Giáo viên háo hức chào đón năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Vào thời điểm cận kề năm học mới, tu sửa, chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch cho năm học mới cũng đã được hoàn tất. Hồi hộp, háo hức và mong chờ đó là cảm xúc của các thầy cô giáo khi cận kề ngày lễ khai trường.

Sẵn sàng trở lại trường học

Tại trường mầm non Nà Bủng nằm ở vùng biên giới huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) với phần lớn học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều em lớn lên trong gia đình nghèo khó, có em bố mẹ đi làm xa quanh năm nên ít được quan tâm đến việc học hành. Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất của trường, lớp, đảm bảo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện và an toàn, nhà trường đã đến từng bản, thông tin rộng rãi tới phụ huynh để cập nhật kịp thời thông tin của trường, lớp.

Cô Quàng Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non Nà Bủng háo hức chia sẻ: “Đến thời điểm này, khuôn viên trường lớp, đồ dùng đồ chơi đã được vệ sinh sạch sẽ, bàn ghế được sắp xếp ngăn nắp trong từng lớp học, các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho lễ khai giảng cũng được các cô chuẩn bị chu đáo”.

Sau thời gian nghỉ hè, quay lại trường để giảng dạy, cô Hương thấy vui mừng đan xen hồi hộp. Vì chỉ ít ngày nữa, học trò sẽ trở lại trường. Cô trò có thể hỏi thăm nhau những chuyện diễn ra trong suốt mùa Hè cũng như tiếp tục chuẩn bị những đồ dùng cá nhân, đồ trang trí lớp học để tiếp tục hành trình mang những con chữ về cho các bạn nhỏ ở trên miền biên giới.

Giáo viên háo hức chào đón năm học mới ảnh 1

Cô Quàng Thị Hương đi chiêu sinh tại các bản trước thềm năm học mới.

“Khi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất hoàn thành, chúng tôi sẽ đến từng nhà, từng bản gọi các em đến trường. Với những em không có điều kiện để đến trường chúng tôi sẽ dùng nhiều biện pháp để chiêu sinh” - cô Hương tâm sự và thông tin thêm, một số học sinh nhà cách trường hơn chục cây số, đi lại khó khăn, thậm chí phải qua sông, suối. Thời tiết mưa nhiều, đường đi lại khó khăn do đó giáo viên phải thận trọng, bảo đảm tối đa điều kiện an toàn trong việc di chuyển gọi các em quay lại trường.

Cũng giống như cô Hương, cô đồng nghiệp cùng trường, cô Vàng Thị Thuyến cũng hân hoan, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường: “Hi vọng bước vào năm học mới, cô trò sẽ có nhiều thắng lợi mới. Trường mầm non Nà Bủng sẽ luôn là ngôi trường hạnh phúc, an toàn giúp phụ huynh an tâm và gửi gắm niềm tin cho các giáo viên”.

Cô Thuyên cũng bày tỏ mong muốn ngành Giáo dục, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chính sách xã hội đối với học sinh, giáo viên ở vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo cô Thuyên, việc nhận hỗ trợ các cấp, các ban, ngành sẽ trở thành mấu chốt, động lực để giáo viên, học sinh tự tin trong dạy và học.

Chuẩn bị trước thềm năm học mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra cho các giáo viên thách thức về thay đổi phương pháp giảng dạy, tự làm mới mình, thoát khỏi những cách dạy truyền thống, truyền đạt kiến thức một chiều để áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Dù đã theo đuổi nghề nhà giáo được 20 năm, nhưng cô Nguyễn Thị Thanh - Chủ nhiệm lớp 4A, trường Tiểu học Thanh Khai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn bày tỏ sự lo lắng: “Nếu như trước đây chủ yếu thiên về kiến thức thì trong chương trình phổ thông mới, giáo viên cần biết cách biến những kiến thức thành năng lực sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày cho học sinh. Năng lực ấy bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, thái độ để tạo thành năng lực, phẩm chất”.

Giáo viên háo hức chào đón năm học mới ảnh 2

Thời tiết mưa nhiều, đường đi lại khó khăn khiến giáo viên gặp nhiều trở ngại.

Dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 4, cô Thanh đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu công nghệ thông tin, thiết kế các bài giảng điện tử, soạn giáo án theo chương trình mới trên máy tính để theo kịp chương trình đổi mới giúp học sinh lớp 4 tiếp nhận khối lượng kiến thức quan trọng. Bên cạnh đó cô Thanh cũng phải xây dựng cho bản thân nhiều bài giảng, sáng kiến hay, phù hợp với năng lực của học sinh nhà trường phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

“Học sinh càng sớm nắm bắt kiến thức, chương trình mới bao nhiêu thì học tập càng hiệu quả bấy nhiêu. Tiếp thu chắc bài giảng cũng tránh cho các em tâm lý ngại, sợ học vì lên cao kiến thức khó. Do đó, việc chuẩn bị chuyên môn kĩ càng sẽ giúp cho giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ…” – cô Thanh nói thêm.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).