Khách mời cuối tuần

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân

SVVN - Cuộc trò chuyện giữa phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong với nhà báo, doanh nhân Lê Hoa Chi nhân dịp chị xuất bản cuốn sách truyền cảm hứng cho các bạn trẻ "Vượt khó thì dễ, vượt sướng thì khó" đúng vào Ngày nhà báo Việt Nam, 21/6/2022. Chị Lê Hoa Chi đã có 27 năm làm báo, trong đó có một khoảng thời gian dài làm báo ở vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 1

Tác giả, nhà báo, doanh nhân Lê Hoa Chi

Sinh tại: Hà Tân, Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam.

Bắt đầu sự nghiệp báo chí năm 1986.

Có 27 năm công tác tại Đài Truyền Thanh các huyện miền núi Tây Giang và Nam Giang, Quảng Nam, và Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng.

Từng là Phó Trưởng Đài huyện Nam Giang.

Từng là Phó Trưởng Ban Khoa Giáo Đài PT-TH Đà Nẵng.

CEO, nhà sáng lập trường Mầm non Khai Tâm, Nhà hàng Ẩm thực Di sản vùng Mekong Sadec6.

Xin chào chị Lê Hoa Chi, tại sao chị lại quyết định khởi nghiệp khi đã là một triệu phú tự thân?

Chị Lê Hoa Chi: Đây là câu mà rất nhiều người đã hỏi tôi khi tôi “xuống núi” để bắt đầu khởi nghiệp với một công việc mới, mà công việc mới này lại không ăn nhập gì với công việc trước của mình. Trước đó tôi vừa làm báo, vừa kinh doanh, nhưng là kinh doanh truyền thống.

Với tôi, việc khởi nghiệp lại là xuất phát từ bản chất của mình. Tôi luôn có một tâm thế, một tư thế là luôn chờ đón những điều mới mẻ, không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống của tôi cũng vậy. Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ có một cuộc sống nhàm chán, lặp đi lặp lại một việc trong rất nhiều năm mà không tìm được niềm vui. Riêng báo chí là một điều đặc biệt, đó là công việc mà tôi lựa chọn từ tâm huyết, xuất phát từ tình yêu đối với văn học, nên nó trở thành một sự nghiệp rất lâu dài, gần 27 năm. Còn với kinh doanh thì tôi thấy nhu cầu của thị trường, của xã hội, những giá trị mình muốn lan tỏa đều luôn thay đổi và mới mẻ. Nên bản thân tôi có tâm thế luôn muốn khám phá, muốn tìm tòi, muốn phát hiện, giống như mình đánh thức bản thân, khích lệ bản thân vậy.

Nói thế để khẳng định rằng tôi thực sự luôn mang tâm thế của một người khởi nghiệp. Trong cuộc sống có rất nhiều lĩnh vực mà. Chẳng hạn như trước đây, tôi đâu có nghĩ mình mở nhà hàng, nhưng vì mình yêu thích ẩm thực, thích nấu nướng, thích có một nơi có thể là điểm đến cho bạn bè, rồi bản thân tôi đi du lịch đến rất nhiều quốc gia, tới đâu tôi cũng muốn khám phá về ẩm thực. Thế nên trong tiềm thức tôi mới nảy ra ý tưởng là sao mình không làm nhà hàng? Từ nhà báo bước sang lĩnh vực nhà hàng cũng là khởi nghiệp lại ở một lĩnh vực mới mẻ đó thôi.

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 2

Thế đấy, tâm thế và tinh thần của tôi luôn là sẵn sàng khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Nếu trong đầu mình không có suy nghĩ đó thì thôi, nhưng nếu nó manh nha có rồi thì mình thai nghén nó, mình bắt đầu nghĩ đến nó nhiều hơn, và mình có mục tiêu là một ngày nào đó, mình sẽ bắt đầu lĩnh vực mà mình đã nghĩ tới. Đó chính là tâm thế của một người luôn khởi nghiệp.

Nhưng mọi người lại đặt câu hỏi rằng, tôi đã là một triệu phú tự thân rồi mà sao lại luôn có tâm thế khởi nghiệp? Đây là điều mà tôi học hỏi được từ rất nhiều người thành công. Họ không phải là kiếm được 1 triệu đô hay vài triệu đô, mà họ kiếm nhiều triệu hoặc nhiều tỷ đô, nhưng họ vẫn luôn có tâm thế của người bắt đầu, luôn muốn khám phá những cái mới mẻ. Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh của họ thì họ vẫn luôn tìm tòi và áp dụng những cái mới, từ đó luôn tạo ra những kết quả mới. Những điều đó khiến tôi cảm thấy tinh thần khởi nghiệp là nguyên tắc bất di bất dịch trong con người, trong tư duy triệu phú của họ rồi, chứ không phải họ thành công là họ dừng lại.

Dù tôi là một triệu phú tự thân, tôi vẫn nghĩ nếu mình kiếm được nhiều tiền, có tài chính vững vàng hơn nữa, thì rõ ràng là tôi sẽ làm được rất nhiều thứ có giá trị cho cuộc đời này mà.

Tôi cũng may mắn là học hỏi được tư duy thành công, tư duy triệu phú từ sớm, bằng việc đọc rất nhiều sách và được học từ rất nhiều người thành công. Những điều đó giúp tôi luôn có một tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Nên dù tôi là một triệu phú tự thân, tôi vẫn nghĩ nếu mình kiếm được nhiều tiền, có tài chính vững vàng hơn nữa, thì rõ ràng là tôi sẽ làm được rất nhiều thứ có giá trị cho cuộc đời này mà. Ví dụ, tôi bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực gì đó, thì đó cũng là phục vụ cho con người mà. Như tôi làm nhà hàng, thì tôi vừa bảo tồn ẩm thực di sản, vừa phục vụ việc mang tinh hoa văn hóa đến cho cộng đồng, cho du khách, thực khách ở khắp mọi nơi, cái đó chính là nâng cao giá trị. Đấy, nếu mình không có tiền thì làm sao mình đầu tư làm những việc như thế?

Vậy cho dù tôi là triệu phú tự thân rồi, thì cuộc đời này vẫn luôn có những điều hấp dẫn tôi, vì tôi đam mê và luôn muốn khám phá. Mà tinh thần khởi nghiệp của tôi thì chưa bao giờ hết. Và cũng như tôi đã nói trong cuốn sách này, nếu mình thành công một lần thì đâu có được nói là thành công, mà nếu mình thành công được nhiều lần, lặp đi lặp lại ở nhiều lĩnh vực thì mới được gọi là thành công lớn, cống hiến lớn, thành tựu lớn. Thực ra với các doanh nhân, họ kiếm 1 triệu đô đầu tiên rất là khó, để chạm đến 1 triệu đô đầu tiên cực kỳ khó, đây là điều mà tôi cũng học hỏi được từ rất nhiều người: Phải tích góp, phải cộng dồn, phải thử thách, phải trả giá… Nhưng nếu mình kiếm được 1 triệu đô đầu tiên rồi thì chắc chắn mình sẽ kiếm triệu đô thứ hai, thứ ba được. Bởi vì mình đã có được sự trải nghiệm, bài học, sự đúc rút, thậm chí là sự trả giá, có cả thất bại... Rất nhiều thứ cộng dồn lại. Như vậy, cho dù đã là triệu phú cũng không nên dừng lại.

Nếu mình thành công một lần thì đâu có được nói là thành công, mà nếu mình thành công được nhiều lần, lặp đi lặp lại ở nhiều lĩnh vực thì mới được gọi là thành công lớn, cống hiến lớn, thành tựu lớn.

Như bạn biết đấy, tôi là người đi lên từ đôi bàn tay trắng, tạo dựng cuộc sống và tạo lập mọi thứ hoàn toàn bằng nỗ lực tự thân, sự kiên trì, kiên nhẫn, sự nắm bắt cuộc sống của mình. Tôi không có được sự giúp đỡ thực sự nào về tài chính hay nhân tài vật lực gì của ai: Về gia đình thì không có điều kiện, về xã hội thì mình cũng không thể mượn nhiều tiền bạc của ai được, hồi đầu tiên mà tôi cần thì tôi cũng đi vay tiền ngân hàng thôi. Tôi nói rõ như vậy để khẳng định một chữ trong tinh thần của tôi, là chữ “dám”. Trong cuộc đời của tôi luôn có chữ "dám": Dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn, đi xuyên qua những thử thách. Những lúc ấy tôi đều “dám”, nên tinh thần khởi nghiệp luôn hiện hữu trong tôi, luôn là chính con người của tôi. Còn nếu tôi dừng lại, bằng lòng với kết quả mình đang có, thì đó không phải là con người của tôi rồi.

Trong cuộc đời của tôi luôn có chữ "dám": Dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn, đi xuyên qua những thử thách.

Ngay cả khi đạt được các thành tựu, có tài chính rồi, tôi vẫn tiếp tục làm việc. Nên tôi luôn là người bắt đầu, khám phá. Và tôi đúc rút ra một điều nữa là khi mình muốn có những cái đích mới thì mình không thể đi con đường cũ được. Bởi mình muốn có những cái mình chưa từng có, thì mình phải bắt đầu làm những việc mình chưa từng làm. Đó cũng là tinh thần khởi nghiệp. Có tư duy này rồi, thì với những thứ có trong suy nghĩ, trong giấc mơ của mình trước đó, nếu mình muốn thì mình phải khởi nghiệp lại thôi, chứ mình đâu có nhảy từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác được đâu.

Vậy tóm lại, câu trả lời ở đây là tôi luôn có tinh thần khởi nghiệp, dám khám phá những lĩnh vực mới mẻ. Với tôi, thành tựu triệu phú tự thân không phải là điểm dừng, chưa bao giờ là điểm dừng, nhất là khi tôi thấy cuộc đời của mình còn có một quãng thời gian rất dài nữa để mình chiêm nghiệm cuộc sống, để cống hiến, để phụng sự, phục vụ.

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 3

Trong khi đưa ra quyết định khởi nghiệp, có lúc nào trong đầu chị hiện lên ý nghĩ: "Nếu mình thất bại thì sao?"? Lúc đó chị xử lý thế nào?

Chị Lê Hoa Chi: Thực sự tôi đã đọc cuốn sách Dám thành công và tôi cũng đã đọc luôn cuốn Dám thất bại. Hiện ở nhà tôi vẫn có hai cuốn đó. Thật ra, dám thất bại tức là anh đã đón nhận thành công rồi đó. Con đường thành công chưa bao giờ trải hoa hồng hết, trong mọi lĩnh vực, từ trong học tập, cuộc sống, công việc, kinh doanh... Thành công không phải là chuyện một sớm một chiều, cũng không xảy ra một cách đơn giản. Nên trong quá trình khởi nghiệp, tôi luôn nghĩ rằng, cái thất bại đầu tiên chính là việc mình không dám bắt đầu thôi. Đó là thất bại với chính mình. Nên nếu mình thấy sự thất bại đó có trong đầu mình thì mình cũng chưa đủ tự tin để khởi nghiệp đâu. Mà chưa đủ tự tin để bắt đầu công việc đó thì làm sao chạm đến thành công được? Nên nếu trong hành trình khởi nghiệp và lập nghiệp mà gặp vấn đề, tôi không bao giờ tập trung vào vấn đề mà tôi sẽ tập trung vào giải pháp để giải quyết vấn đề đó, và làm sao để có thể hạn chế những cái rủi ro, những cái không đạt như mình mong muốn. Tôi có một niềm tin là nếu mình nỗ lực hết mình, nghiêm túc và thực sự dành tất cả đam mê, tình yêu cho việc gì đó, thì dù mình không mong muốn, kết quả tốt cũng sẽ xảy ra.

Thứ bạn kiểm soát được duy nhất là thái độ của bạn, suy nghĩ của bạn.

Nói cho cùng, có những cái rủi ro ngoài ý muốn thì bạn làm sao kiểm soát được? Bạn không bao giờ kiểm soát được những thứ mà bạn không kiểm soát được. Thứ bạn kiểm soát được duy nhất là thái độ của bạn, suy nghĩ của bạn. Như vậy, để chạm đến thành công thì thái độ của bạn đối với công việc và với lĩnh vực bạn lựa chọn đó là như thế nào? Nếu bạn lựa chọn sự nghiêm túc, sự kỷ luật, sự kiên trì, cố gắng, sự không than vãn, không đổ lỗi, không than phiền, không oán trách, thì bản thân bạn đã thu hút được những năng lượng tích cực rồi mà. Còn tôi luôn nói rất rõ ràng: Thành công với tôi là không lý do. Thành công chưa bao giờ là dễ dàng, hà cớ gì mà mình đòi hỏi phải có trong một vài ngày, hoặc mình phải thành công một cách đơn giản? Mà thực sự là nếu thành công nó đơn giản thì mình lại không cảm thấy tự hào, không cảm thấy được thử thách, được trải nghiệm nữa kia.

Thành công chưa bao giờ là dễ dàng, hà cớ gì mà mình đòi hỏi phải có trong một vài ngày, hoặc mình phải thành công một cách đơn giản? Mà thực sự là nếu thành công nó đơn giản thì mình lại không cảm thấy tự hào, không cảm thấy được thử thách, được trải nghiệm nữa kia.

Khi chị đã là Phó Trưởng ban Khoa giáo của Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng thì công việc ổn định và chị cũng ở độ tuổi 50 rồi, có lúc nào những yếu tố này khiến chị phải suy nghĩ lại về quyết định khởi nghiệp của mình không?

Chị Lê Hoa Chi: Thực ra ai cũng biết rất rõ rằng chúng ta đều có những khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời này. Thời gian là có hạn, chưa bao giờ là vô hạn. Chỉ là chúng ta không biết cái hạn đó thôi, không biết việc chúng ta ra đi lúc nào. Việc đó chúng ta không quyết định được. Còn xét ở góc độ thời gian làm việc thì tôi biết rõ thời gian nghỉ hưu của mình mà, ví dụ như nữ là 55, nam 60. Tuổi về vật lý thì Nhà nước quy định rồi. Còn lúc tôi đang đương chức, là Phó Trưởng ban Khoa giáo của đài, được coi là chức cũng lớn, có vị trí, trách nhiệm ở một đài thành phố trực thuộc trung ương, vậy xét về mặt sự nghiệp làm báo với một nữ nhà báo thì như vậy cũng là sự nghiệp tốt. Nhưng người ta nói rằng: "Quan nhất thời mà dân vạn đại", cho dù mình có là gì đi chăng nữa thì tất cả những chức danh đó cũng có thời hạn nhất định, chỉ có điều là mọi người không ý thức được điều đó thôi. Nhưng tôi thì hiểu rất rõ rằng chức danh, vị trí này không phải là mãi mãi. Đến lúc mình cũng phải về hưu, phải gác bút, phải trở về với cuộc sống đời thường. Nên tâm thế của tôi luôn là làm việc hết sức, phụng sự hết mình, sẵn sàng đón nhận tuổi mà mình sẽ nghỉ hưu.

Thế rồi khi hơn tuổi 50 một chút, tôi nghĩ 5 năm nữa mình kết thúc vị trí, công việc ở đài, thì những năm tiếp theo, cuộc sống của mình sẽ thế nào? Ngay từ khi bước qua tuổi 50 thì tôi đã đặt câu hỏi cho chính cuộc đời của tôi rồi. Tôi không muốn việc kết thúc sự nghiệp báo chí cũng là kết thúc cuộc sống của mình một cách tẻ nhạt hoặc đơn giản là dừng lại, xong một hành trình. Nên tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ làm gì trong 50 năm tiếp theo? Công việc nào mình sẽ yêu thích để lựa chọn? Mình mong muốn gì ở những năm tiếp theo của cuộc đời mình sau khi nghỉ hưu? Và nếu như mình quyết định ngay bây giờ thì tâm thế của mình với cuộc sống này như thế nào?

Cho nên, tôi có thể trả lời câu hỏi trên là tôi không lăn tăn gì về việc ở tuổi đó mà mình về hưu rồi cuộc sống mình sẽ thế nào đây, mình đang có quyền có chức rồi mai mốt mình là thường dân thì sao... Trước đây, tôi có đọc bài thơ Thường dân, đăng trên báo Văn Nghệ, và rất thích. Thực sự tôi thấy rằng cuối cùng, khi mình trở về với đời thường thì nó vẫn là điều rất tuyệt vời, mình vẫn tiếp tục có thể mở ra cho mình những hành trình mới, lựa chọn cách mình sống, cách mình làm việc, cống hiến.... Đều là do mình lựa chọn hết. Nên tôi không lăn tăn gì việc mình khởi nghiệp trở lại ở tuổi ngoài 50, khi đang có vị trí Phó Trưởng ban. Người khác có thể nghĩ thế chứ tôi không nghĩ thế. Thậm chí, ngay bây giờ, khi ở tuổi gần 60, nếu tôi không làm việc, không có năng lượng, không say mê hoạt bát thì đó đã không phải là tôi. Nên tôi không lăn tăn gì cả. Nhưng tôi có ý nghĩ rất sâu sắc rằng mình cần phải tiếp tục. Mà nếu tôi tiếp tục làm việc đến khi tôi nghỉ hưu thì sau đó tôi vẫn tìm một công việc phù hợp và tôi đam mê để tôi khởi nghiệp lại thôi. Vì tôi nghĩ 60 cũng mới bắt đầu thôi mà, bắt đầu một hành trình học, làm, tạo kết quả, có thể là bắt đầu một hành trình phát triển bản thân trở lại, vun bồi những thứ mà trước đó mình chưa có được trong sự nghiệp báo chí. Nên tôi nghĩ, chỉ có khi mình ngừng học hỏi là mình tụt hậu thôi, khi mình ngừng làm việc là mình cảm thấy cơ thể ở trạng thái lão hóa thôi.

Tóm lại, với tôi thì gần như là tôi định đoạt được cuộc đời của mình, giống như tôi lập trình cho nó đi đúng theo cách tôi mong muốn. Nên tôi cảm thấy rất hài lòng vì những lựa chọn của mình, dù mình ở độ tuổi nào, khi mình khởi động một công việc mới thì mình vẫn có tâm thế của một người trẻ mới bắt đầu.

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 4

Trong câu chuyện của chị, dường như chị luôn chủ động trong mọi bước đi, không bao giờ để mình ở thế bị động?

Chị Lê Hoa Chi: Người ta nói rằng: “Thành công trong chuẩn bị là chuẩn bị cho thành công”. Nên tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống này, nếu bạn muốn thành công, thì trước khi thành công bạn phải có sự chuẩn bị rất rõ ràng. Tôi luôn có tầm nhìn rất dài trong mọi việc mình làm, trong việc xây dựng những mối quan hệ, những thứ mang tính dài lâu. Tôi luôn ở tâm thế là người gieo trồng những điều đó. Mà đã gọi là gieo trồng thì không bao giờ kết quả xảy ra ngay, mà bạn phải chuẩn bị từ khâu thổ nhưỡng đất đai đến hạt giống, chăm sóc… Nó là quy trình mà. Nên tôi luôn là người chủ động. Mình phải luôn chủ động trong mọi tình huống của mình. Và mình luôn đề ra một vài phương án, vài phương hướng, vài giải pháp, nghĩ xem nếu mình tiến hành thì mình sẽ gặp những khó khăn gì, thuận lợi gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, mình cần vun bồi, bổ sung, khắc phục cái gì… Những điều này tôi hay đặt ra khi làm việc, để tôi lường được sức lực, nguồn lực, tài nguyên của mình. Khi có được những điều đó thì chắc chắn mình sẽ đi những bước đi vững vàng hơn. Tức là tôi chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo trong mọi lĩnh vực tôi làm, chứ tôi chưa bao giờ dễ dãi với bản thân trong việc lựa chọn sự nghiệp, công việc hoặc bất kỳ điều gì khác. Cái đó nó cũng thành nguyên tắc rồi. Có lẽ vì vậy mà tôi luôn khiến nhiều người ngưỡng mộ vì luôn có kết quả. Tôi không hề đùa giỡn trong những lựa chọn của mình. Đó cũng là một trong những dấu ấn trong cuộc sống của tôi cho đến bây giờ, ở độ tuổi này. Và tôi tin tưởng vào điều đó.

Tôi không hề đùa giỡn trong những lựa chọn của mình.

Theo chị, khi nào thì chúng ta nên quyết định khởi nghiệp?

Chị Lê Hoa Chi: Như tôi vừa nói ở trên, nếu mình trả lời câu này mà không đầy đủ, không sâu sắc thì lời khuyên của mình đối với mọi người nó sẽ thành khập khiễng. Cho nên tôi sẽ khẳng định luôn: Việc khởi nghiệp không lệ thuộc vào độ tuổi. Nếu bạn có tinh thần khởi nghiệp thì bạn đang đi học bạn vẫn khởi nghiệp được. Tôi đã biết kinh doanh từ khi tôi còn bé cơ mà. Nhiều người cứ nói là tôi đến độ tuổi chín chắn rồi tôi mới khởi nghiệp, nhưng với tôi thì từ khởi nghiệp không phụ thuộc vào độ tuổi. Có thể bạn nhỏ tuổi nhưng bạn có độ chín, có trải nghiệm, có những hiểu biết, thì bạn vẫn bắt đầu làm từ những việc nhỏ được. Bây giờ nhiều bạn còn đang đi học ở trường vẫn khởi nghiệp kinh doanh được rồi mà, đã tự kiếm sống, tự tạo ra vật chất, giúp đỡ bố mẹ được rồi mà. Như vậy, tôi xin trả lời rằng bạn nên đặt ra câu hỏi thế này với bản thân mình: Bạn có tinh thần khởi nghiệp hay không? Mỗi người, dù ở độ tuổi nào, cũng nên tự hỏi bản thân mình câu trên. Vì khi bạn có tinh thần khởi nghiệp thì nó sẽ dẫn đắt bạn đến những hành động để khởi nghiệp. Rồi bạn hãy đặt câu hỏi là tại sao bạn muốn khởi nghiệp, tại sao bạn mong muốn điều đó diễn ra? Bạn khởi nghiệp vì những điều gì? Lý do mà bạn bắt đầu? Bạn muốn thành công ở độ tuổi nào? Bạn muốn tạo ra những giá trị vật chất, muốn kiếm tiền…, thì bạn phải trả lời tất cả những điều này với chính bản thân bạn. Hãy tự hỏi mình xem mình khởi nghiệp vì mục đích gì? Thật ra nhiều người khởi nghiệp không tập trung vào tiền đâu. Họ có thể tập trung vào những lĩnh vực không tạo ra tiền ngay, nhưng họ vẫn muốn khởi nghiệp, muốn thử sức, vì họ đam mê, tâm huyết, thai nghén những vấn đề đó, họ muốn làm ngay, để dần dà sẽ tạo được kết quả.

Như vậy thì bạn hãy trả lời những điều như tôi vừa nói. Nếu bạn không có tinh thần khởi nghiệp thì bạn không bao giờ có chí hướng để khởi nghiệp được hết, không bao giờ có sự đam mê để khởi nghiệp, cũng chẳng bao giờ có những hành động đúng đắn trong quá trình khởi nghiệp. Bạn hãy trả lời cho rõ vấn đề từ bên trong bản thân mình, rằng tại sao tôi khởi nghiệp, lĩnh vực mà tôi khởi nghiệp này có thực sự là lĩnh vực mà tôi đam mê không, hoặc tại sao tôi cần khởi nghiệp lúc này, vì tài chính hay vì vấn đề gì khác… Bạn phải liệt kê ra tất cả những điều đó. Nếu bạn trả lời được tất cả thì bạn khởi nghiệp thôi, vì mọi thứ hội tụ đầy đủ rồi.

Nên tôi không thể có lời khuyên cụ thể là lúc nào thì bạn nên quyết định khởi nghiệp. Lúc độ chín trong con người của bạn đã có, và lúc mà mọi thứ đã đủ đầy trong con người bạn về tinh thần khởi nghiệp, thì lúc đó là thời điểm của bạn. Thời điểm bạn ra quyết định là vận mệnh được hình thành. Bạn có thể khởi nghiệp lúc nào cũng được, tùy bạn. Tôi U60 vẫn khởi nghiệp. Nhiều người có thể nói là chị đó già rồi còn khởi nghiệp. Nhưng tôi muốn khởi nghiệp trở lại, thì với tôi, thời điểm khởi nghiệp của tôi là đúng mà. Tóm lại, việc khởi nghiệp không phụ thuộc vào độ tuổi, mà vào tinh thần, ý chí, nghị lực, vào sự ra quyết định. Đó chính là thời điểm của mình.

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 5

Tác giả Lê Hoa Chi và con gái Nguyễn Như Hà - Tiến sĩ Xã hội học, Hoa hậu Trí tuệ cuộc thi Hoa hậu Duyên dáng Hoàn Vũ 2022.

Chị có thể trả lời câu này cho các bạn trẻ không: Điều đầu tiên bạn cần tính đến khi khởi nghiệp là gì?

Chị Lê Hoa Chi: Câu trên đã trả lời được một phần câu này rồi, nhưng tôi sẽ bổ sung thêm một chút. Đó là tất cả phụ thuộc vào chính bạn thôi. Mọi quyết định đều là ở bạn. Và mọi thời điểm xảy ra cũng phụ thuộc vào chính việc bạn ra quyết định thôi. Đó được gọi là thời điểm khởi nghiệp, được gọi là điều đầu tiên của khởi nghiệp. Nếu bạn không trả lời được rõ vì sao bạn ra quyết định khởi nghiệp thì làm sao bạn nói đến việc bắt đầu được. Nên điều đầu tiên là tôi muốn quay vào chính con người bên trong của mỗi chúng ta thôi. Bạn thực sự có được sự chuẩn bị rõ ràng về tinh thần khởi nghiệp hay chưa? Đó là tính chủ động đấy. Bạn muốn khởi nghiệp cái gì thì bạn đã sẵn sàng chưa? Sẵn sàng trả giá chưa? Mọi thứ phải sẵn sàng với bạn thì lúc đó là thời điểm. Nếu đã sẵn sàng rồi thì đâu ai ngăn cản bạn được? Sẽ không ai ngăn cản được, không ai làm bạn lùi bước được hết, kể cả là người thân. Vì bạn dám quyết định, dám chịu trách nhiệm với quyết định đó. Lúc đó thì mới nói chuyện khởi nghiệp mạnh mẽ được.

Cho nên với những người trẻ bây giờ cũng vậy, nếu bạn đang đi học ở nhà trường mà sớm phát hiện ra mình có những năng khiếu hay năng lực thì rất tốt, ví dụ bạn có khiếu văn chương, viết lách, thì bạn có thể trở thành cộng tác viên trước khi học báo chí được mà; hoặc bạn có khiếu kinh doanh thì bạn vẫn có thể tổ chức một việc kinh doanh nho nhỏ cho mình, vừa học vừa kiếm tiền được mà. Tóm lại, bạn phải hiểu rất rõ con người của bạn, về những sở trường sở đoản, những năng lực, tài nguyên bên trong bạn, về những gì mà bạn nghĩ nếu bạn làm thì bạn sẽ thành công. Hiểu hết rồi thì bạn khởi nghiệp đi chứ, vì bạn tự tin mà. Nên điều đầu tiên là hãy trả lời được những câu hỏi xác đáng cho mình, thì sẽ khởi nghiệp được.

Theo chị, yếu tố quyết định thành công là gì?

Chị Lê Hoa Chi: Theo tôi, một trong những yếu tố quyết định thành công của một doanh nhân là không từ bỏ, đã ra quyết định là không từ bỏ. Đây là điều mà tôi đã chiêm nghiệm trong suốt hành trình cuộc đời mình. Ngay từ thời ấu thơ khốn khó, tôi đã từng muốn bỏ học rồi, không phải do học không được mà do tôi nghĩ là mình cần hy sinh cho các em, nhưng rồi tôi nghĩ mình bỏ học thì mọi cái nó dang dở, mọi giấc mơ của mình cũng chấm dứt. Cho nên tôi phải vượt qua, không từ bỏ tinh thần học tập, không từ bỏ giấc mơ tiếp tục học, dù khó, dù khổ. Cho nên, xuyên trong hành trình làm doanh nhân, có nhiều người xới vấn đề lên rồi, bắt đầu khởi nghiệp, khởi động kinh doanh rồi, nhưng rồi gặp vướng mắc, gặp trở ngại, gặp vấn đề này kia, thì họ quay về đổ thừa cho hoàn cảnh, lại nói mình không có khả năng… Đúng ra, thay vì thế, mình phải tìm ra được nguyên nhân, được vấn đề, và tập trung vào giải pháp để giải quyết vấn đề. Tức là mình vẫn tiếp tục hành động, vẫn đi tiếp, phải nhận diện ra được là mình đang còn yếu, thiếu cái gì, để mình học, mình bồi dưỡng. Một khi không từ bỏ giấc mơ, hành trình của mình, thì chắc chắn sẽ thành công.

Tôi cũng muốn nói thế này, trong kinh doanh network, đa phần mọi người thường từ bỏ từ khi mới bắt đầu, nên có thành công đâu. Làm sao họ nhìn thấy thành công được? Làm sao họ nhìn thấy kết quả của bản thân và của nhiều người được? Người ta không chứng thực được điều đó trên hành trình, vì họ “đào ngũ” rồi. Cho nên tôi có một câu tâm đắc: Khi ra trận, nếu không chết thì có ngày sẽ thành tướng. Tức là bạn cứ kiên trì chiến đấu hết mình đi, cứ làm việc, nỗ lực đi, chứ nếu bạn bỏ cuộc thì làm sao thành công? Nên người ta phải vượt qua được những trở ngại, chông gai, khó khăn thì mới thấy được sự can trường của một doanh nhân. Có câu: “Thương trường như chiến trường”, tôi nghĩ không phải nói về sự cạnh tranh, mà là thương trường đòi hỏi ở mình tinh thần chiến binh. Tinh thần chiến binh khi bạn ra trận nó sẽ thế nào? Vì trong kinh doanh cũng có những khó khăn gian khổ như vậy. Một doanh nhân cũng nhiều lúc phải trăn trở, phải lo cho nhiều con người. Họ có rất nhiều thứ phải đối đầu. Nhưng có nhiều việc mà nếu bạn bỏ cuộc thì giấc mơ của bạn dang dở, kết quả không đến, lại còn kéo theo nhiều hệ lụy. Nên tôi nói rằng, là doanh nhân, bạn có rất nhiều lĩnh vực để khởi nghiệp kinh doanh, và nếu bạn đã lựa chọn rồi thì bạn hãy thực sự dành cả tâm huyết, cả tình yêu, đam mê, sự kiên trì học hỏi khám phá… cho nó. Cũng một lĩnh vực nhưng tại sao có người thành công rực rỡ, có người thất bại? Mà nói cho cùng, cũng có nhiều góc độ để nhìn nhận thành công. Có những doanh nghiệp chưa phải là lớn nhưng có uy tín, doanh nhân vẫn tận tâm phục vụ khách hàng, kiên trì trên hành trình xây dựng nhân hiệu, thì họ vẫn có một lượng khách hàng tốt. Môi trường kinh doanh rộng mở cho rất nhiều người, hà cớ gì mà bảo không có chỗ chen chân? Nên sự thành công ở đây đều phụ thuộc vào bản thân mỗi người thôi. Tâm thế của một doanh nhân như thế nào, sự can trường của một doanh nhân như thế nào? Đứng trước khó khăn, họ sẽ vượt qua như thế nào? Rồi sự kiên trì, hành trình họ lựa chọn như thế nào? Nói đến hết những điều đó thì mới nói đến hai chữ thành công, chứ không thể nào mà một sớm một chiều được.

Tất cả mọi chuyện trong cuộc đời tôi đều gắn liền với sự kiên trì, đều rất dài, đều do tôi không bỏ cuộc, không từ bỏ giấc mơ của mình. Với giấc mơ làm báo, phải ở miền núi 15 năm tôi vẫn ở, trong khi nhiều người bỏ cuộc đi về từ rất sớm vì không chịu được. Rồi tôi tiếp tục hành trình từ làm lãnh đạo xuống làm lính, cũng làm 10 năm. Bạn có biết quy luật 10.000 giờ không? Từ 7 - 10 năm là khoảng thời gian của quy luật 10.000 giờ. Người ta đã đúc kết rồi, nếu bạn làm việc gì đủ 10.000 giờ bạn có thể trở thành chuyên gia lĩnh vực đó.

Người ta hay nhắc đến đời sống vật chất và tinh thần. Hai cái này phải song song, bổ trợ cho nhau. Nhiều lúc con người ta làm chưa vì tiền mà vì tinh thần. Tinh thần nằm bên trong con người, được vun đắp, bảo vệ từ bên trong, không phải là vật chất mà cân đong đo đếm được. Tinh thần nằm ở khí chất, suy nghĩ của bạn. Bạn có khí chất đó rồi thì kiểu gì bạn cũng thành công, lĩnh vực nào cũng thành công.

Hành trình lên núi & xuống núi của một triệu phú tự thân ảnh 6

Chị đã làm việc với nhiều cộng sự trẻ, chị có chia sẻ gì với tư cách một người đi trước, có trải nghiệm, để giúp họ có thể thành công trong việc khởi nghiệp hoặc kinh doanh của họ?

Chị Lê Hoa Chi: Người Nhật có một nguyên tắc để sống tươi trẻ khỏe khoắn, dù bạn ở lứa tuổi nào, là chơi với người trẻ và trò chuyện với người già. Đây là điều tôi đã đọc được ở đâu đó. Câu này khiến tôi cảm thấy rất vui và luôn có năng lượng. Nguyên tắc sống của tôi là cũng hay nói chuyện với người già. Tôi sẵn sàng lắng nghe người già kể chuyện trên trời dưới biển hàng giờ liền, chuyện từ quá khứ đến tương lai, tôi vẫn kiên trì ngồi nghe. Tôi cũng có những người bạn lớn tuổi. Họ hay kể về thời xa xưa, thời khổ cực. Mà tôi là người luôn trân trọng ký ức, nhìn vào ký ức để biết ơn khi cuộc đời mình đạt được những kết quả như hiện nay. Hơn nữa, khi nghe những người lớn tuổi kể chuyện thì tôi chiêm nghiệm được nhiều điều. Ngoài ra, tôi thích chơi với những người trẻ, vì tôi sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành sau hòa bình, có nhiều thiệt thòi về học vấn, về công nghệ thông tin, về tri thức… Dù tôi biết là các bạn trẻ thì không có những trải nghiệm, nền tảng như tôi, nhưng tôi luôn giữ tinh thần là chơi với người trẻ để khám phá phiên bản trẻ, năng động, có thể giúp ích được cho mình trong công việc, trong cuộc sống. Và tôi luôn lắng nghe những người trẻ, nghe họ tâm sự, bày tỏ quan điểm, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của họ. Vì vậy mà có rất nhiều bạn 19 tuổi cũng gọi tôi bằng chị chứ không phải bằng cô. Ngày nào các bạn đó không thấy bài của chị Chi trên Facebook là nhắn tin ngay. Rất nhiều bạn hay tâm sự với tôi hằng ngày, chính vì mình hiểu họ, mình thấu cảm, mình nói ngôn ngữ của họ. Thế nên họ mới chia sẻ với mình mọi thứ. Còn về phần tôi thì nếu có những lĩnh vực mình chưa giỏi như về CNTT thì mình sẵn sàng hỏi họ như một người bạn.

Tôi rất vui khi ở độ tuổi này, tôi vẫn có những người bạn lớn tuổi và rất nhiều người bạn trẻ tuổi, nói chung là ở nhiều thế hệ, nhiều độ tuổi, từ các bạn học sinh trung học, sinh viên đại học, đến các bạn mới ra trường, các bạn tuổi 30 - 40… Năng lượng trẻ đó có sự cộng hưởng rất nhiều trong tôi.

Khi tôi bắt đầu vào làm kinh doanh network thì cũng làm việc với rất nhiều người trẻ, nhiều 9x, 8x… 70% số người trong hệ thống của tôi là người trẻ, và thực sự khi được làm việc với người trẻ thì tôi mới thấy được rằng, họ là những thế hệ được sinh ra khi đất nước đã phát triển, hội nhập rồi, và sự khẳng định của họ trong mọi lĩnh vực đều rất tuyệt vời. Họ thực sự là may mắn khi được sinh ra ở thời điểm mà mọi thứ gần như hoàn hảo về vấn đề vật chất và điều kiện môi trường. Con thứ hai của tôi là Quỳnh cũng vậy, được sinh ra ở thời điểm bố mẹ không phải quá khó khăn nữa, ăn ngon mặc đẹp rồi… Nhưng tôi muốn nói rằng, với người trẻ, họ vẫn có nhiều thử thách trong giai đoạn này và cũng rất dễ đi chệch hướng, nếu họ không có hiểu rõ bản thân mong muốn gì trong cuộc sống này, không định vị họ là ai trong cuộc sống này. Nếu thế thì họ có thể gặp những hệ lụy, thậm chí bất hạnh. Bây giờ mọi thứ gần như thương mại hóa rồi, nên họ không phải nếm trải khổ cực để thấy được cái giá trị nữa. Nên tôi nghĩ, nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ thì tôi nghĩ là các bạn hoàn toàn có thể tự hào khi sống ở thời hội nhập quốc tế, là công dân toàn cầu rồi, đây là một lợi thế. Nhưng nó cũng sẽ định vị rất rõ về nhân hiệu của từng người, tức là tính cá nhân hóa. Đây là thời điểm của cá nhân hóa, cũng là thời điểm để bạn viết nên câu chuyện của chính bản thân bạn, hoặc bạn không là ai cả. Ở đây rõ ràng có sự thử thách. Dù bạn là con nhà khá giả nhưng bạn không có thực lực thì cũng có thể chẳng là ai trong cuộc đời này. Cơ hội dành cho tất cả mọi người, cho mọi người trẻ, nếu bạn sống tử tế, bạn phát triển hoàn thiện bản thân, có lý tưởng, có tinh thần phụng sự và cống hiến, nếu bạn có giấc mơ rõ ràng, thì bạn hoàn toàn có thể khẳng định bạn là ai trong cuộc sống này, bạn hoàn toàn có thể là niềm tự hào của xã hội, của dân tộc, của quốc gia, là người con hiếu thảo của gia đình. Còn lại là do bạn quyết định, bạn hành xử thế nào, có thái độ ra sao… vì xã hội cũng đang cho bạn sự tự do mà. Nhưng sự tự do cũng tác động đến nhiều người trẻ. Nên tôi mong muốn những người trẻ cần phải sớm định vị mình. Bây giờ, hơn lúc nào hết, bạn cần có nhân hiệu, cần định vị, cần xây dựng cho mình một hình ảnh.

Còn với các bậc ba mẹ, các bạn đặt cho con các bạn mọi thứ ở vạch đích hết rồi, nên nếu có xảy ra điều gì đó thì chính các bạn phải là người trả lời trước chứ đừng đổ thừa cho ai. Trách nhiệm của ba mẹ rất quan trọng, vì bạn sinh ra con chứ đâu phải ngược lại. Bạn phải dẫn dắt cuộc đời con, phải vẽ con đường đúng đắn. Chẳng hạn, tại sao ba mẹ không giáo dục giới tính cho con sớm đi, để trong việc yêu đương hôn nhân thì con vẫn biết cách để bảo vệ bản thân.

Lời khuyên của tôi với những người trẻ là bạn phải thấu hiểu bản thân bạn mong muốn gì và phải tự định vị bạn là ai, và bạn hãy đi theo những tiếng gọi đó, theo đó để hành xử, hành động, thì bạn sẽ sớm trở thành những con người có giá trị.

Tức là trong tất cả mọi tình huống, mình đều phải có sự chuẩn bị, sự chủ động. Chứ không phải cứ có tiền chu cấp cho con là đủ rồi. Với những bạn trẻ mà bố mẹ không đủ hiểu biết để lấp đầy thì mình phải tự đọc sách để lấp đầy chứ. Mình phải tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực để lấp đầy chứ. Phụ huynh và con cái đều không thể đổ thừa cho nhau được, vì cuộc sống này có quá nhiều thử thách. Ba mẹ có áp lực về việc kiếm tiền, lo toan đáp ứng cuộc sống cho con. Con cái thì cũng có những áp lực của việc bước ra ngoài kia, trong cộng đồng cũng đang có những mối đe dọa. Vì vậy, ba mẹ cũng phải tự phát triển bản thân để giáo dục con. Giới trẻ thì phải sớm định vị mình là ai. Nếu mình định vị mình là người thành công thì mình đọc sách thành công, tìm đến nói chuyện với những người thành công. Nếu mình định vị mình là người nhiều năng lượng thì tự nhiên mình thu hút những người có năng lượng tích cực. Tự mình sẽ định vị mình. Nên lời khuyên của tôi với những người trẻ là bạn phải thấu hiểu bản thân bạn mong muốn gì và phải tự định vị bạn là ai, và bạn hãy đi theo những tiếng gọi đó, theo đó để hành xử, hành động, thì bạn sẽ sớm trở thành những con người có giá trị. Mà trước khi thành công thì đừng có phấn đấu trở thành người thành công mà hãy phấn đấu để trở thành người có giá trị đi đã. Khi bạn không có gì, không có tiền thì mình vẫn trở thành người có giá trị được mà. Bạn đừng có tự ti về hoàn cảnh của bạn rằng mình không thể trở thành người có giá trị, cũng đừng tự kiêu vì những gì mình đang có để rồi lại trở thành người không có giá trị. Tất cả đều nằm ở cách ứng xử, thái độ sống của mình. Dù bạn là ai, ở độ tuổi nào, nếu bạn có thái độ sống đúng đắn, tích cực, thì bạn vẫn thu hút được những điều tốt đẹp và vẫn tạo ra tương lai tốt đẹp cho cuộc đời của bạn.

Cảm ơn chị.

Ảnh: Hải Nam

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên: 'Thanh niên luôn được coi là chủ thể quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN'

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên: 'Thanh niên luôn được coi là chủ thể quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN'

SVVN - 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' 2021 Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên có mặt tại Học viện Ngoại giao để tham dự chương trình đối thoại giữa Tổng Thư ký ASEAN với thanh niên ASEAN về chủ đề 'Thanh niên ASEAN - Tương lai ASEAN: Vai trò của Thanh niên trong việc định hình tương lai ASEAN'. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ 'Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024'.
Bạn trẻ Sài Gòn mê mẩn bởi đồng cỏ lau Làng Đại học Thủ Đức đang mùa bung nở

Bạn trẻ Sài Gòn mê mẩn bởi đồng cỏ lau Làng Đại học Thủ Đức đang mùa bung nở

SVVN - Cánh đồng cỏ lau tại Làng Đại học Thủ Đức đang đua nhau bung nở, rực rỡ một màu trắng muốt, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, lãng mạn. Ngay sau khi lan truyền trên mạng xã hội, cánh đồng cỏ lau nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng, thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp.
Mãn nhãn, xúc động với 'biên niên sử' về lực lượng Cảnh sát Cơ động

Mãn nhãn, xúc động với 'biên niên sử' về lực lượng Cảnh sát Cơ động

SVVN - Chương trình nghệ thuật '50 năm Cảnh sát Cơ động - Những chặng đường vinh quang' là một trong những hoạt động văn hóa, nghệ thuật điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Cơ động (15/4/1974 – 15/4/2024). Chương trình nói về lực lượng Cảnh sát Cơ động từ những ngày đầu mới thành lập, trải qua các giai đoạn trưởng thành, phát triển cho đến hôm nay.
Muôn kiểu tránh nóng của sinh viên TP. HCM

Muôn kiểu tránh nóng của sinh viên TP. HCM

SVVN - Những ngày này, nhiệt độ tại TP. HCM luôn ở mức cao, phổ biến từ 37 - 39 độ C. Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt khiến nhiều sinh viên tìm cách “chạy trốn”. Từ che chắn đến “ẩn nấp” ở thư viện, quán cà phê... đều được sinh viên áp dụng để chống chọi với cái nắng khắc nghiệt.
Hành trình theo ‘dấu chân mặt trời’ của 2 nữ runner 'Top 8 vận động viên phong trào cự ly HM' hướng tới ‘TPM 2024’

Hành trình theo ‘dấu chân mặt trời’ của 2 nữ runner 'Top 8 vận động viên phong trào cự ly HM' hướng tới ‘TPM 2024’

SVVN - Không chỉ là hai trong 8 runner nữ có vinh dự được xếp pen E (Elite) chung với tuyển quốc gia tại "Giải Vô địch Quốc gia và Cự ly dài báo Tiền Phong" (Tiền Phong Marathon - TPM) lần thứ 65, năm 2024, tại Phú Yên, Nguyễn Thị Hưởng và Lê Thị Lai còn được biết đến là hai nữ runner có tiếng trong làng chạy phong trào, cùng nhiều thành tích cao ở các giải chạy lớn, nhỏ.
Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

Cựu sinh viên Nhân văn nhắn nhủ sinh viên Nhân văn trước ngưỡng cửa thế giới việc làm

SVVN - Anh Nguyễn Văn Đạt có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Thế giới di động, đang là Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần Thời trang YODY. Anh là 1 trong số 5 diễn giả khách mời tại talkshow "Chuyển đổi việc làm: Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp" do trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội tổ chức. Đây là chia sẻ của anh dành riêng cho chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong.
Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

Gen Z sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả?

SVVN - Tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", diễn ra ở trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TP. HCM), ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM cho biết: “Theo thống kê của Google vào tháng 6/2023, gần 80% người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, thời lượng trung bình là 3 giờ đồng/ngày”.