Ảnh hoạt hình AI phong cách Ghibli, đạo đức và văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Trước cơn sốt tạo ảnh AI mang phong cách Ghibli trên mạng xã hội, hai giảng viên RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Soumik Parida và Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan, cùng phân tích ảnh hưởng của xu hướng này tới truyền thông và bản sắc văn hóa.

Ảnh AI phong cách Ghibli gây sốt trên mạng như thế nào?

Từ tháng 3, toàn cõi mạng đã ngập tràn hình ảnh AI mang phong cách hoạt hình đặc trưng của Studio Ghibli. Chỉ một giờ sau khi ChatGPT tích hợp tính năng tạo ảnh, nền tảng này đã ghi nhận hơn một triệu người dùng mới trong khi trước đó phải mất tới năm ngày mới đạt được con số này. Lượt tải ứng dụng tăng 11%, người dùng hoạt động hằng tuần tăng 5% và tổng số người dùng vượt mốc 150 triệu. Nguồn cơn đều đến từ cơn sốt trên.

Ảnh hoạt hình AI phong cách Ghibli, đạo đức và văn hóa ảnh 1

Tiến sĩ Soumik Parida (trái) và Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan (phải) tin rằng, giữa những trào lưu toàn cầu, việc giữ vững bản sắc văn hóa vẫn luôn là một lựa chọn đầy sức mạnh. (Hình: RMIT)

Tại Ấn Độ, thị trường phát triển nhanh nhất của ChatGPT, hơn 130 triệu người dùng đã tạo ra hơn 700 triệu hình ảnh. Tại Hàn Quốc, số người dùng hoạt động hằng ngày đạt kỷ lục 1,25 triệu vào đầu tháng 4, một phần được cho là nhờ sự phổ biến của các gợi ý tạo ảnh theo phong cách Ghibli. Những con số này cho thấy công nghệ đang thay đổi cách con người ghi lại cuộc sống thường nhật, giúp họ bước vào một thế giới hoạt hình đầy mộng mơ chỉ với vài dòng lệnh.

Tại Việt Nam, ảnh phong cách Ghibli cũng đã xuất hiện. Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, cũng hào hứng thử nghiệm việc “tái hiện” những địa điểm quen thuộc nhưng xu hướng này không bùng nổ như ở các nước khác. Điều này tạo cơ hội để thương hiệu trong nước suy ngẫm về cách làm thế nào có thể phản ứng thấu đáo với các trào lưu hình ảnh toàn cầu.

Thay vì chạy theo xu hướng, giới sáng tạo và doanh nghiệp Việt có thể tập trung thể hiện bản sắc hình ảnh riêng, lấy từ nét văn hóa phong phú, truyền thống kể chuyện và thẩm mỹ vùng miền của nước mình.

Tiến sĩ Soumik Parida, Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam, cho rằng đây có là điểm mạnh có thể phát huy: “Thay vì chạy theo phong trào, thương hiệu Việt có thể tiếp tục khám phá và đầu tư vào cách kể chuyện bằng hình ảnh riêng. Vấn đề không nằm ở chuyện theo kịp công nghệ, mà là trung thành với ý tưởng sáng tạo”.

Giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp RMIT Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan bổ sung rằng thương hiệu trong nước có thể chọn đi theo một hướng khác, đề cao tính chân thực và chiều sâu. “Những lúc như thế này nhắc nhở chúng ta rằng không phải lúc nào cũng cần chạy theo xu hướng. Đôi khi những câu chuyện có tác động mạnh mẽ nhất lại đến từ việc trân trọng tính độc đáo của riêng chúng ta”, bà chia sẻ.

Khi nghệ thuật từ AI đặt ra câu hỏi về đạo đức và bản sắc

Ẩn sau những hình ảnh quyến rũ được tạo bằng AI là các vấn đề đạo đức phức tạp, bao gồm quyền tác giả hình ảnh, quyền riêng tư dữ liệu và tác động rộng lớn hơn của AI sáng tạo, khi tính thẩm mỹ bị thương mại hóa bởi các thương hiệu toàn cầu. Tiến sĩ Parida và Tiến sĩ Kalidasan đồng tình rằng xu hướng có vẻ vui tươi này thực chất ẩn chứa những vấn đề văn hóa sâu sắc hơn.

“Người ta không chỉ tạo ra hình ảnh phong cách Ghibli cho vui”, Tiến sĩ Parida nhận xét. “Một số thương hiệu đang dùng phong cách này để bán sản phẩm mà không cân nhắc đến bối cảnh văn hóa hay nguồn gốc nghệ thuật của nó”.

Xu hướng này thu hút người dùng vì nó cho phép họ tái hiện cuộc sống thường nhật theo một cách lãng mạn và dễ chịu.

“Nó tạo cơ hội để mọi người nhìn cuộc sống của mình qua một lăng kính mềm mại hơn. Những khiếm khuyết của thực tại được thay thế bằng hình ảnh mơ mộng, trau chuốt”, Tiến sĩ Kalidasan giải thích. “Sự ‘thẩm mỹ hóa’ này cũng đi kèm với rủi ro khi người dùng chia sẻ hình ảnh cá nhân với các nền tảng AI mà không hề suy nghĩ kỹ. Ít ai nhận ra rằng những hình ảnh đó có thể bị lưu trữ, tái sử dụng, hoặc thậm chí dùng để huấn luyện các hệ thống AI trong tương lai”.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng vấn đề không nằm ở việc dùng AI là đúng hay sai, mà là liệu chúng ta có sử dụng nó với nhận thức và trách nhiệm không. Tiến sĩ Parida chỉ ra sự tương phản rõ nét giữa phong cách vẽ tay nguyên tác của Ghibli và cách các thuật toán AI nhân bản hàng loạt phong cách này như thế nào.

“Một cảnh đám đông dài bốn giây trong The Wind Rises phải mất đến 15 tháng vẽ bằng tay. Ghibli không chỉ là hình ảnh mà còn là tinh thần kể chuyện bằng sự kiên nhẫn. AI có thể bắt chước hình thức, nhưng không thể sao lại phần hồn”.

Một số thương hiệu quốc tế đã ứng dụng xu hướng này vào các chiến dịch của họ. Dù vài trường hợp có thể triển khai đúng tinh thần của Ghibli, Tiến sĩ Parida lưu ý rằng phần lớn chỉ dùng hình ảnh một cách hời hợt.

“Nhiều chiến dịch chỉ dừng ở lớp vỏ thẩm mỹ của hình ảnh, mà không kết nối được với triết lý hay nét văn hóa đặc trưng đằng sau chúng”, ông nói.

Tiến sĩ Kalidasan nêu lên mối lo lớn hơn về nguy cơ thẩm mỹ bị đồng hóa trong thế giới số vận hành bằng thuật toán. “Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ bắt đầu giống nhau. Khi Ghibli – hay bất kỳ phong cách hình họa nào – bị sao chép hàng loạt, nó có thể làm lu mờ sự đa dạng của các nền văn hóa hình ảnh của từng địa phương”.

“Bản thân việc chọn không chạy theo trào lưu cũng là một hình thức sáng tạo có trách nhiệm”, Tiến sĩ Kalidasan nhận định. “Đó là lựa chọn của những người làm sáng tạo hiểu rõ bản sắc của mình và không để bị cuốn vào guồng quay thẩm mỹ toàn cầu chỉ vì đó là xu hướng”.

Người làm sáng tạo và giáo dục có thể làm gì?

Tiến sĩ Parida nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đặt ra các câu hỏi đạo đức trước khi vay mượn phong cách hình ảnh của người khác. “Hãy tự hỏi: Ai là người tạo ra phong cách này? Vì sao nó đẹp? Tôi có quyền sử dụng nó không? Tôi có tôn trọng nguồn gốc của nó không hay chỉ tận dụng sự quen thuộc của nó?”, ông nói.

Ông cũng kêu gọi những người làm sáng tạo cần cưỡng lại sự tiện lợi khi sử dụng công cụ AI. “Nếu bạn dùng một công cụ chỉ vì nó đang thịnh hành hoặc dễ dùng, hãy dừng lại. Sáng tạo không phải là đi nhanh, mà là suy nghĩ thấu đáo”, ông nói.

Tiến sĩ Kalidasan thì nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, đặc biệt là các chương trình truyền thông và thiết kế. Bà cho rằng các trường đại học không nên chỉ dạy kỹ năng chuyên môn mà còn cần tập trung xây dựng nhận thức đạo đức.

“Sinh viên phải học cách đặt câu hỏi trước khi sáng tạo: Hình ảnh này đến từ đâu? Nó đại diện cho nền văn hóa nào? Việc sử dụng nó có thể gây tổn thương hoặc xuyên tạc điều gì không? Sáng tạo không nên bị giới hạn nhưng nên bắt đầu từ sự thấu cảm”.

Bà còn cảnh báo về rủi ro khi người dùng chia sẻ dữ liệu khi chưa nắm rõ toàn bộ thông tin trong thời đại AI tạo sinh. “Chỉ vì người dùng đánh dấu ‘đồng ý’ không có nghĩa là họ hiểu hệ quả. Chúng ta cần giúp người dùng đưa ra lựa chọn có hiểu biết, thay vì chỉ chấp nhận những điều khoản mơ hồ”.

Cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng nếu các nền tảng AI không thể tự điều chỉnh một cách minh bạch, thì các nhà sáng tạo, người làm công tác giáo dục, sinh viên và thương hiệu cần đặt ra những giới hạn đạo đức đầu tiên và định hình la bàn đạo đức cho sáng tạo số.

MỚI - NÓNG
Rực rỡ sắc áo dài, giới trẻ nô nức ‘check-in’ Lăng Bác, hướng về Đại lễ 30/04
Rực rỡ sắc áo dài, giới trẻ nô nức ‘check-in’ Lăng Bác, hướng về Đại lễ 30/04
SVVN - Trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, Thủ đô Hà Nội những ngày này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn trẻ nô nức diện lên mình những tà áo dài duyên dáng, ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa, thể hiện lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
CLB âm nhạc K’NN ra mắt với đêm nhạc ‘Tình ca KTX’ nóng hổi tại Ký túc xá Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)
CLB âm nhạc K’NN ra mắt với đêm nhạc ‘Tình ca KTX’ nóng hổi tại Ký túc xá Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)
Tại Ký túc xá Ngoại ngữ, đêm nhạc ‘Tình ca KTX’ đã thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên, giảng viên và khách mời, đồng thời đánh dấu sự ra mắt của CLB Âm nhạc K’NN. Sự kiện không chỉ là một buổi biểu diễn âm nhạc, mà còn là cơ hội để sinh viên nội trú thể hiện đam mê và kết nối với nhau qua âm nhạc.

Có thể bạn quan tâm

Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo – hệ sinh thái tiên phong cho những nghiên cứu đột phá

Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo – hệ sinh thái tiên phong cho những nghiên cứu đột phá

SVVN - Với mô hình tổ chức chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam, Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (ĐHQG Hà Nội), là bước đi chiến lược trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng khoa học có khả năng tạo ra đột phá, thương mại hóa sản phẩm công nghệ Việt và đưa tri thức hàn lâm đến gần hơn với đời sống xã hội.
Thí sinh bắt đầu tập đăng ký thi tốt nghiệp THPT từ ngày 15/4

Thí sinh bắt đầu tập đăng ký thi tốt nghiệp THPT từ ngày 15/4

SVVN - Từ ngày 15 - 18/4, hơn 1,1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào giai đoạn tập dượt đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD - ĐT. Đây là bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giúp các em làm quen với quy trình đăng ký trực tuyến trước khi bước vào đợt đăng ký chính thức diễn ra, từ ngày 21 - 28/4.
Khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc tế 'Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững' lần thứ 2

Khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc tế 'Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững' lần thứ 2

SVVN - Sáng 10/4, Hội nghị Khoa học Quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ 2, năm 2025 (GSETS 2025) đã khai mạc, tại trường ĐH Công nghệ TP. HCM. Nhiều giảng viên, các nhà khoa học trẻ các trường đại học trên cả nước tham dự Hội nghị.