Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang

TPO - Tại thôn Lao Xa (Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang) trên sườn núi đá cao, ngôi nhà của cụ Mua Sè Sính đã trải qua 6 thế hệ chạm bạc cổ, tạo ra những món trang sức không thể thiếu trong nét văn hóa của người Mông.

Thôn Lao Xa cách trung tâm xã Sủng Là khoảng 5km là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông hiện có 103 hộ sinh sống nhưng giờ chỉ còn vài hộ giữ nghề. Nơi đây có gia đình cụ Mua Sè Sính (70 tuổi) còn giữ được nghề này, cha truyền con nối đến nay đã 6 đời. Nhà cụ Sính hiện đang có 9 nghệ nhân làm nghề này đều là con cháu của cụ. Bên lò bạc hơn 100 tuổi, từ cụ ông hơn 70 dáng người bé nhỏ đến những cậu thanh niên đôi mươi đều chăm chú, mắt đầy tập trung, tay tỉ mẩn hăng say uốn nắn nên “đứa con” của mình.

Cụ Mua Sè Sính chia sẻ, cụ được ông bà, bố mẹ truyền dạy nghề chạm bạc từ khi còn rất nhỏ. Để làm nên một món đồ trang sức bạc, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo. Khâu chọn chất liệu rất quan trọng vì bạc có tinh khiết, không lẫn tạp chất thì sản phẩm làm ra mới đẹp, nhẵn. Trước đây dùng các đồng bạc hoa xòe để làm nhưng nay loại bạc này rất hiếm nên thường phải dùng nguyên liệu bạc thông thường.

Công đoạn đầu tiên, các mảnh bạc được nấu chảy rồi đổ khuôn tạo hình. Sau đó, thanh bạc được đập bằng búa tạo dáng thô, gò nét, rồi mang đi chạm khắc. Bạc được chạm hoàn toàn bằng tay tỉ mỉ, tinh tế. Các họa tiết trên những sản phẩm bạc của Lao Xa chủ yếu thể hiện đời sống của con người như ong, bướm, bông hoa, những chiếc chuông nhỏ xinh xắn… Cuối cùng, thành phẩm sẽ được đánh bóng để trả cho khách.

Thời gian để làm ra một món đồ sẽ tùy thuộc vào kích thước, độ khó và mức độ tinh xảo của hoa văn. Và vì thế, giá cả của những món đồ này cũng khác nhau. Những món trang sức bé như nhẫn, vòng tay thường làm mất một buổi sáng. Những trang sức công phu hơn như vòng cổ có thể lấy đi vài ngày hoặc cả tháng để hoàn thành.

Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 1
Nhà cụ Mua Sè Sính, trạm đúc bạc cổ tồn tại hàng trăm năm tại thôn Lao Xa (Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang).
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 2
Tại góc hiên nhà cụ Sính là la liệt dụng cụ: bễ thổi, khuôn đúc, các loại dụng cụ cán, các loại búa, kìm và bộ đục chạm hoa văn. Mỗi người được phân công đảm trách một khâu để làm sản phẩm nhanh nhất có thể.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 3
Ngày nay, ngoài những dụng cụ thủ công thô, các nghệ nhân đã được hỗ trợ bởi máy móc như máy cán, dập… giúp tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tạo sản phẩm đẹp và chất lượng hơn.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 4
Thời gian để làm ra một món đồ sẽ tùy thuộc vào kích thước, độ khó và mức độ tinh xảo của hoa văn.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 5
Những thanh bạc được ép khuôn trước khi đi nung.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 6
Công đoạn khò nung chảy bạc để tạo khung hình.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 7
Con cháu cụ Mua Sè Sính đều là những nghệ nhân trong nghề đúc bạc.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 8
Người thợ chạm bạc là người phải kiên trì, cần cù, phấn đấu rất nhiều năm để đạt đến kỹ thuật tinh hoa của nghề bạc.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 9
Vật liệu làm bạc phải tinh khiết, không lẫn tạp chất.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 10
Nghệ nhân tiến hành chế tác hình dạng trên đe.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 11
Những mảnh bạc vụn trải qua rất nhiều khâu để trở thành những món đồ trang sức đẹp.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 12
Những thanh bạc được chạm khắc tỷ mỷ trước khi uốn tròn.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 13
Sản phẩm bạc nhà cụ Sính rất phong phú, từ dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai đến xà tích, vòng cổ, kiềng chân…
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 14
Một chiếc lắc tay tinh xảo bằng bạc cổ. Để làm được vòng này mất nửa ngày đến một ngày.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 15
Vòng bạc cổ này chế tác mất 5-7 ngày.
Ghé thăm trạm đúc bạc cổ hàng trăm năm trên cao nguyên đá Hà Giang ảnh 16
Vòng bạc vốn là đồ trang sức truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào Mông. Người con gái Mông khi về nhà chồng được bố mẹ trao những chiếc vòng bạc làm của hồi môn. Những món trang sức bạc không chỉ trang trí, làm đẹp, mà còn gắn với sự kiện trọng đại trong cuộc đời của người phụ nữ nơi này
Tin liên quan