ĐHQG TP. HCM kết luận việc 11 giảng viên Hàn Quốc học tố cáo Trưởng khoa

0:00 / 0:00
0:00
ĐHQG TP. HCM kết luận việc 11 giảng viên Hàn Quốc học tố cáo Trưởng khoa
SVVN - Hầu hết những vấn đề nêu trong đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, được ĐHQG TP. HCM kết luận là không đúng.

Không đủ cơ sở

TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP. HCM vừa ký thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo đó, đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyên quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến.

ĐHQG TP. HCM nhận thấy, 11 giảng viên ký tên trong đơn kiến nghị và trưởng khoa Hàn Quốc học đều là những giảng viên có tâm huyết với trường, với khoa, luôn mong muốn xây dựng một khoa Hàn Quốc học vững mạnh và ngày càng có uy tín.

Trong quá trình điều hành, quản lý, Trưởng khoa có lập kế hoạch; trao đổi với người đồng cấp theo công việc phụ trách; tham vấn ý kiến từ quản lý cấp trên và các chuyên gia có kinh nghiệm.

Và theo tính chất công việc, tùy từng tình huống, Trưởng khoa tiến hành trao đổi với các giảng viên trong khoa hoặc đưa vấn đề ra thảo luận trong toàn khoa.

Trưởng khoa Hàn Quốc học thể hiện là một người tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định, quy trình của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu.

ĐHQG TP. HCM kết luận việc 11 giảng viên Hàn Quốc học tố cáo Trưởng khoa ảnh 1

ĐHQG TP. HCM kết luận việc 11 giảng viên Hàn Quốc học tố cáo Trưởng khoa.

Tuy nhiên, chính những yếu tố “tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu” đã khiến Trưởng khoa đôi khi bị cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự.

Trưởng khoa đã quan tâm đến việc lắng nghe nhưng cách thể hiện lại chưa đủ tinh tế, chưa tạo được một không gian phù hợp để các bên thoải mái chia sẻ, và đôi khi chưa thể kiểm soát được những cảm xúc bộc phát không phù hợp.

ĐHQG TP. HCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, Trưởng khoa cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự việc này để có những cải tiến tốt hơn trong quản lý và điều hành công việc của khoa.

Về việc bổ nhiệm Trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, theo kết luận của Giám đốc ĐHQG TP. HCM, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện theo sự phân cấp của ĐHQG TP. HCM về thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí quản lý của đơn vị.

Trường đã ban hành các quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí quản lý và triển khai việc bổ nhiệm các vị trí quản lý một cách công khai, dân chủ từ Đảng ủy cơ sở đến Chi ủy của khoa, Ban Chủ nhiệm khoa và tập thể giảng viên khoa Hàn Quốc học.

Đối với trường hợp bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm Trưởng khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị.

Đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học, ĐHQG TP. HCM xét thấy không đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học.

Tuy nhiên, với vai trò là Trưởng khoa, bà Nguyễn Thị Phương Mai cần xem xét, nghiên cứu kĩ các quy định hiện hành để ban hành các văn bản cụ thể hóa cách thức điều hành, quản lý và công khai tài chính tại đơn vị.

3 nhóm vấn đề

Trước đó, 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM) đã có đơn tố cáo trưởng khoa Hàn Quốc học lên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và ĐHQG TP. HCM.

Theo đó, ở lần kiến nghị thứ nhất (15/10/2020), nhóm giảng viên phản ánh 3 vấn đề, trong đó có việc “bổ nhiệm thần tốc” chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định pháp luật hiện hành đối với Trưởng khoa.

Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có công văn gửi Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM), ngày 19/10/2020, để xem xét, gửi kết luận về Thanh tra Chính phủ.

“Sau 51 ngày làm việc, sự phản ánh của chúng tôi không được nhà trường giải quyết thỏa đáng, một số nội dung được kết luận phiến diện, một số nội dung gây tổn hại danh dự cho giảng viên, điều này gây bức xúc đến mức tập thể làm đơn nghỉ việc”, đơn kiến nghị lần 2 của nhóm giảng viên nêu.

Ngày 28/12/2020, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có kết luận do bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ký, về các nội dung kiến nghị, phản ánh đối với bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học.

Theo kết luận này, việc phản ánh thứ nhất, nhà trường bổ nhiệm bà Mai không đúng quy định, dựa vào những tiêu chuẩn, điều kiện, là sai.

“Việc bổ nhiệm bà Mai giữ chức Phó Trưởng khoa Hàn Quốc học, sau đó là Trưởng khoa đã được thực hiện đúng quy trình gồm các bước như tập thể khoa Chi ủy khoa đề nghị giới thiệu bằng văn bản, lấy ý kiến tín nhiệm công khai minh bạch, kết quả giới thiệu nhân sự được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ trường và báo cáo ĐHQG TP. HCM.

Việc bà Mai có chồng người Hàn Quốc và có 2 con quốc tịch Việt Nam - Hàn Quốc là không trái quy định pháp luật. Các quy định về bổ nhiệm viên chức không cấm việc bổ nhiệm viên chức quản lý đối với công dân Việt Nam có 2 quốc tịch. Do vậy nhà trường không làm trái pháp luật khi bổ nhiệm bà Mai, người có 2 quốc tịch.

Việc bà Mai có 4 người con, thì Nghị định 176/2013 đã bỏ quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức sinh con thứ ba trở lên. Bà Mai không vi phạm những điều viên chức không được làm, do vậy nhà trường không làm trái luật khi bổ nhiệm bà Mai.

Đối với phản ánh thứ hai xoay quanh việc bà Phương Mai thiếu dân chủ trong quản lý điều hành, yếu năng lực quản lý, lãnh đạo, nhóm giảng viên nêu tới 23 vấn đề. Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn kết luận trong nội dung phản ánh này, có 5/23 vấn đề phản ánh đúng, 7/23 vấn đề phản ánh đúng một phần, 11/23 vấn đề phản ánh sai.

Về nội dung phản ánh thứ ba là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa, gồm huy động nguồn tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất nhưng không công khai tài chính được kết luận là phán ánh đúng một phần.

Việc nhóm giảng viên cho rằng Trưởng khoa tự ý cho phép công ty của một giảng viên Hàn Quốc gần gũi thân thiết với mình chiếm dụng, sử dụng Văn phòng Khoa vào mục đích cá nhân là phản ánh không đúng sự thật.

Nhà trường kết luận, nội dung phản ánh thứ ba có một nội dung phản ánh đúng một phần, một nội dung phản ánh sai.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

SVVN - ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã có buổi chia sẻ với các bạn học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q. 5, TP. HCM) về chủ đề “Over thinking của GenZ: Làm sao để vượt qua?”. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 15/5.