Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới

Trong niềm vui trở lại trường vào năm học mới, các bậc phụ huynh lại canh cánh nỗi lo về những hiểm hoạ từ thực phẩm giả bủa vây trước cổng trường.

Niềm vui của con, nỗi lo của mẹ

Hình ảnh giờ tan trường, những nhóm bạn nhỏ ùa ra khỏi cổng trường, vây lấy những xe đẩy, hàng rong, tiệm tạp hoá chọn mua các món quà vặt đã trở nên quen thuộc. Để hợp với túi tiền học sinh vốn chỉ được bố mẹ cho “giắt túi” chút tiền tiêu vặt, những người bán hàng sẵn sàng chọn những thực phẩm rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Năm học 2022 - 2023 chứng kiến rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở học sinh nghiêm trọng. Bên cạnh những vụ việc mà nguyên nhân đến từ bếp ăn trường học, đáng chú ý có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do bánh kẹo mua trước cộng trường.

Cuối tháng 4 vừa qua, 8 học sinh một trường tiểu học tại Bình Phước bị ngộ độc do kẹo. Cụ thể, một em học sinh lớp 4 mua gói kẹo vị ổi tại cửa hàng tạp hoá trước cổng trường và chia cho 18 bạn. Chỉ một giờ sau, 9 em đã có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như sốt, đau bụng, đau đầu, nôn ói.

Cũng chỉ một tháng trước đó, 10 học sinh lớp 4 tại Đông Hà (Quảng Trị) có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, khó thở và đau đầu sau khi chia nhau ăn một loại kẹo đồ chơi có tên Weird Dj show. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, nhãn sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ, không có nguồn gốc và được bày bán tại quầy kinh doanh tạp hóa phía ngoài cổng phụ của trường.

Chị Thúy Hiền, phụ huynh có con học lớp 5 trường Tràng An (Hà Nội) chia sẻ nỗi lo lắng: “Mình luôn dặn con không mua kẹo bánh trước cổng trường nhưng cũng không thể kiểm soát hết được vì ở lớp nhiều khi các con chia sẻ đồ ăn với nhau. Căng thẳng quá thì sợ con không có bạn chơi cùng nên nhiều lúc dù lo lắng vẫn phải nhắm mắt cho qua.”

Nỗi lo lắng của những người mẹ có con nhỏ như chị Thúy Hiền là hoàn toàn có cơ sở. Theo thông tin từ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, trong tháng 8 vừa qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tập trung vào mặt hàng bánh kẹo, bánh trung thu trong bối cảnh nhu cầu sử dụng của người dân đang tăng cao.

Những màn “đội lốt” tinh vi

Điều nguy hiểm là những sản phẩm kẹo không rõ nguồn gốc, gây ngộ độc thường “đội lốt” sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, quen thuộc với trẻ em. Một trong những sản phẩm kẹo cao su được trẻ em Việt Nam rất yêu thích bởi hương vị thơm ngon và đóng gói bắt mắt là Hubba Bubba hiện đã bị làm giả, nhái bao bì, bày bán nhiều nơi.

Ngày 19/7/2023 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Công an Huyện Hoài Đức để kiểm tra một điểm kinh doanh chế biến thực phẩm tại Hà Nội, kết quả phát hiện 18 vỉ kẹo cao su (12 hộp/vỉ) và 3.300 hộp (56g/hộp) kẹo cao su là hàng hóa giả mạo thương hiệu Hubba Bubba và Wrigley’s.

Theo đó, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa kẹo thật và kẹo giả chính là chênh lệch về giá. Trong khi các loại kẹo chính hãng do Hubba Bubba sản xuất và phân phối ra thị trường có giá bán lẻ dao động trong khoảng 55 - 65 nghìn đồng, thì các loại kẹo làm giả, làm nhái theo thương hiệu được bán với giá chỉ khoảng 10 - 20 nghìn đồng. Đây là những mức giá không thể có với kẹo chính hãng Hubba Bubba.

Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới ảnh 1

Trong khi kẹo Hubba Bubba có 4 loại hương vị tại thị trường Việt Nam và đóng lốc theo từng vị thì kẹo giả có tới 5 loại hương vị và đóng gói chung với nhau.

Mặc dù bao bì của kẹo giả được sao chép khá “tinh vi” nhưng các bậc phụ huynh từng cho con em sử dụng kẹo Hubba Bubba thật sẽ không khó để phân biệt định lượng kẹo giả chỉ bằng một nửa kẹo thật; chi tiết vỏ hộp, nhãn dán cũng không thể hoàn thiện như bản gốc.

Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới ảnh 2

Thời hạn sử dụng và thông tin chi tiết về lô hàng của sản phẩm được in ở phần bên hộp của hộp kẹo thật. Ngoài ra, bên dưới bao bì sẽ cung cấp thông tin về quá trình sản xuất, nơi sản xuất và bản dịch tiếng Việt của nhãn. Trong khi đó, bao bì của kẹo giả thường không có thông tin về ngày hết hạn sử dụng hay thông tin chi tiết về lô của sản phẩm. Phía dưới của bao bì hộp chỉ liệt kê tên thành phần bằng tiếng Anh, không có bản dịch tiếng Việt của nhãn, cũng không có thông tin về nơi sản xuất. Ngoài ra, thiết kế của bao bì hộp giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm làm giả cũng khác nhau.

Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới ảnh 3

Kẹo chính hãng cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất bao gồm thời hạn sử dụng, nơi sản xuất và bản dịch tiếng Việt của nhãn, còn kẹo giả thì không.

Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới ảnh 4

Chất lượng in trên bao bì của kẹo Hubba Bubba thật tốt hơn so với bao bì kẹo giả. Đặc biệt, với loại kẹo cao su hương Seriously Strawberry giả thì màu sắc bao bì sẽ nhạt hơn kẹo thật

Nỗi lo ngộ độc từ quà vặt, bánh kẹo giả trở lại cùng năm học mới ảnh 5

Còn kẹo nhái hương Groovy Grape thì sẽ có màu sắc tối, đậm hơn “chính chủ”

Trong khi kẹo Hubba Bubba chủ yếu phân phối qua hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng dành cho mẹ và bé lớn thì kẹo giả bị phát hiện chủ yếu ở các cửa hàng tạp hoá gần các trường Tiểu học và THCS, trong chợ và tiệm tạp hoá nhỏ trong các khu dân cư. Đã có trường hợp kẹo giả Hubba Bubba len vào cả chuỗi cửa hàng tiện lợi trong các khu chung cư.

Khi “khoanh vùng” những khu vực này, không khó nhận ra các đối tượng bán kẹo giả đang nhắm vào người mua trực tiếp là chính trẻ em, bởi các em sẽ khó có thể phân biệt được kẹo giả và kẹo thật như người lớn, đặc biệt là với những em chưa từng dùng qua kẹo Hubba Bubba thật và bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ của kẹo.

Vậy làm thế nào để tránh cho trẻ khỏi tiếp xúc với bánh kẹo giả? Phụ huynh nên quan sát và quan tâm đến những loại bánh kẹo trẻ ăn hằng ngày, trẻ mua trên trường, được tặng bởi bạn bè để đảm bảo các loại bánh kẹo này là rõ nguồn gốc và đúng chất lượng. Khi mua thực phẩm như bánh kẹo cho trẻ, nên mua từ các cửa hàng uy tín như siêu thị lớn, tránh mua hàng rong hoặc mua các thực phẩm xách tay. Ngoài ra, phụ huynh nên giáo dục trẻ không nên mua kẹo bánh ở lề đường, cho con xem các hình ảnh trực quan về sản phẩm thật - giả do nhà sản xuất công bố.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14), đối tượng nào có hành vi buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 đến 05 năm. Hiện tại, Hubba Bubba đã và đang phối hợp với các cơ quan ban ngành để có các biện pháp xử lý cứng rắn với các bên bán sản phẩm kém chất lượng hay không có nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi của hãng cũng như lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm