thịt vịt thì rằm “pây tái” người Tày - Nùng còn dùng bún thay cơm. Nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay vẫn tự làm bún, còn người sống ở thành phố thường ra siêu thị, ra chợ mua bún. Người Tày- Nùng ở Cao Bằng ăn rằm “pây tái” bắt đầu từ ngày 13 âm, cũng có thể sớm hơn, tuỳ điều kiện thời gian của mỗi gia đình.

Theo chị Nông Phấn, người ở thành phố đón rằm “pây tái” vẫn còn nhẹ nhàng so với người sống trong huyện: “Ở miền đông Cao Bằng, như các huyện Quảng Hoà, Trùng Khánh, ăn rằm “pây tái” to ngang tết Nguyên Đán. Nhà chồng tôi ở Quảng Hoà, nhà bao nhiêu người mổ bấy nhiêu con vịt, mỗi đầu người một con. Bánh thì từng sào”. Cứ đón rằm như thế, ai đi xa chẳng nhớ về. Là nhớ không khí sum vầy, đoàn tụ, ấm áp biết bao, vui vẻ biết bao! Dù ngày mai có ra sao thì rằm “pây tái” hãy tạm quên nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Rộn ràng rằm 'pây tái' ảnh 3

Bánh gai không thể thiếu ở rằm “pây tái” của người Tày-Nùng Cao Bằng

Tôi có thói quen đưa những hình ảnh đời thường lên Facebook, nhờ Facebook giữ giùm những khoảnh khắc làm tôi vui hay khiến tôi buồn. Gần rằm “pây tái”, Facebook nhắc lại cho tôi tấm ảnh chụp thùng bánh gai mẹ già của tôi ở Cao Bằng năm ngoái đã gửi cho tôi. Bà không muốn tôi cảm thấy cô đơn nơi đất khách.

Năm nay, tôi lại nhận được thùng bánh gai do chính tay mẹ làm và gửi cho tôi. Mắt tôi rưng rưng, chỉ ước là cánh chim để bay về nhà ngay lúc ấy. “Mẹ già như chuối chín cây/Gió lay mẹ rụng…” mà có bao giờ mẹ quên con gái, dù con gái cũng đã vào độ trung niên, cay ngọt đã từng!

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.