Khèn Mông giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái mới đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự bảo tồn và phát huy của cộng đồng, của tỉnh Yên Bái những năm gần đây đã làm cho loại hình nghệ thuật này ngày càng được khẳng định, mang trong mình sức sống mãnh liệt và trở thành biểu tượng của văn hóa Mông.

Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa, hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan, tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai người Mông.

Khèn Mông giữa đại ngàn ảnh 1

Tiếng khèn Mông vang vọng giữa đại ngàn

Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao.

Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.

Khèn Mông giữa đại ngàn ảnh 2

Những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống thể hiện qua tiếng khèn

Các cụ già người Mông ở Yên Bái kể lại: “Ngày xưa có một nhà nọ cha mẹ mất sớm, để lại sáu anh em trai ở với nhau. Họ làm được cái khèn có 6 lỗ và sáu bộ phận để sáu anh em cùng được thổi. Ngày ngày họ đi làm nương rẫy, tối về anh em quây quần bên nhau và cùng mang khèn ra thổi. Tiếng khèn trầm bổng thắm thiết, người dân trong bản tối nào cũng đến chơi để nghe thổi khèn rất đông vui. Thời ấy xảy ra chiến tranh giữa các bộ lạc. Trong 6 anh em có 5 người ly tán: người thì bị giặc giết hại, người theo nghĩa quân đánh giặc, người thì bị phiêu bạt…, Còn lại người em út không nhà cửa ở với chú ruột. Thiếu tiếng khèn, trong vùng trầm lặng, quạnh hiu. Vắng các anh cho nên chàng út không thể thổi được khèn. Chàng út liền nghĩ ra một cách là tổng hợp cả năm chi tiết kia thành một cây khèn. Chiếc khèn ấy ngày nay được gọi là khèn Mông...”.

Để có được một cây khèn tốt với âm thanh chuẩn và hay, các chàng trai phải tiến hành nhiều công đoạn từ chọn gỗ làm thân khèn, làm đai, khoét lỗ, chọn ống khèn cho đến việc đúc đồng làm lam, cắt và chỉnh sửa lam, lắp lam, uốn ống, dùi lỗ, lắp ống vào thân khèn...

Khèn Mông giữa đại ngàn ảnh 3

Khèn Mông được nhiều du khách thích thú

Khèn được thổi cùng các điệu múa, động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn hoặc nhẹ nhàng, thong thả, khoan thai tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian khi biểu diễn.

Các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa thể hiện cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân; đồng thời, thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ của người trình diễn khèn. Mỗi động tác đều thể hiện sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo của người đàn ông Mông.

Nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn động tác độc đáo ở nhiều không gian khác nhau: múa khèn trên một tảng đá, trên mâm tre, trên gốc cây lớn cưa bằng hoặc trên cây gỗ tròn bắc qua suối. Dù múa khèn ở bất kỳ tư thế và không gian nào, người múa phải giữ ổn định tiếng khèn, không để tụt hơi hoặc rơi tiếng.

Ngày nay, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi sắc màu văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái.... Đặc biệt, những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông là nét văn hóa truyền thống đặc trưng và là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.

Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.

Các huyện cũng mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn khèn cho các học viên. Mở các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa tại cơ sở để mọi người có thể tham gia, từ đó lan truyền và quảng bá thêm về nghệ thuật khèn Mông. Các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đều có chương trình dạy và học khèn tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa.

Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở các huyện phía Tây của tỉnh.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.