Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Phát triển vùng dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
Điện lưới kéo về bản, thắp sáng bản làng vùng biên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Điện lưới kéo về bản, thắp sáng bản làng vùng biên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
TPO - Thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển cũng đồng nghĩa với việc giúp đồng bào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để đặt đúng đức tin, nhận diện và đẩy lùi sự xâm nhập của tà đạo.

Ổn định dân cư, tạo nhiều mô hình sinh kế bền vững, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Chiến lược đó nặng đầy ý nghĩa, hướng tới nhiều mục tiêu. Không chỉ giảm dần từng bản làng, từng số phận đặc biệt khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền mà còn tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển cũng đồng nghĩa với việc giúp đồng bào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để đặt đúng đức tin, nhận diện và đẩy lùi, giải quyết “tận gốc” sự xâm nhập, hoạt động của tà đạo…

Hướng đi mới ở miền biên tái

Vợ chồng Lý Trùy Lòng dừng xe máy, rũ áo mưa, xách cuốc đi vào con đường nhỏ phía cuối bản Pờ Nhù Khò, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tại mảnh đất “một tiếng gà gáy, ba nước Việt-Trung-Lào cùng nghe” này, đôi vợ chồng người Hà Nhì mới trồng hơn 2 vạn cây quế trên đất dốc bỏ hoang.

Vun đất quanh những thân quế đã bén rễ, lá xanh, phát triển tốt, khả năng sống cao, người đàn ông 36 tuổi vui vẻ nói, thấy bảo cây quế hiệu quả, anh tìm hiểu thông tin, nghiên cứu trên mạng xã hội và lo được “đầu ra”, nhận thấy hợp lý nên quyết định trồng.

“Mình mua 1.800 đồng/cây. Hơn 2 vạn cây này nếu phát triển tốt, khoảng 4 năm nữa sẽ thu hoạch từ 240.000 đồng đến 300.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, lãi sẽ vào khoảng 300 triệu đồng,” Lỳ Trùy Lòng nhẩm tính rồi kể, người dân bản Pờ Nhù Khò mới được tập huấn cách trồng và chăm sóc cây mắc ca. Cán bộ nông nghiệp huyện nói trồng cây mắc ca theo công nghệ cao ở Mường Nhé rất có hiệu quả kinh tế và lợi ích.

“Dù còn băn khoăn vì đây là giống cây mới nhưng mình vẫn trồng. Nhà nghèo, muốn cuộc sống sung sướng hơn, con cái đi học tốt hơn thì mạnh dạn làm thôi. Nhà nước đã hỗ trợ 5 triệu đồng rồi còn cho giống cây để trồng,” Lỳ Trùy Lòng chất phác nói.

Nói về việc trồng cây mắcca ở miền biên tái này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết là xã biên giới, đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm 96%, tỷ lệ hộ nghèo của Sín Thầu vẫn hơn 20%. Sín Thầu được huyện Mường Nhé chọn thí điểm trồng 131ha trên tổng số hơn 1.000ha cây mắcca.

“Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu đang rà soát các hộ gia đình còn nhiều diện tích đất trống, đồi trọc để triển khai chương trình trồng cây mắcca. Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát diện tích ở 3 bản là Tá Miếu, Pờ Nhù Khò, Tả Kho Khừ thấy đủ điều kiện, diện tích để trồng cây mắcca công nghệ cao,” ông Pờ Chinh Phạ cho biết.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng đặt niềm tin vào cây mắc ca. Năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dự án trồng mắcca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé với tổng diện tích hơn 1,1 vạn ha, chia làm hai giai đoạn. Quá trình thực hiện dự án dù có một số khó khăn về thủ tục liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng khiến tiến độ có chậm so với kế hoạch đề ra nhưng những khó khăn này đang được tháo gỡ.

Bày tỏ lạc quan về giống cây mới đưa về trồng ở Mường Nhé, ông Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh qua đánh giá cho thấy, cây mắcca phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn huyện.

Sau khi trồng, cây khoảng 3 năm sẽ cho quả và càng về sau sẽ cho quả càng nhiều. Bởi vậy, giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại rất lâu dài, có triển vọng mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

“Ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, đây là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư, hạn chế phá rừng làm nương và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn. Chắc chắn cây mắcca sẽ trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Mường Nhé trong thời gian tới,” ông Nguyễn Quang Hưng khẳng định.

Giữ vững chủ quyền, an ninh

Chia sẻ về mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Nhé cũng như hướng phát triển kinh tế, xã hội ở mảnh đất cực Tây Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết đã có rất nhiều chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh đầu tư vào địa bàn trọng điểm, chiến lược này. Song thực tế, Mường Nhé nhiều năm qua vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước.

Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Phát triển vùng dân tộc thiểu số ảnh 1
Đường liên bản tại xã Sín Thầu đã được bêtông hóa kiên cố. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là việc dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển của huyện và đem lại nhiều hệ luỵ khác.

Sự việc bà con dân tộc thiểu số tụ tập chờ “đón Vua,” “xưng Vương - thành lập Nhà nước Mông” hồi 10 năm trước ở bản Huổi Khon, Mường Nhé chính là hệ lụy đó.

Thế nên để giải quyết bài toán phát triển kinh tế, xã hội cho Mường Nhé, việc đầu tiên phải là sắp xếp, ổn định dân cư. Vì vậy, gần như mọi nguồn lực vào Mường Nhé thời gian qua đều tập trung vào nhiệm vụ này. Với việc thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thành công lớn nhất tại miền biên viễn này là đã ổn định dân cư tập trung, không còn hộ du canh, du cư, cơ sở hạ tầng cũng đã được xây dựng, góp phần quan trọng vào bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Các điều kiện cần để cho Mường Nhé có thể phát triển đã cơ bản hoàn thiện. Bây giờ điều kiện đủ là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân để thực hiện các chính sách liên quan đến giảm nghèo cũng như phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là địa bàn cơ sở. Có thể nói, huyện Mường Nhé hiện nay đang bước vào giai đoạn đổi thay, phát triển,” ông Lê Thành Đô chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, cùng quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh đang nỗ lực giải bài toán mô hình sinh kế bền vững để nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé. Một trong nhiều giải pháp tỉnh đưa ra là khai thác tiềm năng, lợi thế từ đất đai của vùng, đẩy mạnh phát triển các mô hình sinh kinh tế dựa vào rừng.

Đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Dự án trồng cây mắcca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé chính là hướng đi mới đang nhận rất nhiều kỳ vọng.

“Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, quan trọng nhất là phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với quốc phòng, an ninh. Quốc phòng, an ninh phải tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển. Đấy cũng chính là cách lâu dài và ổn định để giữ vững chủ quyền, an ninh ở khu vực biên giới,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định.

Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức khóa tu mùa hè phù hợp, an toàn

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức khóa tu mùa hè phù hợp, an toàn

TPO - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các địa phương, cơ sở tự viện tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên Phật tử và học sinh dịp hè 2023, lưu ý chọn các cơ sở tự viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, lưu ý về số lượng khóa sinh tham gia phù hợp với điều kiện cơ sở tự viện.
Các đại biểu dự khai mạc lớp tập huấn. Ảnh Phan Định.

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ quân đội làm công tác dân vận

TPO - Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị tri thức, những kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân vận trong Quân đội khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023, từ đó, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới.