Y tế Đắk Lắk: 'Bất cập' bộn bề sau 1 năm khởi tố

Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên- Bệnh viện lớn nhất tỉnh Đắk Lắk không ngừng ngốn ngân sách để sửa chữa
Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên- Bệnh viện lớn nhất tỉnh Đắk Lắk không ngừng ngốn ngân sách để sửa chữa
TP - Đã hơn 1 năm kể từ ngày cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án xảy ra tại Sở Y tế về đấu thầu thuốc, tới nay vẫn chưa khởi tố bị can nào, dù thực tế không chỉ mỗi vấn đề đấu thầu thuốc có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

Quá nhiều “bất cập” ở bệnh viện nghìn tỷ

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tới nay Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (BV Vùng)-BV lớn nhất tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa nhận được hồ sơ nghiệm thu công trình. Một vị lãnh đạo cho biết hiện mỗi ngày BV Vùng đón từ 1.000-1.400 bệnh nhân khám ngoại trú, 1.200-1.400 bệnh nhân nội trú. Lúc cao điểm có tới 1.800 bệnh nhân nhập viện. Công trình thiết kế chỉ 800 giường, nay kê tới 1.400 giường, nên “rất nhiều bất cập”. Do chưa được bàn giao hồ sơ công trình, nên BV Vùng không thể làm bảo hiểm cháy nổ.

Cuối tháng 2/2020, BV Vùng có báo cáo “Về những tồn tại chưa được khắc phục tại Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên”, khẳng định: Đến nay Chủ đầu tư Dự án vẫn chưa cung cấp Biên bản xác nhận hoàn thành đánh giá tác động môi trường; Hàng loạt thang máy vẫn hỏng, ngưng hoạt động; Cổng sắt BV không đóng mở được, do “bánh xe, nhông xích, đường ray bị gãy võng, mô tơ thường xuyên bị cháy”.

Các Khu nhà A, D đều có vấn đề về đường ống nước máy; Hàng loạt cửa chính bị hỏng, thậm chí có những khoa “tất cả các cửa đều bị lỗi, mở ra nhưng không đóng vào được” hoặc “hư ổ khóa toàn bộ các phòng”. Rồi bong gạch nền và gạch ốp, hỏng trần nhà, hỏng máng nước, rò rỉ bể tự hoại, thấm nứt... mà thời gian bảo hành công trình chỉ đến 29/6/2020 là hết.

Đây là công trình cấp I, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Lắk phải bỏ thêm rất nhiều khoản ngân sách để sửa chữa nhiều hạng mục không đạt yêu cầu. Cuối năm 2019, tỉnh đã duyệt chủ trương chi thêm hơn 32 tỷ đồng để xây cầu thang nối giữa các khu điều trị. Còn khu nhà chống nhiễm khuẩn phải tiếp tục chờ ... có tiền để xây nhà khác. Danh sách cán bộ nhân viên xin nghỉ việc từ tháng 1/2019 tới nay tại BV Vùng lên đến 36 người, trong đó có tới 26 bác sĩ chuyên khoa I-II.

Ông Ninh Tiên Hoàng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở đã mời đại diện 14 nhà thầu liên quan 11 gói thầu chưa quyết toán xong ở BV Vùng Tây Nguyên lên để “ra tối hậu thư”, gia hạn tới ngày 10/3 phải xong hồ sơ.

Ðấu thầu thuốc: Ðiều tra mãi chưa ra bị can

Gần 4 năm trước, ngày 6/6/2016 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị ký bản Kết luận Thanh tra số 4365, yêu cầu chuyển vụ đấu thầu thuốc sang Cơ quan Điều tra Công an tỉnh, “để xem xét xử lý theo quy định pháp luật”. Tới nay, cuộc điều tra vẫn chưa xong, dù vụ án về đấu thầu thuốc đã được khởi tố từ ngày 1/3/2019.

Còn nhớ, khi Bộ ra văn bản số 1257 kết luận có 7 mặt hàng thuốc đã bị Sở Y tế Đắk Lắk đổi nhóm trong đợt giám định thứ nhất và chỉ rõ những cá nhân tập thể sai phạm, thì đã có 2,8 tỷ đồng được vào Kho bạc để “khắc phục hậu quả” mà không ai bị xử lý gì. Tháng 8/2019, Cơ quan CSĐT gửi văn bản trưng cầu đợt 2, đề nghị Bộ Y tế giám định thêm 40 mặt hàng khác cũng có dấu hiệu bị đổi nhóm trong cùng đợt đấu thầu thuốc 2014-2015, nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Tới nay, quá trình điều tra việc đấu thầu thuốc 2014-2015 đã qua 3 “đời” Giám đốc Công an tỉnh. Giám đốc đầu tiên-Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi từ cuối năm 2015 đã khẳng định với Tiền Phong “dấu hiệu phạm pháp quá rõ, chuẩn bị khởi tố”. Giám đốc kế tiếp là Đại tá Vũ Hồng Văn cũng cương quyết “Sự thật không thể đảo ngược, dứt khoát xử lý nghiêm minh”. Giám đốc hiện giờ- Đại tá Lê Văn Tuyến thì cho biết ông mới về, chưa đủ thời gian nắm bắt vụ việc.

Mới đây, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa nhận được Quyết định số 753 tạm đình chỉ điều tra vụ án về đấu thầu thuốc xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk do Trung tá Nguyễn Danh Bằng- Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh ký ngày 28/2/2020. Lý do: Chờ kết quả giám định của Bộ Y tế. Quan điểm của Viện KSND tỉnh là cần chờ kết quả giám định, để khởi tố đồng loạt các bị can “chứ không chỉ khởi tố vài nhân viên tép riu như đề nghị trước đó từ phía cơ quan điều tra”. 

“Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự : “Cơ quan điều tra chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm...”. Điều 179 BLTT cũng ghi rõ : “Khi có đủ căn cứ xác định một người hoặc một pháp nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm, thì CQĐT ra quyết định khởi tố bị can...”. Với vụ án xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk, căn cứ xác định những ai có dấu hiệu tội phạm, phạm pháp về hành vi gì đã rõ từ lâu. Lẽ ra sau khi khởi tố vụ án, CQĐT phải khởi tố bị can”- Luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn Luật sư Đắk Lắk.

MỚI - NÓNG