Chuyện chưa kể về tộc người 'bí ẩn nhất thế giới': Câu chuyện trong hang đá

0:00 / 0:00
0:00
 Người Rục được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt
Người Rục được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt
TP - Đến nay, người Rục đã bước qua thế hệ thứ 3 sau khi rời hang đá để sống định cư, hòa nhập cộng đồng. Những người Rục từng sống trong hang đá nay chỉ còn lại một vài người “không nhớ tuổi mình”. Với những người Rục này, ký ức về những ngày tháng sống trong hang đá thuở “hồng hoang” vẫn còn ám ảnh.

Cuộc sống “hồng hoang”

Cho đến bây giờ, khi đã sống định cư ở thung lũng Rục Làn, đã tự tay trồng được lúa nước, dần hòa nhịp với cuộc sống văn minh, một số người Rục, nhất là người già, vẫn nhớ rừng da diết, nhất là những hang đá, nơi một thời là ngôi nhà của họ. Một số cụ ông, cụ bà người Rục “không nhớ tuổi mình” đôi khi thèm khát cuộc sống hang đá, đã quay lại hang ở đôi ba ngày như cách hấp thu linh khí của tổ tiên, trời đất để nhắc nhớ con cháu về nguồn gốc của tộc người mình.

Chuyện chưa kể về tộc người 'bí ẩn nhất thế giới': Câu chuyện trong hang đá ảnh 1

Người Rục thâm canh trên đồng ruộng giữa thung lũng Rục Làn

Ông Cao Pằn ở bản Ón (xã Thượng Hóa) là một trong những người Rục sinh ra ở hang đá hiện vẫn đang còn sống. Ông Pằn bảo rằng, do không được đi học nên ông không biết được năm nay mình bao nhiêu tuổi. “Nay đã già rồi, cái chân không còn khỏe để leo núi, lội suối được nữa nên miềng phải ở nhà với con cháu, nhưng ngày trước thì mỗi năm, vợ chồng miềng lại kéo nhau vào hang đá sinh sống một vài ngày cho đỡ nhớ rừng, nhớ suối” - ông Pằn nói.

Với thế hệ người Rục sinh ra trong hang đá như ông Pằn, ký ức và cả thói quen về cuộc sống “săn bắt hái lượm” với những kỹ năng sinh tồn trong rừng rậm vẫn còn in đậm trong tâm trí. Họ đau đáu nhớ về những hang đá, về con suối đầy cá, về những cánh rừng đoác… một thời nuôi sống họ. Bởi ở đó là quê hương của họ. Về thăm lại hang đá như về lại ngôi nhà thân thương của họ vậy!

Ông Pằn kể: Sâu trong dãy núi đá vôi ở vùng Ma Ma Kà Tắp, thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hàng trăm hang đá lớn nhỏ. Ngày đó, người Rục thường chọn những hang có nước rục (loại nước chảy ra từ trong núi đá hoặc từ lòng đất trồi lên) để sinh sống và dùng than củi đánh dấu vào cửa hang để người khác biết hang có chủ. Có những hang rộng, người Rục tập trung ba, bốn gia đình sống chung, nhỏ thì chỉ một, hai gia đình. Hang có nhiều ngăn, nhiều buồng riêng thì rất tiện, nhưng nếu không có thì tất cả cũng chỉ phân khu ra ở cùng nhau.

Người Rục ngày đó không trồng trọt hay chăn nuôi, cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào “mẹ rừng”. Hàng ngày, họ săn bắt, hái lượm nhiều thứ trong rừng để sống, nhưng lương thực chủ yếu nhất của họ là bột nhúc. Bột nhúc được làm từ thân cây đoác (loại cây họ dừa), thái mỏng ngâm nước, sau đó phơi nắng hoặc hong khói cho thật khô, sau đó giã nhỏ, lọc sạch xơ để lấy bột nấu ăn hàng ngày. Cũng từ cây đoác, người Rục chế thành rượu, gọi là rượu đoác. Việc làm rượu đoác rất công phu. Những người Rục trưởng thành thích uống rượu thường tìm những cây đoác thật to, trèo lên lấy dao chặt đứt ngọn cây đoác, sau đó dùng một loại rễ cây giã nhỏ (dạng men) để vào đó. Tiếp đến lấy vỏ cây có thể đựng được nước hứng vào đó, sau vài hôm nước từ cây đoác rỉ ra, chảy vào mo - đó là rượu đoác. Việc uống rượu đoác như một tập tục văn hóa của người Rục. Ngoài việc dùng rượu đoác để tế lễ, rượu còn dành để mời khách quý và uống để giữ ấm trong mùa đông, nên nam phụ lão ấu đều rất thích.

Thời đó, người Rục chẳng biết quần áo là gì. Vỏ cây được đập dẹp phơi khô để người Rục che đi những vùng nhạy cảm trên cơ thể. Cuộc sống khi đó cũng không có ngày tháng gì cả, chỉ biết trời sáng thì thức giấc. Để tạo ra lửa, người Rục thường dùng hai hòn đá đánh mạnh vào nhau. Ở trong hang, họ đốt bếp lửa suốt ngày đêm để sưởi ấm, xua đuổi muỗi và thú dữ…

Ký ức ngày rời hang

Bà Cao Thị Hậu (75 tuổi), một người Rục được sinh ra từ hang đá, hiện lấy chồng ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa), vẫn nhớ như in thời điểm bà và gia đình mình được chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng vào tận hang đá vận động về bản để sống định cư. “Hồi đó, ở trong hang, gia đình miềng có 4 anh chị em. Hàng ngày, bố mẹ đi rừng, chị em miềng ở “nhà” chơi với nhau, lấy việc leo trèo cây rừng, hốc đá và lấy lá rừng làm đồ chơi. Một hôm, bố đi săn về được một con thú rừng nhỏ, đang làm thịt nấu ăn thì bộ đội đến vận động ra khỏi hang. Sợ bộ đội nên mấy chị em chạy trốn. Sau đó, thì bố đi tìm về để ra khỏi hang, về cùng bộ đội sống định cư” - bà Hậu kể lại.

Bà Đinh Thị Tằng (65 tuổi), hiện trú ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa kể lại lần đầu tiên một người Kinh như bà nhìn thấy những người Rục “nguyên thủy” là vào năm 1966, khi có một nhóm người được bộ đội vận động xuống bản sống. “Tất cả đàn ông và đàn bà đều ở trần, trên người chỉ có chiếc khố hay váy bằng vỏ cây cuốn lại, người đen nhẻm, tội lắm. Họ co ro ngồi sụp xuống cỏ, mãi tới khi mọi người đưa quần áo khoác lên người họ mới đứng dậy. Họ không biết mặc áo, nên đi được một đoạn thì gió bay mất áo, họ cũng không thèm nhặt, tiếp tục đi theo bộ đội” - bà Tằng hồi tưởng.

Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết: Thế hệ người Rục sinh ra trong hang đá hiện ở bản chỉ còn lại một vài người như ông Cao Pằn, Cao Vền... Với những người Rục này, hang đá như là nhà luôn nằm trong tiềm thức của họ.

Những năm trước, anh Cao Thắng ở bản Ón cũng có một thời gian theo bố là ông Cao Vền vào sống ở hang đá. Anh Thắng thuộc thế hệ người Rục sinh ra ở bản nhưng vào hang đá sống với bố để làm rẫy. Hiện nay, do khu vực mà anh Thắng làm rẫy thuộc vũng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã bị nghiêm cấm xâm hại rừng, nên không vào đó làm rẫy nữa.

Họ sống ở bản nhưng vì nhớ hang, nhớ rừng, nên mỗi năm họ vẫn dành thời gian vào rừng, vào hang đá để sống cho nguôi nỗi nhớ. Tuy vậy, hiện tại, những người này tuổi đều đã cao, sức khỏe đã yếu nên không thể vào hang đá nữa mà sống với con cháu ở bản.

Anh Thắng nói, người Rục thường kể cho nhau nghe nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại ly kỳ. Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia người Rục từng bị trận đại hồng thủy chưa từng có. Nguyên nhân của đại hồng thủy là do con người sống buông thả, không nghe lời khuyên ngăn, thích gì làm nấy, nên Trời phạt. Đất đai bị biển cả vùi tận đáy, chỉ còn lại núi đá. Thế là núi đá hè nhau đi lấp biển để có đất cho con người làm nhà và trồng tỉa. Truyền thuyết ấy chứng tỏ người Rục từ lâu vẫn mơ ước có đất đai để sinh sống và dựng nhà, dựng cửa. (Còn nữa).

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.