Cơ chế đặc thù tài chính, ngân sách cho Hà Nội:

Yêu cầu cấp bách để phát triển hạ tầng

TP - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội 5 năm trước tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ đạt khoảng 4%. Do vậy, thành phố đang rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để tăng đầu tư vào hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông…
Đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thưởng bằng tiền đi vay thì rất khó

Chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, cơ chế đặc thù mới này không tạo điều kiện hơn cho thủ đô mà có nguy cơ gây khó khăn.

Đề cập đến các khoản thu vượt dự toán Hà Nội được hưởng 100%, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhìn vào thì thấy có một số khoản Thủ đô được hưởng như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,  hàng xuất khẩu… Nhưng không hiểu Thủ đô có được quản lý thu không, vì việc này lại thuộc Tổng cục Hải quan. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích rằng, khi địa phương thu vượt dự toán thì được thưởng và dùng tiền đó đầu tư trở lại, nhưng với điều kiện ngân sách trung ương vượt thu. Tuy nhiên theo ông Dũng tình hình ngân sách trung ương hiện đang rất khó khăn. Như năm 2016, đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương vượt thu rất lớn, tuy nhiên ngân sách trung ương mới đạt được 83,6%.

Dù rất chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, với giá dầu hiện nay và lộ trình cắt giảm thuế quan, vài năm tới ngân sách trung ương càng khó khăn để cân đối. “Nếu thưởng trong bối cảnh ngân sách khó khăn và thưởng bằng tiền đi vay thì rất khó, bội chi, nợ công sẽ tăng lên…”, ông Đinh Tiến Dũng lo ngại.

Nhu cầu cấp bách trong đầu tư hạ tầng

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội 5 năm trước tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ đạt khoảng 4%. Hà Nội đã nhìn thấy thảm họa đang tiến dần đến mình mà không biết làm cách nào. Ông Hoàng Trung Hải phân tích, theo chiến lược nhà ở, phải bố trí dân ở nhà cao tầng, hạn chế ở nhà đất vì không đủ quỹ đất. Để giải quyết được điều này thì hạ tầng giao thông phải đảm bảo. Tuy nhiên 300 km tàu điện ngầm Hà Nội chưa làm được km nào, 8 tuyến tàu điện ngầm đến năm 2021 mới có tuyến đầu tiên.

“Chính phủ cần nghiên cứu để tạo điều kiện cho Hà Nội, nguyên tắc cốt yếu là không làm Hà Nội thiệt hơn, không thu hẹp hơn nguồn lực cho Hà Nội. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng phải bố trí cân đối, hài hoà, làm sao đảm bảo yêu cầu và mục đích đề ra” 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Thảm họa nhìn thấy rất rõ, chúng tôi đã kêu gọi vốn, đầu tư tư nhân… nhưng lại không hấp dẫn”, ông Hải dẫn dụ thêm, với 100 tuyến xe buýt hiện nay thì có đến 73 tuyến phải trợ giá. Hạ tầng, giao thông đang là một thách thức lớn, song Hà Nội có rất nhiều sự kiện, mỗi lần diễn ra là hết sức lo lắng. Nếu không giải quyết được vấn đề này, theo ông Hải còn dễ dẫn đến nhiều bất ổn khác… Để tạo điều kiện cho thủ đô, ông Hoàng Trung Hải đề nghị mức chi thường xuyên và mức đầu tư cho Hà Nội phải được điều chỉnh lên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất hiểu những khó khăn của Chính phủ, đặc biệt khó khăn của ngân sách trung ương, đồng thời cũng hiểu và chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội. Bà Ngân nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành quy chế mới, nhưng với điều kiện phải đảm bảo đúng luật, đúng thẩm quyền và có sự đột phá mạnh mẽ cho thủ đô phát triển.