Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh

HHT - Những năm gần đây, khi những bài hát lấy cảm hứng từ văn học dân gian như “Gieo quẻ”, “Vũ trụ có anh”, “Để Mị nói cho mà nghe”... chinh phục đông đảo khán giả thì bộ truyện tranh “Bé Nấm Lùn” với bối cảnh xuyên không vào các bộ truyện cổ tích cũng tạo dấu ấn riêng trên thị trường truyện tranh dành cho học trò. Mỗi hành trình của bộ tứ Nấm, Cá, Gián và Bi Ve vừa lôi cuốn vừa giúp các bạn trẻ bồi đắp thêm những giá trị văn hóa cội nguồn.

Từ tình yêu chất liệu dân gian đến Bé Nấm Lùn

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 1

Điều khiến Bé Nấm Lùn trở nên khác biệt chính là cách làm mới các câu truyện cổ tích tưởng như đã vô cùng quen thuộc. Bộ truyện tranh kể về cuộc phiêu lưu kỳ thú vào các chiều không gian cổ thích khác nhau của bộ tứ Nấm, Cá, Gián và Bi Ve cùng 7749 thử thách. Với nét vẽ dễ thương và cách kể chuyện hóm hỉnh, hành trình khám phá vào thế giới “ngày xửa ngày xưa” của bộ tứ đã đem đến vô vàn bài học giá trị của ông cha ta.

Theo chị Minh Nhựt - biên kịch Bé Nấm Lùn, lý do lựa chọn bối cảnh phiêu lưu của các nhân vật là truyện cổ tích bắt nguồn từ niềm yêu thích dành cho thế giới thần tiên trẻ thơ. Nơi có cô Tấm với câu hát Bống bống bang bang, có chàng Thạch Sanh đánh thắng chằn tinh, có chú chim biết trả ơn “Ăn một quả, trả cục vàng”… Những truyện dân gian dường như là nguồn cảm hứng bất tận góp phần vào các trang truyện đầy sáng tạo của tác giả.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 2

Bộ đôi tác giả Nhựt Hoàng+ gồm chị Minh Nhựt (Cá Bơi Ngửa) và anh Trần Hoàng (Hoàng Mitu).

Để làm nên một bộ truyện thành công từ việc sử dụng chất liệu dân gian là không hề dễ dàng. Bé Nấm Lùn được tạo nên từ tình cảm to lớn của nhóm tác giả dành cho những giá trị truyền thống của Việt Nam. Chị Nhựt chia sẻ: “Chỉ khi làm điều mình thích trước thì người đọc mới đồng cảm và thích câu truyện của mình”. Không chỉ vậy, bộ truyện Bé Nấm Lùn còn pha trộn những “chiếc” trend thú vị, hài hước để “hợp gu” hơn với học sinh thời nay.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 3

Bên cạnh đó, muốn có một bộ truyện tranh kết hợp với các câu truyện cổ tích chất lượng, khó khăn lớn nhất trong quá trình sáng tác chính là công đoạn tìm tư liệu. Mỗi truyện cổ tích đều có sẵn bối cảnh cụ thể nên khi đưa vào truyện, anh Hoàng - họa sĩ của truyện, cần phải tìm kiếm tư liệu lịch sử, trang phục và văn hóa thời đó. Đồng thời, họa sĩ sẽ thêm thắt một số yếu tố sáng tạo nhưng vẫn giữ được những chi tiết chính của cốt truyện gốc. Các đặc điểm phải được thể hiện đúng nhất với giai đoạn đó nhưng vẫn phải thể hiện rõ màu sắc của người nghệ sĩ sáng tạo.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 4

Hình ảnh kinh thành trong truyện được lấy cảm hứng từ kinh thành Huế.

Chị Minh Nhựt chia sẻ: “Khi vẽ phân cảnh Nấm têm trầu cánh phượng trong tập Bống Bống Bang Bang, anh Hoàng Mitu phải tìm hiểu nó là gì, xem món đó được làm như thế nào. Hay cảnh Tấm đánh rơi chiếc hài, anh cũng phải tìm hiểu trang phục, xem giày thêu hoa có hình gì, có thể đính được gì lên”. Nữ tác giả còn cho biết, khi vẽ áo giáp cho quân lính, bản thân hoạ sĩ phải tìm hiểu kỹ càng đâu là giáp Việt Nam, Trung Quốc hoặc Campuchia, vì hình ảnh trang phục vay mượn quá nhiều sẽ không còn nét riêng của mình.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 5

Bộ trang phục của Tấm được tác giả chăm chút từng chi tiết.

Thêm vào đó, ở mỗi tập truyện Bé Nấm Lùn tuyển tập đặc biệt, bộ tứ còn giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Qua đó, truyện vừa có những tình tiết giải trí hài hước nhưng vẫn mang tính giáo dục cao.

Bí mật chuyện hậu trường Bé Nấm Lùn

Với những ai đã lớn, Bé Nấm Lùn tựa như cỗ máy quay ngược thời gian giúp họ có dịp được trở về tuổi thơ. Còn các tween thì lại được hóa thân thành các nhân vật, được lạc vào các mẩu chuyện cổ tích vừa thú vị vừa li kỳ.

Điều thú vị tạo nên “cơn địa chấn” trong Bé Nấm Lùn chính là màn cameo của một nhân vật vô cùng quen thuộc với teen hiện nay. Nếu trong MV Gieo quẻ của chị Hoàng Thùy Linh có sự xuất hiện của anh Đen Vâu, thì trong Bé Nấm Lùn lại có một phiên bản cameo khác, đó chính là anh Trắng Móm. Anh Trắng Móm đóng vai trò đặc biệt giúp bộ tứ xuyên không về thế giới “ngày xửa ngày xưa”.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 6

Chia sẻ với nhà Hoa về khoảnh khắc đáng nhớ nhất khi sáng tác Bé Nấm Lùn, chị Minh Nhựt đùa rằng mình hay bị “cướp công”. Lúc viết kịch bản, chị hay tự đối thoại với nhân vật của mình. Chẳng hạn như để nhân vật nói “Trời đất ơi, chuyện như vậy mà cũng nghĩ ra được nữa”. Nhưng khi anh họa sĩ biến những câu chữ thành hình ảnh, cuộc trò chuyện của nhân vật cũng thay đổi thành “Trời đất ơi, chuyện như vậy mà cũng vẽ ra được nữa”. Đó là cách nhân vật và nhóm tác giả có những kết nối ngộ nghĩnh với nhau, đem lại sự thích thú cho độc giả.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 7

Huy hiệu tặng kèm khi mua truyện.

Trong thời đại những nền tảng video làm lu mờ những trang truyện cổ tích, một bộ truyện tranh vừa phản ánh đời sống của thế hệ học trò hiện đại, vừa lồng ghép những yếu tố thú vị, hấp dẫn của truyện cổ tích dưới hình thức một chuyến phiêu lưu hư cấu giúp truyền cảm hứng cho học trò tìm đến những giá trị văn hóa dân tộc gần gũi, xây dựng nền móng định vị những giá trị cá nhân trước khi chúng mình vươn ra “biển lớn”.

Kho tàng dân gian trong truyện "Bé Nấm Lùn": Xuyên sách gặp cô Tấm, Thạch Sanh ảnh 11
Tin liên quan