Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Yêu cầu rà soát hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư 2017

TP - Công văn yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước rà soát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành.

Ngày 9/2, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCD GSNN) Phùng Xuân Nhạ đã có công văn yêu cầu Thường trực HĐCD GSNN ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên. Công văn yêu cầu HĐCD GSNN rà soát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành.

Bộ trưởng- Chủ tịch HĐCD GSNN cũng chỉ đạo: trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành, thường trực HĐCD GSNN phải có báo cáo về HĐCD GSNN. Với những trường hợp này, HĐCD GSNN sẽ kiên quyết không công nhận. Chủ tịch HĐCD GS ngành phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch HĐCD GSNN về kết quả rà soát ứng viên. Kết quả báo cáo gửi về trước ngày 18/2/2018.

Tuy nhiên, theo một tiến sĩ có nhiều bài báo nghiên cứu khoa học tại một trường ĐH, nếu rà soát lại rất có thể các phó giáo sư, giáo sư sẽ vẫn đạt yêu cầu. Vì đó là phần cứng, không có công trình công bố trên tạp chí ISI/Scopus thì họ có công trình công bố trên các tạp chí trong nước theo quy định cho phép. Nhưng có một khía cạnh có thể sẽ cho thấy phần nào chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, đó là trình độ ngoại ngữ. “Theo tôi được biết, có rất nhiều giáo sư, phó giáo sư trình độ ngoại ngữ rất thấp. Nên việc viết bài báo khoa học đối với họ để đăng trên ISI hoặc Scopus rất khó khăn” – vị tiến sĩ cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một vị phó giáo sư đề nghị cần lập mới các HĐCD GSNN dựa theo năng lực chuẩn mực quốc tế (ở mọi ngành có điều kiện), đây là một đòi hỏi cấp thiết nếu thực sự chúng ta muốn đưa khoa học Việt Nam  hội nhập với quốc tế. Ông nêu ra một ví dụ thực tế, một nhà khoa học Vật lý có nhiều công bố quốc tế xuất sắc, mặc dù đã được một Hội đồng ngành đề nghị xét đặc cách chức danh giáo sư, nhưng lại bị HĐCD GSNN bỏ phiếu bác chỉ vì thiếu điểm ở tiêu chí viết sách. Trong khi đó, một nhà cơ học trẻ khác, mặc dư luận trong ngành cho là chưa đủ năng lực, viết nhiều sách làng nhàng, lại được xét duyệt giáo sư.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nhiều thành viên của  HĐCD GS ngành cũng không có bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

MỚI - NÓNG