'Điểm danh' 4 điểm cầu Chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2023'

SVVN - Bốn điểm cầu của trận Chung kết cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia' năm thứ 23 được Ban Tổ chức lựa chọn đều gắn liền với lịch sử cũng như ý nghĩa tại các tỉnh, thành phố.
'Điểm danh' 4 điểm cầu Chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2023' ảnh 1

Tượng đài Thánh Gióng là một công trình điêu khắc tọa lạc trên đỉnh núi Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Tượng đài được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương - một vị thánh trong truyền thuyết Việt Nam. Đây là một trong những công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao tới đỉnh là 11,07m với độ vươn ra là 16m, trọng lượng ước tính 85 tấn. Tượng được đặt trên đỉnh Vệ Linh - đỉnh cao nhất của núi Sóc, với độ cao tuyệt đối của nơi đặt tượng sau khi hoàn thành cải tạo là 297m.

Tượng mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây và hào quang, thể hiện rõ tính "động" cho bức tượng. Tượng được đặt hướng về phía Nam, được cho là để thể hiện Thánh Gióng đang hướng về quê mẹ ở phương Nam (Phù Đổng, Gia Lâm), đồng thời đang trông coi bờ cõi của toàn nước Việt. Ảnh: OLYMPIA

'Điểm danh' 4 điểm cầu Chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2023' ảnh 2

Trường THPT chuyên Quốc học Huế thành lập vào ngày 23/10/1896, Quốc Học là ngôi trường THPT lâu đời thứ ba tại Việt Nam sau Collège Chasseloup-Laubat (thành lập năm 1874; tức trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Hồ Chí Minh) và Collège de Mỹ Tho (thành lập năm 1879; tức Trường Nguyễn Đình Chiểu TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Trường Quốc học nổi tiếng bởi kết quả học tập xuất sắc của học sinh, trình độ của giáo viên. Hiện nay, trường được chính phủ Việt Nam chọn để xây dựng thành một trong ba trường phổ thông trung học chất lượng cao của Việt Nam (cùng với trường THPT Lê Hồng Phong tại TP. Hồ Chí Minh, trường THPT Chu Văn An tại Hà Nội). Ảnh: OLYMPIA

'Điểm danh' 4 điểm cầu Chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2023' ảnh 3
Quảng trường Lam Sơn được xây dựng năm 2005 tại phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá), là nơi hội tụ, tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội, các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, triển lãm, hội chợ của tỉnh.

Quảng trường được thiết kế hiện đại phù hợp với mỹ quan kiến trúc đô thị. Đến đây du khách dễ dàng bị cuốn hút bởi không gian rộng, thoáng mát, sân khấu hoành tráng, hệ thống ánh sáng và đài phun nước muôn màu thu hút và lôi cuốn người xem. Vườn hoa, cây cảnh sạch đẹp bố trí hợp lý, sinh động đã tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh. Quảng trường trở thành chốn quen thuộc, nơi giao lưu văn hóa, xã hội của mọi lứa tuổi, tận hưởng không khí mát lành, thoáng đạt, quây quần trò chuyện hoặc thể hiện sự sáng tạo của mình qua những bức tranh cát, bức tượng thạch cao… tất cả đã thể hiện sức sống mới của thành phố. Ảnh: OLYMPIA

'Điểm danh' 4 điểm cầu Chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia 2023' ảnh 4
Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là các công trình kiến trúc – văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay tại quê nội của ông là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.

Khu di tích này là nơi có những địa dấu nổi tiếng đã đi vào sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm như Trung Tân quán và Bạch Vân am (từ đó mà ông có danh xưng Bạch Vân am cư sĩ). Ngày 7/1/2016 (tức ngày 28/11 năm Ất Mùi), tại Khu di tích Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, UBND TP. Hải Phòng đã trọng thể kỷ niệm 430 năm ngày mất của ông và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt do Chính phủ trao tặng. Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của Hải Phòng, sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng vào năm 2013. Ảnh: OLYMPIA

Tin liên quan