Thổi hồn cho 'hồng vành khuyên' treo gió

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là người sinh ra và lớn lên ở phố núi biên giới Na Sầm (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), Vương Thị Thương, 34 tuổi đã học hỏi, ứng dụng công nghệ tăng giá trị hồng vành khuyên địa phương đem lại cuộc sống mới cho người nông dân.
Thổi hồn cho 'hồng vành khuyên' treo gió ảnh 1
Người nông dân xứ Lạng tự hào với đặc sản quê mình. Ảnh: Duy Chiến

Dẫn chúng tôi đến thăm những vườn hồng sai lúc lỉu vàng đỏ trên sườn đồi vùng biên ải, chị Thương tâm sự: Cây hồng vành khuyên là cây chủ lực, đặc sản nổi tiếng của địa phương, quả ăn ngon nhưng nhiều nước, khó bảo quản. Khi vào mùa thu hoạch quả chín rộ nếu không kịp tiêu thụ thì hỏng nhanh lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Có vụ chỉ bán vài nghìn đồng một kg, tỷ lệ hỏng đổ bỏ quá nhiều, người trồng thất bát nên nản chí, có người dự định phá bỏ vườn hồng…Thấy vậy, Thương bàn với gia đình, người thân cũng như dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng theo công nghệ Nhật Bản.

Ngày 14/10, Ban tổ chức cuộc thi “Phụ nữ phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 đã trao 33 dự án xuất sắc, trong đó dự án “Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành Khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng” của Vương Thị Thương đã đoạt giải Nhất.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Lạng Sơn về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, Thương đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Cô mua sắm thêm máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói... thiết kế theo quy trình khép kín. Rồi Hợp tác xã nông sản Toàn Thương được thành lập với sự tham gia trên 10 thành viên có kinh nghiệm trồng hồng ở địa phương và cùng chung khát vọng nâng giá trị quả hồng, phát triển vùng trồng 50 ha theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm…

Kết quả đã tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp và hơn 30 phụ nữ Tày Nùng tham gia sản xuất trực tiếp hồng treo gió. Chưa dừng lại, năm 2022, Vương Thị Thương xây dựng quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP theo tiêu chí an toàn thực phẩm từ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày. Trong quá trình này, đến ngày thứ 5 - 7, hồng được massage để tăng vị dẻo, tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát.

Thổi hồn cho 'hồng vành khuyên' treo gió ảnh 2
Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió. Ảnh: Duy Chiến

“Trái hồng treo gió thành phẩm bên ngoài dẻo, giòn nhưng bên trong có mật, vị thanh ngọt. Sản phẩm làm ra mất rất nhiều công nhưng lại không bảo quản được lâu. May mắn là Viện Cơ điện nông nghiệp đã quan tâm, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ bảo quản hồng theo hướng tự nhiên nên công việc khá thuận lợi”, Thương chia sẻ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Văn Lãng, hiện nay người dân địa phương trồng khoảng 1.300 ha thu hoạch hơn 11.200 tấn hồng mỗi năm. Sản phẩm hồng treo gió được bán với giá 300.000 đồng/kg, trong khi giá hồng tươi chỉ có 15.000 đồng/kg.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.