Yêu nước bằng du lịch

Khuyến khích người Việt du lịch trong nước. Ảnh: Như Ý
Khuyến khích người Việt du lịch trong nước. Ảnh: Như Ý
TP - “Du lịch trong nước là hành động thiết thực đóng góp cho ngành du lịch, cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn khó khăn”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nói về chương trình kích cầu Người Việt du lịch Việt Nam.

Hướng đến biển đảo

“Trong các giai đoạn khó khăn, chính du lịch nội địa là động lực hỗ trợ tăng trưởng ổn định của ngành du lịch. Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm nay được đề xuất trong bối cảnh nhiều thách thức từ căng thẳng trên biển Đông”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói bên lề lễ phát động 7/7.

Thông điệp Người Việt Nam du lịch Việt Nam kêu gọi người dân hướng đến một số điểm trọng tâm, nhất là miền núi, hải đảo, những vùng khó khăn cần động lực phát triển.

Mấy năm gần đây, lượng người Việt có nhu cầu xê dịch tăng lên, nhưng xu hướng ra nước ngoài nhiều hơn. Nhiều công ty chào những tua nước ngoài rẻ hơn nhiều so với gói trong nước. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, khó và không nên so sánh. Bởi trên danh nghĩa, nhiều gói tua nước ngoài rẻ, nhưng số tiền thực mà khách hàng chi tiêu không hề thấp. Nhiều gói tua trong nước giá cao hơn, do sử dụng các dịch vụ cao cấp như vận chuyển, khách sạn 4-5 sao.

“Du lịch nội địa cùng với du lịch quốc tế là yêu cầu khách quan, chính đáng của người dân. Chúng tôi không nghĩ đó là rào cản, càng không có thông điệp nào hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi: Đất nước dài, rộng, đẹp và có nhiều điểm đến để người dân thêm trải nghiệm, hiểu biết và tự hào về quê hương, đất nước”, ông Tuấn lí giải.

Nhiều ưu đãi

Dịp Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam vừa qua, nhiều công ty tung gói tua ưu đãi, do chính sách liên kết với các hãng hàng không giá rẻ, hoặc giảm giá kể cả mùa cao điểm. Kích cầu du lịch từng khá thành công mấy năm trước, giúp du lịch Việt vượt khủng hoảng kinh tế.

Chương trình nhắm đến khách du lịch trong nước lần này, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết sẽ làm việc với các hãng hàng không để giảm giá gói kích cầu nội địa cho từng điểm đến theo chương trình tua; làm việc với các địa phương trọng điểm, đặc biệt với doanh nghiệp, công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở cung ứng dịch vụ để có chính sách giảm giá.

“Chúng tôi dự kiến bàn với Quảng Ninh giảm giá cho khách đi tua Hạ Long - Yên Tử. Đề nghị với các khách sạn, cơ sở lưu trú giảm 25-30%. Công ty CPPT Tùng Lâm cam kết miễn phí cáp treo với người hưu trí, sinh viên, học sinh. Cũng sẽ đề nghị Quảng Ninh giảm giá vé tham quan Vịnh Hạ Long”, ông Tuấn cho biết.

Lãnh đạo ngành cũng nói thêm, sau khi triển khai chương trình này trên toàn quốc, Tổng cục thông qua phản ánh của du khách, địa phương, doanh nghiệp để có các biện pháp xử lí các cơ sở cam kết mà không thực hiện.

Thách thức

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tại Bộ VHTT&DL sáng 8/7, ông Tuấn công bố, 6 tháng đầu năm mặc dù khách Trung Quốc sụt giảm, lượng khách quốc tế vẫn đạt 4,287 triệu lượt, tăng 22%. Tổng thu trực tiếp từ du lịch, không tính vé máy bay là 125 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số khả quan này có được nhờ 5 tháng đầu năm tăng trưởng tốt, chưa bị ảnh hưởng từ căng thẳng biển Đông. Sáu tháng cuối năm mới thực sự cam go, thách thức.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội nói thêm, Hà Nội cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn khách Trung Quốc. “Tuy nhiên, Hà Nội không ngại vấn đề khách Trung Quốc”, ông Động nói. Lãnh đạo Sở trình bày nhiều giải pháp bên cạnh hưởng ứng chương trình kích cầu nội địa: Sớm hoàn thành Khu du lịch quốc gia Ba Vì, khởi động Trung tâm văn hóa du lịch sông Hồng, bảo tồn phát huy tốt các di sản văn hóa. Năm nay là Năm trật tự văn minh đô thị, cũng làm đẹp hình ảnh Thủ đô. Sắp tới, Sở tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh qua một loạt chương trình lớn tại Nhật.

Đại diện Sở VHTT&DL Đà Nẵng khẳng định, Trung Quốc là một trong mười thị trường khách quốc tế quan trọng với thành phố biển này. Từ 15/5 tới nay, khách Trung Quốc giảm, thị trường nói tiếng Hoa như Singapore, Đài Loan, Hong Kong cũng giảm mạnh. “Đà Nẵng chỉ đạo doanh nghiệp, quận huyện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách, không phân biệt đối xử khách Trung Quốc, khẳng định Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn”, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng nói.

Tăng cường xúc tiến với thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được xem là giải pháp cho Đà Nẵng. Đại diện Sở cho biết, địa phương tham gia một số hội chợ quốc tế, phối hợp với một số hãng hàng không. Đà Nẵng đề xuất giảm giá dịch vụ 30-50% để kích cầu du lịch.

“Đối với nội địa, sự chuyển hướng nhanh hơn. Với du khách quốc tế không phải hô là họ vào ngay mà cần truyền thông, chuẩn bị thị trường, nâng cao chất lượng”, Tổng cục trưởng nói.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, ngành đề xuất Bộ VHTT&DL kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.