Cô bé Ba Na 9 tuổi 'tiếp lửa' đam mê nhạc cụ dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cô bé Y Thiên An, người Ba Na được mọi người yêu mến gọi là người “tiếp lửa”, nối dài những thanh âm giữa đại ngàn Kon Tum. Trường hợp của Y Thiên An cũng như rất nhiều tấm gương trẻ khác bằng tài năng, sự tự tin, sự tỏa sáng trong học tập, rèn luyện và trong các hoạt động xã hội, đã truyền cảm hứng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, về giá trị của trẻ em gái và về bình đẳng giới.

Cô bé Y Thiên An, người Ba Na được mọi người yêu mến gọi là người “tiếp lửa”, nối dài những thanh âm giữa đại ngàn Kon Tum. Dù mới 9 tuổi nhưng em biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, đàn T'rưng, đàn đá, đàn tre rất thành thục.

Năng khiếu bẩm sinh

Cứ mỗi chiều cuối tuần, ngôi nhà nhỏ ở thôn Plei Đôn, TP.Kon Tum của cô bé Y Thiên An (lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ) lại vang tiếng nói cười. Tiếng ống lồ ô vọng, không vang to, vang xa nhưng rất đặc biệt. Tại đó, một cô bé nhỏ nhắn đang tập đàn, xung quanh chăm chú dõi theo.

Cô bé Ba Na 9 tuổi 'tiếp lửa' đam mê nhạc cụ dân tộc ảnh 1

Y Thiên An (hàng đầu, thứ 2, phải qua) đang tập đàn cùng chúng bạn

Bên hiên nhà, chị Y Jưng (33 tuổi), mẹ của Y Thiên An đang dõi theo, cố gắng không phát ra tiếng động để con chỉ các bạn học đàn. Bắt chuyện, chị Y Jưng xúc động kể, ngay từ nhỏ chị đã mơ ước có một cây đàn T’rưng hay đàn đá, nhưng vì gia đình nghèo nên mãi ấp ủ. Sau khi lập gia đình và có 2 con, đến lúc Y Thiên An lên 5 tuổi, chị mới bàn với chồng dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm (7 triệu đồng) để mua đàn T’rưng tặng và truyền cảm hứng cho con gái.

“Thời điểm vợ chồng quyết dùng số tiền tiết kiệm mua đàn cho con gái, mình chỉ nghĩ để truyền lửa đam mê nhạc cụ truyền thống cho con. Một hôm, tình cờ mình nghe được Y Thiên An nghịch đàn phát ra những âm thanh trong trẻo, nhưng chưa biết gì về nhạc lý, chơi không đúng cách nên ống nứa dần bị nứt rồi bể. Từ đó, mình quyết định cho bé theo học loại nhạc cụ này”, chị Y Jưng tâm sự.

Thời gian đầu, chị Y Jưng gửi gắm Y Thiên An theo học lớp đàn T’rưng của cô giáo Y Rum ở thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang. Sau một thời gian, Y Thiên An chuyển qua học lớp đàn T’rưng của cô giáo Y Huyền ở Plei Tơ Nghia, phường Quyết Thắng. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, vài tháng sau đó, Y Thiên An có thể đánh được nhiều nhiều bài lễ (bài hát của nhà thờ) bằng đàn T'rưng, đàn đá…Từ đó, cô bé thường xuyên mở các clip hướng dẫn, những bài hát yêu thích và tự tập luyện tại nhà.

Cô giáo “nhí”

Không chỉ học giỏi, giúp đỡ các bạn trong lớp, Y Thiên An còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ nên rất được bạn bè, thầy cô trong trường quý mến. Vào các ngày thứ 2, 4, 6, trong khuôn viên nhà của Y Thiên An, hàng chục bạn nhỏ cùng làng đang quây quần, chăm chú nghe em hướng dẫn cách chơi nhạc cụ dân tộc. Lần đầu tiếp cận với loại nhạc cụ này, nhiều em vẫn còn lúng túng, ngại ngùng. Lâu dần đa số các em thích thú, đam mê và chờ đến ngày được học.

Y Thiên An chia sẻ, là người được thầy cô, nhà trường tin tưởng mà không giúp được các bạn cùng tiến như mình thì xấu hổ lắm. “Bằng những vốn học được cùng năng khiếu, em sẵn sàng chia sẻ cho ai thích thú và có đam mê về nhạc cụ dân tộc. Em cũng sẽ cố gắng học hỏi thêm để có thể gìn giữ và phát triển loại hình này của người Tây Nguyên. Song song, em sẽ học thật giỏi ở lớp để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bà ngoại và những người khó khăn”, em Y Thiên An thật thà.

Em Y Hân, bạn cùng làng, cũng là học trò của Y Thiên An cho hay, từ nhỏ rất thích khi các nghệ nhân chơi cồng chiêng, đàn T'rưng… tại các lễ hội trong làng nhưng chưa có cơ hội được học tập, tìm hiểu kĩ. Giờ đây, nhờ sự chỉ bảo tận tình và học không theo khuôn mẫu cứng nhắc của Y Thiên An, em đã tập tành biết chơi một chút đàn T'rưng. Hiện em cơ bản nắm được nhịp và thực hiện được đam mê lúc nhỏ.

Cô bé Ba Na 9 tuổi 'tiếp lửa' đam mê nhạc cụ dân tộc ảnh 2

Y Thiên An diễn tại khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum)

Chị Y Jưng kể, từ khi biết con gái có năng khiếu, gia đình tạo điều kiện cho con đi biểu diễn ở một số nơi vào những ngày nghỉ để con học hỏi, mạnh dạn và tự tin hơn. Trong những chuyến lưu diễn ấy, nhiều du khách đã quay lại clip và đăng tải lên một số trang mạng xã hội. Đầu năm 2023, vợ chồng chị Y Jưng quyết định mua bộ đàn đá và đặt thợ làm thêm một bộ đàn tre để khơi dậy niềm đam mê của con gái.

Cô Phạm Thị Xuyến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ khẳng định, Y Thiên An là một trong những tấm gương xuất sắc của trường về các hoạt động. Từ lớp 2, học sinh này đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, văn nghệ. Những tiết hoạt động ngoại khóa hay biểu diễn đàn T'rưng, đàn đá… ở trường của Y Thiên An đã khơi dậy niềm đam mê cho nhiều học sinh trong trường.

“Ở lớp, Y Thiên An là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn được thầy cô, bạn bè quý mến. Ở nhà, em lại được các bạn cùng xóm hâm mộ, yêu thích. Vậy nên, Y Thiên An trở thành cô giáo bất đắc dĩ dạy đàn T’rưng, tiếp lửa đam mê nhạc cụ dân tộc cho các bạn nhỏ đồng trang lứa", cô Xuyến tự hào nói.

Cô bé Ba Na 9 tuổi 'tiếp lửa' đam mê nhạc cụ dân tộc ảnh 3

Cô bé người Ba Na 9 tuổi tại chương trình “Siêu tài năng nhí mùa 4”

“Vào tháng 4/2023, Y Thiên An được chương trình “Siêu tài năng nhí mùa 4” mời tham gia cuộc thi. Bằng năng khiếu, Y Thiên An đã dành được một suất học bổng tiếng Anh khi vượt qua 3 bài hát 'Xinh tươi Việt Nam', 'Ước mơ của mẹ' và 'Nghe lời mẹ ru' do Ban tổ chức thử thách”, mẹ Y Thiên An cho biết.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.