Đam Pao không chỉ là ký ức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không đơn thuần là một nghề truyền thống cần lưu giữ, dệt thổ cẩm cùng với kiến trúc nhà cổ, phong tục cưới hỏi khác biệt và phong cảnh sơn thủy hữu tình của thôn Đam Pao đang được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Kỳ 1: Cấm kỵ lạ lùng khi dệt thổ cẩm

Đam Pao không chỉ là ký ức ảnh 1

Phụ nữ Đam Pao dệt thổ cẩm

Tận thấy toàn bộ quy trình dệt

Đi từ đầu đến cuối thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), chúng tôi nghe nhiều tiếng ồ, à đầy ngạc nhiên của du khách. Chị Sophia (đến từ nước Ý) kể rằng vì mê thời trang thổ cẩm nên đã đi tham quan nhiều làng nghề ở các nước. Thế nhưng, không ở đâu được tận mắt chứng kiến quy trình hoàn chỉnh “thai nghén” tấm thổ cẩm như nơi này, từ khâu thu hái quả gòn, cuốn bông, kéo sợi đến se chỉ, nhuộm sợi rồi dệt vải. “Với chất liệu hoàn toàn tự nhiên và khâu nào cũng có những quy định nghiêm ngặt đã tạo nên sự độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc trong nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho”, chị Chế Phương Nam- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà chia sẻ.

Đứng dưới bóng cây bông gòn sai quả, mỗi quả dài khoảng 15cm, chị Sophia thổ lộ: “Lâu nay chỉ biết trên sách vở rằng quả bông gòn thuộc dạng quả nang, còn gọi là quả khô nẻ. Vỏ quả mỏng, ruột quả lớn chứa toàn sợi, khi khô tự bung ra. Nay mới được tận mắt chứng kiến ruột quả bông gòn dần nhô ra từ những khe nứt rồi bung thành cục bông trắng tinh, thật thú vị”. Còn cụ Ka Nier (ngoài 90 tuổi) cho hay, vào cuối xuân, đầu hè thì quả già. Dân làng thu hoạch quả, tách vỏ, lấy bông bện lại thành những đoạn nhỏ bằng ngón tay cái rồi kéo sợi bằng dụng cụ thô sơ được làm bằng cây mây.

“Khó nhất là việc điều chế nước nhuộm sợi chỉ, hiện rất ít người biết làm công đoạn này”, cụ quả quyết rồi đưa chúng tôi vào nơi phơi sợi, xử lý nguyên liệu làm nước nhuộm. Chỉ tay vào đống vỏ chuối, củ chuối, cuống của buồng chuối còn tươi, cụ nói: Sau khi phơi, những thứ này sẽ được đốt để lấy tro, rồi gạn lọc để lấy phần nước tinh khiết nhất. Dân làng còn hái lá T’răm, ngâm nước khoảng 3 ngày rồi cho thêm muối, ớt, hạt bầu, vỏ ốc nướng vào, quấy đều, ngâm một thời gian. Sau đó gạn bỏ nước của hỗn hợp này, chỉ lấy phần cặn đã lắng xuống dưới. Lớp cặn này được phơi khô rồi ngâm với loại nước tinh khiết đã điều chế trước đó, sẽ cho ra nước nhuộm xanh, màu chủ đạo trong thổ cẩm của người K’Ho.

“Trước đây bà con dân tộc thiểu số K’Ho thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên để dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, việc kéo sợi khá kỳ công, khâu điều chế nước nhuộm chỉ hiện rất khó làm. Do đó số người biết rành rẽ các công đoạn của nghề dệt rất ít ỏi”.

Bà Chế Phương Nam

“Màu cam được làm từ hạt quả cà ri, màu vàng từ nghệ, màu của củ nghệ và lá xoài trộn với nhau sẽ cho ra loại nước nhuộm màu xanh lá cây. Sự phối trộn khéo léo giữa các màu sẽ khiến tấm vải thổ cẩm đẹp, sống động hơn”, cụ nhấn mạnh. “Bà K’Nier là người giàu kinh nghiệm nhất thôn Đam Pao và là nghệ nhân hiếm hoi thông tỏ các công đoạn để tạo ra một tấm vải thổ cẩm độc đáo”, chị Nam quả quyết, còn chị Sophia thì thích thú ngắm bà cụ Ka Nier lưng còng, mái tóc bạc phơ, đôi bàn tay nhăn nheo với nụ cười hồn hậu trên môi, vừa chậm rãi kéo sợi từ quả bông vừa kể những mẫu chuyện lạ trong nghề dệt thổ cẩm. Nào là, trong thời gian điều chế nước nhuộm thì không được ăn thịt bò, thịt trâu và không được cho người khác vào khu vực làm nước. Và theo lời dặn của ông bà, trong quãng thời gian từ 3-5 ngày điều chế nước nhuộm, người thực thi công đoạn này cũng không được tắm để nước khỏi bị “lạc” màu…

Đam Pao không chỉ là ký ức ảnh 2
Quả bông gòn

Phân biệt thổ cẩm “xịn”

Trước hiên của gian nhà kiến trúc cổ, bà K’Thin (71 tuổi, con gái cả của bà K’Nier) gò người bên khung dệt thổ cẩm. Bà ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt; hai tay thoăn thoắt luồn chỉ dệt vải. Khung dệt có cấu tạo đơn giản, gồm những thanh tre nứa được bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ tạo nên một dụng cụ rất đặc trưng. “Nhuộm chỉ là việc khó khăn, không mấy người làm được. Kéo những sợi chỉ rất nhỏ rồi dệt thành tấm vải thổ cẩm đủ để may váy áo mất rất nhiều thời gian khiến tay, chân và cả lưng, cổ mỏi nhừ. Vì thế, giá thổ cẩm khá cao; chỉ 2 miếng vải đủ để may một bộ váy áo cũng có giá từ 1,8-2 triệu đồng”, bà K’Thin chia sẻ.

Đam Pao không chỉ là ký ức ảnh 3
Bật bông, kéo sợi bằng dụng cụ thủ công

Chìa cho chúng tôi xem tấm thổ cẩm được dệt từ sợi thiên nhiên, bà nói: Loại vải này thường cứng, chắc, đường chỉ trông sắc sảo, tuy nhiên do giá cao nên khó bán. Phần lớn vải thổ cẩm “xịn” làm đúng quy trình của người K’Ho chỉ được dệt khi có người đặt hàng, dùng để mặc vào dịp lễ hội hoặc làm lễ vật, quà tặng trong đám cưới. Còn du khách thích mua thổ cẩm dệt bằng sợi len công nghiệp với giá thấp hơn khoảng 3 - 4 lần. Không chỉ giá rẻ hơn, loại vải này mềm, dễ may đồ hơn thổ cẩm “xịn”.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Đam Pao có gần 190 hộ thuộc tộc người K’Ho, trong đó, hơn 2/3 số hộ có người làm nghề dệt thổ cẩm. Làng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng K’Ho.

Bà K’Nier cho hay, để làm được một tấm vải thổ cẩm truyền thống phải theo quy trình nghiêm ngặt, khắt khe, mất nhiều công sức nhưng lại kén người mua. Đây cũng là lý do khiến các sơn nữ không mặn mà với nghề dệt thổ cẩm. “Ngày trước, nếu muốn bắt chồng, các cô gái phải dệt những tấm thổ cẩm truyền thống để làm quà cưới cho họ hàng nhà trai. Còn bây giờ, nhiều cô gái không chịu dệt vì ngại khó khăn, vất vả. Trả lời câu hỏi không dệt thì lấy đâu ra ùi (váy), khố, áo để bắt chồng? Các cháu nói sẽ mua ùi mà người khác dệt”, bà K’Nier trầm tư thổ lộ.

Lo sợ các ngón nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho bị thất truyền, các bà, các mẹ kiên nhẫn truyền nghề dệt thổ cẩm cho con cháu. “Việc trồng bông, kéo chỉ, dệt... thì các cháu làm được, nhưng phần khó nhất là nhuộm màu cho sợi chỉ thì chưa. Bây giờ, chỉ có những dịp lễ quan trọng của dòng họ hoặc khi đi lễ ở nhà thờ, đám con cháu trong làng mới mặc đồ thổ cẩm truyền thống. Còn những ngày Tết hay đám cưới, các cháu mặc đồ giống như người Kinh”, bà K’Yồng (55 tuổi) cho hay.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.