Tại sao vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank lại gây lo lắng trên toàn thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Sự việc Silicon Valley Bank (SVB - Ngân hàng Thung lũng Silicon) ở Mỹ "sụp đổ" được đăng trên trang nhất các tờ báo khắp toàn cầu. SVB là gì, tại sao nó sụp đổ và lại khiến nhiều người lo lắng đến vậy?

SVB là gì?

SVB được thành lập năm 1983, tự nhận mình là ngân hàng dành cho các công ty công nghệ khởi nghiệp, đặc biệt là những công ty có vốn đầu tư mạo hiểm.

Tại sao vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank lại gây lo lắng trên toàn thế giới? ảnh 1

Vụ việc SVB sụp đổ khiến các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo lắng. Ảnh: Jeffrey Dastin/ Reuters.

Vốn mạo hiểm là gì?

Vốn mạo hiểm (venture capital - VC) là sự cung cấp tài chính chủ yếu dành cho các công ty khởi nghiệp (CTKN) và doanh nghiệp nhỏ mà nhà đầu tư tin rằng có tiềm năng phát triển dài hạn. Để được nhận tài trợ, những doanh nghiệp đó thường từ bỏ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với công ty và các nhà đầu tư VC sẽ có tiếng nói trong hoạt động của công ty. Các nhà đầu tư VC chịu rủi ro là nếu công ty thất bại thì họ có thể mất hết tiền.

SVB cung cấp nợ mạo hiểm, tức là cung cấp các khoản vay bổ sung cho các CTKN mà các nhà đầu tư VC đã đầu tư vào. Để thu hút khách hàng, thủ tục của SVB đối với các CTKN là rất dễ dàng, nhanh chóng. Ngoài ra, SVB còn tạo ra nhiều giải pháp cho các nhu cầu tài chính của các công ty đó.

Hầu hết khách hàng của SVB không chỉ vay tiền từ ngân hàng này mà cũng gửi toàn bộ tiền của họ và của công ty họ vào đây. Năm 2021, SVB tuyên bố khách hàng của mình chiếm gần một nửa tổng số CTKN có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ.

Tại sao vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank lại gây lo lắng trên toàn thế giới? ảnh 2

Các nhà đầu tư chứng khoán ở Mỹ căng thẳng sau sự sụp đổ của SVB. Ảnh: Michael M. Santiago/ Getty Images.

Tại sao SVB sụp đổ?

Các ngân hàng thường không giữ tiền được gửi vào, mà đầu tư phần lớn số tiền đó để thu lợi nhuận. SVB đầu tư phần lớn tiền của mình vào các chứng khoán dài hạn.

Nhưng gần đây, sự tăng đột xuất lãi suất bởi Chính phủ Liên bang Mỹ khiến việc vay tiền trở nên “đắt đỏ” hơn, nên các nhà đầu tư VC giảm đầu tư, thế là các khách hàng của họ phải dùng tiền dự trữ của công ty - vốn đã được gửi ở ngân hàng - để hoạt động.

Việc công ty mẹ của SVB là SVB Financial Group liên tục bán nhiều cổ phiếu để củng cố tài chính cũng khiến khách hàng phát hoảng, nhanh chóng đi rút tiền từ ngân hàng như một cuộc tháo chạy.

Mà chữ “nhanh chóng” ở đây có nghĩa là cực kỳ nhanh chóng, vì hầu hết khách hàng của SVB là đến từ các CTKN công nghệ, họ giỏi công nghệ đến mức có thể rút mọi thứ chỉ bằng vài cú click chuột. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư VC cũng bảo nhau rút lui. SVB đúng là không kịp trở tay.

Tại sao vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank lại gây lo lắng trên toàn thế giới? ảnh 3

Nhiều người xếp hàng bên ngoài trụ sở chính của SVB ở California. Ảnh: Xinhua/ Shutterstock.

Người dân ở các nước khác có cần lo lắng không?

Chính phủ Mỹ đang khẩn trương can thiệp, khẳng định với người dân là không cần lo.

Và mặc dù vẫn có nguy cơ về “hiệu ứng lan truyền” - chẳng hạn, một số thị trường tài chính ở châu Á đã bị ảnh hưởng chút ít, ví dụ như Singapore, nhưng các chuyên gia phân tích kinh tế thế giới cho rằng chưa có khả năng xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng, mà vấn đề lớn nhất hiện tại chỉ là các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia có thể mất lòng tin, giảm đầu tư vào các công ty và/ hoặc cũng đi rút tiền khỏi các ngân hàng.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý ở các nước đều đang theo dõi chặt chẽ hệ thống tài chính của nước mình để đảm bảo sự ổn định của thị trường, nên hiện tại, người dân các nước khác không cần lo lắng.

Tại sao vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank lại gây lo lắng trên toàn thế giới? ảnh 7
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm