Zó - Đương đại hóa giấy dó

Zó - Đương đại hóa giấy dó
TP - Chịu cảnh thất sủng ở thời công nghiệp nhưng giấy dó chưa đến hồi mạt vận bởi các thành viên của dự án Zó đang lặng thầm bảo tồn và phát triển loại giấy đặc biệt này.

Trần Hồng Nhung gắn với giấy dó một cách tình cờ. Nhiều năm về trước, Nhung và người bạn Việt kiều mong muốn phát triển thư pháp Việt ra thế giới. Cô nhận ra một nền thư pháp đậm hồn Việt phải là sự thăng hoa của con chữ trên chất liệu giấy của riêng người Việt: giấy dó. Thời điểm đó, thân phận giấy dó đã hiu hắt như số lượng nghệ nhân còn bám trụ với nghề.

4 năm theo đuổi giấc mơ giấy dó 


Nhung lặn lội về các làng nghề làm giấy ở Bắc Ninh, Hòa Bình tìm hiểu thực trạng. Nguyên liệu làm giấy khan hiếm, quá trình sản xuất thủ công vất vả, giá thành sản phẩm không cao khiến nghệ nhân không còn mặn mà với nghề. Thực tế ấy khiến Nhung trăn trở.

Zó - Đương đại hóa giấy dó ảnh 1 Trần Hồng Nhung (thứ 3, từ trái sang) và các thành viên dự án

Từng tốt nghiệp quản trị kinh doanh tại Pháp, Trần Hồng Nhung hiểu rằng bài toán mà giấy dó cũng như các nghề thủ công truyền thống đang gặp phải là vấn đề nhu cầu và thị trường. 

Cô nói: “Tôi muốn tìm một phương thức mới trong bảo tồn. Kinh doanh giấy dó không thể giải quyết bằng mô hình thương mại truyền thống mua rẻ bán đắt mà bắt buộc phải bằng mô hình kinh doanh xã hội tính đến bảo tồn vùng nguyên liệu, môi trường và các giá trị văn hóa đi kèm”.

Họa sĩ Dương Hoàng Linh, một người say mê làng nghề truyền thống bị thuyết phục bởi tính bền vững trong bảo tồn của mô hình kinh doanh này. Anh trở thành họa sĩ chính của dự án. Xavier Servas, nhà thiết kế người Pháp cho biết: “Một người bạn nói với tôi về Nhung và những nỗ lực của cô ấy trong bảo tồn giấy dó. Mô hình kinh doanh xã hội là một hướng đi đúng đắn. Vì thế tôi quyết định cộng tác cùng Nhung”.

Nhiều nhà thiết kế, họa sĩ, tình nguyện viên khác đã đồng hành cùng Nhung khi dự án mới chỉ là ý tưởng. Nhung lên đường về các làng nghề thuyết phục nghệ nhân chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhưng mọi chuyện không đơn giản. 

Cô cho biết: “Các vùng làng nghề, đặc biệt là Bắc Ninh đang đô thị hóa nhanh chóng với rất nhiều khu công nghiệp mọc lên. Làm giấy lạc lõng trong lựa chọn mưu sinh của người dân. Những nghệ nhân tâm huyết rất khó tìm người nối tiếp. 

Họ không có động lực lớn để theo đuổi nghề dù hiểu mục tiêu xã hội của mô hình kinh doanh mới. Việc duy nhất chúng tôi có thể làm là thuyết phục họ phục hồi giấy dó với chất lượng như xưa.

Nhưng để nghệ nhân làm điều đó, ngược lại, chúng tôi phải tạo ra nhu cầu thực sự đủ cho các sản phẩm chất lượng như vậy từ thị trường".

Sau hơn 4 năm theo đuổi giấc mơ giấy dó, năm 2013, Trần Hồng Nhung và các cộng sự chính thức thành lập dự án Zó với sự hợp tác của gia đình nghệ nhân Tâm ở Bắc Ninh và gia đình nghệ nhân Chúc ở Hòa Bình.

Với mô hình kinh doanh xã hội, các thành viên của dự án phải giải ngược bài toán bảo tồn. Trước mắt, khâu then chốt và gấp rút nhất là tăng nhu cầu thị trường để nghệ nhân yên tâm tiếp tục làm nghề. Sau khi khắc phục được lỗi từ thị trường, dự án quay lại khôi phục chất lượng giấy và trồng vùng nguyên liệu.

Sổ sách, danh thiếp, lịch… bằng giấy dó

Trong sản phẩm truyền thống, giấy dó gắn bó hữu cơ với các thành tố văn hóa như hội họa dân gian, thư pháp, thư tịch cổ... Với Trần Hồng Nhung, để tăng nhu cầu của thị trường với giấy dó thì phải tăng tính ứng dụng đương đại vào chất liệu giấy này.

Zó - Đương đại hóa giấy dó ảnh 2

Vỏ bao diêm… được làm bằng giấy dó

Và Zó đã cho ra đời những sản phẩm kết hợp giữa tính thực dụng và thẩm mỹ: sổ sách, thiệp chúc, phong bì, danh thiếp, album ảnh, lịch,...

Giấy dó có mặt tại các khách sạn, nhà hàng trong hình hài của sổ hướng dẫn, tấm treo cửa “xin đừng làm phiền”, biển báo “thay chăn ga”, đèn trang trí, tranh treo tường,...Tất cả các sản phẩm trên đều được làm bằng tay. 

Các thành viên dự án: người sáng lập, họa sĩ, nhà thiết kế hay tình nguyện viên đều là những nghệ nhân kì công và tỉ mẩn tạo nên những sản phẩm handmade. Phản hồi tích cực từ thị trường buộc dự án mở rộng quy mô sản xuất. Đầu tháng tám, các thành viên của Zó đã có chuyến thực địa tại Hải Chính (Hải Hậu, Nam Định) để thử nghiệm tập huấn dạy nghề khâu sổ cho phụ nữ ở đây.

Ngoài ra, Zó còn kết hợp với các nghệ sĩ đưa giấy dó vào tác phẩm nghệ thuật mà các chương trình Vũ điệu của giấy, Bữa tiệc của Zó đã phô bày vẻ đẹp của chất liệu này trong các loại hình: sắp đặt, trình diễn, điêu khắc, hội họa...

Sự biến hình của giấy dó trong những ứng dụng đương đại cho thấy, dù dưới hình hài nào, truyền thống hay hiện đại, chỉ cần không đoạn tuyệt các giá trị nhân văn và rời xa những điều tử tế, văn hóa đã tự gọi tên mình trong đó.

Trần Hồng Nhung vẫn đang bộn bề giữa những ý tưởng bảo tồn. Cô ấp ủ dự định tài liệu hóa nghề làm giấy dó và viết sách. 

Zó - Đương đại hóa giấy dó ảnh 3 Sổ được làm bằng giấy dó

Nhung tâm sự: “”Cách đây không lâu, anh Tâm ở làng giấy dó Bắc Ninh gọi điện cho tôi thảng thốt: “Em ơi, anh không còn nguyên liệu dó để làm giấy nữa. Người Trung Quốc sang mua hết gốc dó rồi. Năm nay chán quá! Anh chỉ còn một ít để dành làm giấy Sắc Phong thôi...” 

Tôi lặng đi và cứ tự hỏi mình mãi...Chẳng biết dự án bắt đầu có muộn quá không, chẳng biết sức mình nhỏ bé có thể làm được đến đâu...”.

Với Zó, Nhung và cộng sự muốn thổi sức sống mới vào chất liệu giấy dó bằng sự kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo. Và Zó cũng dễ phát âm hơn đối với người nước ngoài.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.