Chuyện vụn đại ngàn - Kỳ cuối: Căn duyên với rừng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong mối quan hệ cộng sinh, cách những người quản lí, bảo vệ rừng yêu rừng thế nào chắc chắn họ sẽ được rừng yêu thương chở che hiến tặng. Sự đền đáp đó của thiên nhiên gợi mở những ý tưởng, những cách làm để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…

Lênh đênh sông nước, cheo leo núi rừng

Cả đoàn ra khỏi rừng lúc 20h, khi trời đã tối đen như mực. Bước lên thuyền để trở về trạm bảo vệ rừng Thôm Côm, tôi lăn kềnh ra giữa lòng thuyền nằm thở. Con thuyền trượt vào màn đêm thăm thẳm, hướng về ánh đèn trắng chập chờn của trạm đang lấp ló đằng xa.

Tắm rửa xong, cả đoàn quây quần bên mâm cơm tối giữa bốn bề sông nước. Hai bát cá lăng luộc, một bát đuông dừa xào ngâm nước mắm, một đĩa rau rừng, một bát canh đắng, một nồi cơm trắng và một bát rượu ngô cho khoảng chục người. Trạm bảo vệ rừng Thôm Côm là một ngôi nhà bè bằng gỗ neo giữa hồ, có bốn gian: hai gian là phòng ngủ, một gian là phòng ăn, một gian là nhà bếp. Được xây dựng từ năm 2007, giờ đây, ngôi nhà bè đã xuống cấp, nhiều chỗ gỗ bị gãy hoặc mục nát. Không hề có sóng điện thoại trong bán kính 1 cây số tính từ trạm. Mỗi tuần, khoảng 10 con người công tác ở trạm chỉ được nghỉ phép một ngày. Vậy là một tháng chỉ có 4 ngày được về với gia đình, còn lại là 26 ngày lênh đênh với sông nước, cheo leo với núi rừng.

Anh Quan Văn Hùng, thành viên thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình kể, hồ thuỷ điện Tuyên Quang không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Từ cuối mùa thu tới đầu mùa xuân năm sau là lúc có nhiều gió lớn, tạo ra những cơn sóng dữ, có thể nâng thuyền lên cao vài mét rồi bất chợt thả xuống. Đã có nhiều con thuyền phải nằm lại dưới đáy hồ vì những cơn sóng ấy. Bởi vậy nên “đi hồ” luôn là thử thách lớn nhất với bất cứ thành viên nào ở Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lâm Bình. Ai cũng phải trải qua 2 năm thử thách ở hồ trước khi ở lại làm việc lâu dài.

Chuyện vụn đại ngàn - Kỳ cuối: Căn duyên với rừng ảnh 1

Gốc nghiến cổ thụ 4-5 người ôm.

Chuyện vụn đại ngàn - Kỳ cuối: Căn duyên với rừng ảnh 2

Bút tích đánh dấu vào thân nghiến sau mỗi đợt kiểm tra, bảo vệ.

Anh Dương Văn Dinh - một thành viên khác của trạm chia sẻ, làm nghề này không phải lúc nào cũng được người dân ủng hộ. Họ có rất nhiều cách để ngăn cản những người quản lý rừng làm việc, chẳng hạn như đẩy các tảng đá lớn ra đường để chặn đường đi của xe ô tô. Nếu những người quản lý đi xe máy thì họ lẻn vào bãi để xe, cắt đôi cả lốp và săm xe. “Lý do sâu xa là bởi người dân nhận thức chưa tốt. Họ chỉ ham cái lợi trước mắt mà không để ý tới những giá trị lâu dài mà rừng mang lại. Vậy nên mình cũng không trách họ. Muốn thay đổi nhận thức, cần nhiều thời gian…”, anh Dinh nói.

Sống tách biệt trên ốc đảo giữa lòng hồ, việc giữ gìn hạnh phúc gia đình với những người quản lý rừng khó gấp bội phần. Chẳng hạn như chuyện của anh Triệu Văn N, thành viên của BQL rừng phòng hộ Lâm Bình. Một ngày, khi trở về nhà, người vợ từng má kề tay ấp 11 năm bắt ký giấy ly hôn vì… “hết duyên”. Nhưng đến hôm ra toà, khi thấy vợ xuất hiện cùng người đàn ông khác lái xe ô tô, anh mới biết nguyên nhân không chỉ là hết duyên. Với đồng lương ít ỏi, anh cũng mất luôn quyền nuôi dưỡng hai đứa con nhỏ. Gia đình tan vỡ, anh lại trở về với sông nước, núi rừng. Ban ngày cùng anh em đi tuần rừng và tăng gia sản xuất, tối về lại cùng anh em quây quần bên mâm cơm. Từ đó đến nay đã được 3 năm…

“Mình yêu rừng, hiểu rừng, thì rừng sẽ yêu mình…”

Có tí men rừng, cuộc trò chuyện của chúng tôi cởi mở hơn. Tôi thắc mắc, vì sao với mức lương chỉ 5-7 triệu đồng, ở tách biệt với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề nhưng các anh vẫn bám trụ? Có những người đã bền bỉ với nghề hơn 20 năm trời và chưa có dấu hiệu dừng chân, chẳng hạn như anh Kiên, trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Thôm Côm?

Anh Quan Văn Hùng chia sẻ: “Mình sinh ra và lớn lên ở Lâm Bình. Từ nhỏ mình đã theo bố mẹ ra hồ đánh bắt cá, tôm, rồi được bố mẹ dắt lên rừng, chỉ cho cách nhận biết cây nghiến, cây quế… Ông bà ngoại, bố mẹ, bác ruột và cậu ruột cũng đều làm trong ngành lâm nghiệp. Thế nên cứ tự nhiên mà yêu rừng vậy thôi. Cảm thấy mình là một phần của vùng đất này, không thể bỏ đi nơi khác được. Bạn bè có nhiều người ăn nên làm ra, kiếm được nhiều tiền lắm, nhưng mỗi khi gặp nhau, mình không thấy tự ti tí nào, ngược lại mình luôn tự hào về công việc của mình”.

Chuyện vụn đại ngàn - Kỳ cuối: Căn duyên với rừng ảnh 3

Bữa cơm đạm bạc giữa rừng.

Đó là tình cảm cá nhân. Lớn hơn thế, họ muốn bảo vệ rừng vì rừng đang bảo vệ những người thân yêu của họ. “Ở một số nơi, người ta chặt phá rừng phòng hộ quá nhiều, khiến lũ lụt và sạt lở đất xảy ra thường xuyên, thiệt hại về người và của khó đo đếm. Rừng phòng hộ là chốt chặn cuối cùng để bảo vệ người dân khỏi lũ lụt và sạt lở. Bọn anh thường hay bảo với nhau rằng, nếu mình yêu rừng, hiểu rừng, thì rừng sẽ yêu mình…”, anh Hùng nói.

Và những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ấy còn mang lại nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí rừng phòng hộ giai đoạn 2021-2030 của BQL rừng phòng hộ Lâm Bình. Dự án tập trung vào phát triển các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch khám phá - mạo hiểm tại 11 điểm như thác Khuổi Súng, hang Khuổi Pín, động Song Long…, dự kiến sẽ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3.500 lao động. Đây là một cơ hội không thể tốt hơn để người dân huyện Lâm Bình cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.

Thật ra, có một số người thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình đã từng bỏ đi làm việc khác. “Chẳng hạn như anh Dinh, vào làm năm 2014, được 4 năm thì xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá. Thế rồi đến năm 2021, “hắn” lại thi tuyển vào đây. Hắn bảo em không bỏ rừng được! Hay anh Sang cũng thế, từng bỏ ngang để đi làm công việc khác rồi cuối cùng lại trở về đây. Đấy, tình yêu với rừng nó khó giải thích lắm. Đi làm việc khác lương cao hơn, nhẹ nhàng hơn thì không thích, lại thích về đây chịu khổ với anh em…!”, anh Hùng cười.

Tại khu vực đang được BQL rừng phòng hộ Lâm Bình quản lý có nhiều cánh rừng nguyên sinh cổ thụ ít bị tác động, có hệ động, thực vật rất phong phú, đa dạng, có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Chẳng hạn như thực vật có các loài cây Đinh, Nghiến, Trai, Kháo xanh, Sến mật…; động vật có loài nổi bật là Voọc đen má trắng…

Anh nói thêm, mọi người chọn ở lại bám hồ, bám rừng cũng một phần vì được lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Lâm Bình quan tâm. Năm vừa qua, mỗi trạm bảo vệ rừng vừa được BQL hỗ trợ làm ao nuôi cá, hỗ trợ các con giống như gà, vịt, ngan… để anh em tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. “Cảm giác cùng anh em băng núi, vượt rừng, rồi cùng nhau đứng giữa thiên nhiên xúc động lắm. Thấy rừng đẹp, cảm thấy yêu rừng hơn, rồi yêu đất nước mình hơn… Chú thông cảm, bọn anh là dân lâm nghiệp nên không biết nói văn chương đâu, nghĩ gì nói vậy thôi!”, anh Hùng cười.

Tôi chợt nghĩ, cách họ yêu rừng dường như cũng giống cách rừng yêu chúng ta - lặng lẽ dang vòng tay che chở, bảo vệ và mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất mà không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân. Chỉ mong rằng, những con người ấy sẽ tiếp tục bền bỉ với nghề, và sẽ có thêm những người trẻ tiếp bước chân họ đến với những cánh rừng-Mẹ thiên nhiên vĩ đại và bao dung.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.