Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau gần 16 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội từng bước cải thiện; các hành vi bạo lực, xâm hại nhân phẩm phụ nữ có xu hướng giảm; các tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Nằm ở vùng biên viễn Tây Bắc, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có trên 47 vạn người, trong đó dân số nữ chiếm trên 20 vạn người.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 1

Hội Phụ nữ xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) phối hợp với lực lượng công an, biên phòng trên địa bàn tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho phụ nữ trong xã.

Xác định công tác phụ nữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống. Trong đó, chú trọng hướng đến khu vực biên giới, nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho biết, cụ thể hóa Chỉ thị, Kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy Lai Châu, Hội đã tổ chức triển khai cho Hội Liên hiệp Phụ nữ 8 huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc và cơ sở Hội. Đồng thời, các cấp Hội cũng đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới.

Cùng đó, Hội còn quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề.

Từ 2018 đến nay, tỉnh Lai Châu hỗ trợ cho 8.593 lượt đối tượng khuyết tật nữ với kinh phí 48.475 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 23.027 lao động nữ, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 2

Chị em phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phong trào "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch".

Song song với việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức.

Tỷ lệ cán bộ nữ được nâng lên 57,86%/tổng số cán bộ toàn tỉnh; trong đó cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số chiếm 35,34%/ tổng số cán bộ nữ; 42 cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; 314 người là giám đốc các công ty, doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã.

Giúp phụ nữ làm chủ kinh tế

Từ các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Lai Châu xuất hiện nhiều gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế. Từ đó, giúp phụ nữ có chỗ đứng, tiếng nói trong gia đình và tự tin khi bước ra xã hội.

Xã biên giới Vàng Ma Chải là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu). Toàn xã có hai dân tộc sinh sống, chủ yếu người Dao và Hà Nhì chiếm gần 100%. Nhiều năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bình đẳng giới cho phụ nữ đã giúp các hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và vươn lên phát triển kinh tế.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 3

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ người Dao, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đi làm thêm để nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chị Phàng Thị Nhừ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vàng Ma Chải cho hay: Xã Vàng Ma Chải có 7 chi hội phụ nữ với hơn 400 hội viên. Do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn, thiếu thốn và nhận thức hạn chế nên nhiều chị em phụ nữ trong xã đã bỏ ruộng vườn để vượt biên trái đi làm thuê. Cùng đó, nhiều phong tục tập quán hủ tục của đồng bào vẫn còn tồn tại như: tảo hôn, sinh con thứ 3, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, không được tham gia các hoạt động cộng đồng…

Đứng trước khó khăn về bất bình đẳng, chị Nhừ trăn trở suy nghĩ làm sao để người phụ nữ thay đổi cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm chủ cuộc sống. Theo chị Nhừ, muốn vận động người khác làm theo chị phải là người tiên phong đi đầu. Ngoài công việc chuyên môn, tranh thủ thời gian rảnh chị chăn nuôi gà, chim bồ câu và trồng cây ăn quả, lúa để tăng thêm thu nhập.

Đồng thời, chị Nhừ cùng chị em trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến các hộ gia đình tuyên truyền cho phụ nữ tập trung phát triển kinh tế; thực hiện phong trào “5 không 3 sạch”, hạn chế sinh con thứ 3... Mặt khác, Hội còn phối hợp với Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và công an xã tuyên truyền, vận động chị em nâng cao cảnh giác với âm mưu thủ của những kẻ buôn bán người.

Mưa dầm thấm lâu, chị em phụ nữ trong xã Vàng Ma Chải đã từng bước nâng cao nhận thức, dần thực hiện tốt các chính sách pháp luật, thay đổi nếp sống cũ; xuất hiện nhiều gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm chủ kinh tế gia đình.

Đơn cử chị Tẩn Lở Mẩy, bản Nhóm 2, xã Vàng Ma Chải với mô hình nuôi thỏ kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng ngô, sắn; mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 70-90 triệu đồng.

Chị Mẩy tâm sự: “Trước đây, chị trồng lúa chỉ đủ ăn cho gia đình trong một năm, không có nguồn thu nhập thêm, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng chị đã mạnh dạn chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, kinh tế gia đình ổn định, con cái ăn học đầy đủ và chị cũng có tiếng nói trong gia đình”.

Còn chị Chẻo U Mẩy, bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải chia sẻ: Được sự hướng dẫn tận tình của Hội Phụ nữ xã, mình đã phát triển kinh tế gia đình bằng nghề buôn bán hàng hóa và chăn nuôi lợn. Mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn trước, mình cũng tự tin khi bước ra xã hội.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 4

Chị em phụ nữ đồng bào Dao, huyện Phong Thổ (Lai Châu) tích cực tìm kiếm việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình và bản thân.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phụ nữ của Lai Châu vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn chậm. Tỷ lệ nữ thiếu việc làm còn cao, nhiều phụ nữ còn thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe gia đình; việc khắc phục tình trạng tảo hôn, phụ nữ không biết chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị, các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bình đẳng giới bằng những hoạt động hiệu quả, thiết thực; tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về số lượng và chất lượng. Mặt khác, tâm tư, nguyện vọng của các hội viên phụ nữ vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số cũng sẽ được nắm bắt kịp thời để giải quyết.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.