‘Hội chứng overthinking’ có thực sự đáng sợ với bạn trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - “Trên thực tế chúng ta cũng có những thắc mắc rằng mình có đang suy nghĩ quá mức hay không? Và “hội chứng overthinking” đem lại những khó khăn gì? Đây không phải câu hỏi riêng cho các bạn học sinh THPT mà còn là câu hỏi chung cho nhiều người trẻ”, ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên nói.

Đây là vấn đề mà ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã đặt ra tại chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến trường học”, với chủ đề "Overthinking của GenZ: Làm sao để vượt qua?", do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 6/5, tại trường THPT Tân Bình (Tân Phú).

Câu chuyện chọn nghề, chọn ngành, chọn trường

Chia sẻ thêm với các em học sinh và đặc biệt là các em khối 12, ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên cho rằng: “Trên thực tế, chúng ta đến thời điểm này đều đủ tuổi trưởng thành thì các bạn nên bắt tay vào việc đưa ra các quyết định liên quan đến cuộc đời mình. Bạn thích một trường nhưng mà không biết có nên vào trường đó hay không, bạn thích một hướng đi nhưng cuối cùng các bạn lại không biết rằng hướng đi đó sẽ đem lại cho các bạn hứng thú trong công việc và sự toả sáng cho tương lai hay không?”.

‘Hội chứng overthinking’ có thực sự đáng sợ với bạn trẻ? ảnh 1

ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên chia sẻ cùng các bạn học sinh tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

Hiện nay, không chỉ có áp lực thi cử, áp lực đồng trang lứa, mà ở giai đoạn nước rút, những câu chuyện về sự mong mỏi, kỳ vọng của ba mẹ cũng có thể đẩy cao áp lực lên các bạn.

ThS Trần Mạnh Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã cảnh báo về việc "học ngược", đó là chọn trường trước, sau đó mới chọn ngành, học xong mới tìm việc làm. Để khắc phục điều này, đầu tiên chúng ta nên chọn ngành trước, theo sở thích của mình, sau đó, lựa chọn môi trường học tập phù hợp với điều kiện của bản thân, điều này sẽ giúp chúng ta lựa chọn được ngành nghề yêu thích với bản thân.

‘Hội chứng overthinking’ có thực sự đáng sợ với bạn trẻ? ảnh 2

ThS Trần Mạnh Thái chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

Những dấu hiệu của việc bị mắc ‘hội chứng overthinking

Theo chuyên gia Tâm lý Phan Thị Mai Quyên, dấu hiệu dễ nhận biết của cơ thể khi rơi vào hội chứng overthinking đó là bị đảo lộn về mặt sinh học. Việc đầu tiên để nhận biết một người có sức khỏe tâm thần như thế nào, chúng ta hãy để ý tới ánh mắt, một người có ánh mắt mệt mỏi, chứng tỏ họ là người đang gặp các vấn đề về tinh thần. Thứ hai, đó là rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về giấc ngủ không phải ngủ không đủ giấc mà là chất lượng của giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn và hay mơ thấy ác mộng. Thứ ba là rối loạn ăn uống, điều này không thể hiện ở việc ăn nhiều hay ăn ít mà các bạn có thể cảm nhận vị giác không ngon như trước, biếng ăn hơn hoặc ăn nhiều hơn mức cần thiết. “Các bạn có thể thấy năng lượng sống liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần”, chuyên gia Tâm lý Phan Thị Mai Quyên lưu ý.

Phương pháp cải thiện

Một trong các phương pháp mà chuyên gia Tâm lý Phan Thị Mai Quyên chia sẻ tại chương trình, đó là phương pháp Pomodoro, đó là học 25 phút và nghỉ 5 phút, các bạn có thể thấy hiệu quả và sự tập trung cho việc học cao hơn. Năm phút đó, các bạn nên nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể, không nên sử dụng điện thoại hay mạng xã hội, điều này có thể dẫn tới sự trì hoãn của bản thân.

Bên cạnh đó, hãy thiết lập mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống, một người không có mục tiêu rất khó để thành công, bởi mục tiêu chính là con đường đi của chúng ta. Nếu mục tiêu không rõ ràng thì con đường đó đầy chông gai, nếu mục tiêu của chúng ta rõ ràng thì đường đi đó dễ dàng hơn rất nhiều.

‘Hội chứng overthinking’ có thực sự đáng sợ với bạn trẻ? ảnh 3

Diễn viên Hiếu Nguyễn làm MC tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

Ngoài ra, chuyên gia Tâm lý Phan Thị Mai Quyên cũng nhấn mạnh đến việc quản lý tốt thời gian. Ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày, việc sử dụng nó như thế nào là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nếu bạn dùng thời gian quá nhiều cho những hoạt động không đáp ứng được thay đổi của các bạn thì nên xem xét để chúng ta có một quỹ thời gian tốt hơn cho việc học tập.

‘Hội chứng overthinking’ có thực sự đáng sợ với bạn trẻ? ảnh 4

Ban Tổ chức trao hoa cảm ơn các diễn giả tham dự chương trình.

Và cuối cùng, nếu các bạn trẻ có suy nghĩ quá nhiều về những vấn đề như áp lực đồng trang lứa, áp lực thi cử, học tập mà bản thân không tìm ra được giải pháp thì hãy tìm đến sự hỗ trợ từ phía gia đình, thầy cô hoặc bạn bè.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

SVVN - ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã có buổi chia sẻ với các bạn học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q. 5, TP. HCM) về chủ đề “Over thinking của GenZ: Làm sao để vượt qua?”. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 15/5.