Tuy nhiên, có nhiều bạn đã được bố mẹ dặn dò kỹ rằng ăn đồ hộp không tốt chút nào đâu, phải không nhỉ? Về cơ bản thì bố mẹ dặn chúng mình thế là đúng đấy, nên bạn đừng suốt ngày đòi bố mẹ mua đồ hộp, dù trông chúng rất bắt mắt nhé! Thế nhưng, đâu phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn thực phẩm tươi để sử dụng (thế mới bảo thực phẩm đóng hộp rất tiện, lại còn giữ được quanh năm mà!). Và nói cho chính xác thì có một số đồ hộp thực sự là tốt, chứ bạn đừng “đổ tiếng xấu” cho tất cả mọi loại đồ hộp nhé!
![]() |
Nào, vậy nhân dịp Canned Food Month, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng và bảo quản đồ đóng hộp nhé! Học tiếng Anh luôn thể, tất nhiên rồi nhỉ!
Tips to remember when purchasing canned goods (Những điều cần ghi nhớ khi mua đồ đóng hộp)
Bạn nên tránh mua những hộp bị rỉ sét, móp méo/ lõm, trầy xước hoặc phình ra (rusted, dented, scratched, or bulging cans - đây, bạn học được một loạt từ miêu tả cái hộp nhé!).
Bạn luôn cần xem ngày tháng ghi trên hộp. Không phải mọi loại ngày tháng in trên hộp đều đơn giản là “hạn sử dụng” đâu, mà có hẳn mấy loại thế này, bạn chú ý để có thể giải thích cho bố mẹ luôn nhé!
- Sell by (Bán trước ngày…): Cho cửa hàng biết thời gian nên trưng bày và bán sản phẩm đó. Bạn nên mua sản phẩm vẫn còn trong thời hạn sell by nhé, vì như vậy, bạn sẽ có đủ thời gian để sử dụng nó khi chất lượng của nó còn ở mức tốt nhất.
- Best if used by, hay Best before (còn được viết tắt là BUB hoặc BB, có nghĩa là “Tốt nhất nếu sử dụng trước ngày…”): Bạn nên sử dụng trước ngày này để sản phẩm có chất lượng và hương vị tốt nhất. Tuy nhiên, sau ngày này một chút thì sản phẩm vẫn có thể được sử dụng.
- Use by (sử dụng trước ngày…): Đây là ngày mà nhà sản xuất đưa ra, với ý là bạn cần sử dụng sản phẩm trước ngày này thì sản phẩm mới đảm bảo chất lượng.
![]() |
Compare food labels to help make healthier choices (So sánh nhãn thực phẩm để có những lựa chọn lành mạnh)
Bạn nên tập thói quen đọc các bảng thành phần (Ingredients) và thông tin dinh dưỡng (Nutrition Facts) của sản phẩm. Bằng cách đó, bạn sẽ (giúp mẹ) chọn được loại lành mạnh nhất. Khi đọc bảng Nutrition Facts, bạn sẽ biết lượng chất béo, chất xơ, muối, đường… trong các sản phẩm khác nhau. Bạn nên tìm loại thực phẩm đóng hộp có ít muối thôi nhé (tức là lượng sodium thấp đó!).
Pay attention to storage location and temperature for optimal quality (Chú ý đến nơi để đồ hộp, cũng như nhiệt độ, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm)
Đồ hộp nên được để ở nơi sạch sẽ, mát mẻ, khô ráo và ít ánh sáng. Bạn nên lưu ý xem cửa hàng có xếp đồ hộp ở những vị trí phù hợp như thế không nhé. Khi mua đồ hộp về nhà, bạn cũng đừng để chúng ở phía trên bếp hoặc lò nướng, hoặc dưới bồn rửa (những nơi ẩm ướt, nhiệt độ hay thay đổi) nhé! Nhiệt độ cao quá sẽ làm cho đồ đóng hộp dễ bị hỏng, rồi cái hộp còn bị rỉ sét, thậm chí bị bung nắp, khiến vi khuẩn chui vào nữa.
Use the first in, first out rule (Áp dụng nguyên tắc “hạn trước, dùng trước”)
Nếu nhà bạn mua nhiều đồ hộp thì bạn nhớ giúp mẹ kiểm tra hạn dùng của chúng, rồi xếp những hộp có hạn gần hơn ra phía ngoài để dùng trước. Và nhớ là đừng dùng những hộp đã bị nứt, phồng, rò rỉ, mà cần bỏ chúng đi ngay nhé!
![]() |
Buy canned fruits and vegetables (mua rau củ quả đóng hộp)
Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng một số loại rau củ quả đóng hộp có thể còn tốt hơn đồ tươi, vì chúng luôn được thu hoạch và đóng hộp ở đúng thời điểm ngon nhất, giàu dinh dưỡng nhất. Cho nên, dùng chúng còn tốt hơn là dùng rau quả tươi mà trái mùa. Chẳng hạn, cà chua, hạt đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu đen, củ cải đỏ… đóng hộp đều rất sạch sẽ và giàu dinh dưỡng, lại có thể được sử dụng quanh năm. Tiện quá, phải không nào?
Thế là bạn đã có đủ kiến thức về việc dùng thức ăn đóng hộp rồi đấy! Vậy bạn hãy xung phong làm “người quản lý đồ hộp” của gia đình nhé!