Y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID và cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
Các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM
Các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM
TP - Gửi con nhỏ về quê nhờ gia đình chăm sóc, nhiều y bác sĩ dọn đồ vào ở luôn trong bệnh viện để duy trì lực lượng chống dịch. Mồ hôi và những giọt nước mắt đã rơi vì kiệt sức…

Khóc nghẹn vì kiệt sức

Điều dưỡng Trần Thị Thúy, phụ trách điều dưỡng tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nghẹn ngào: “Có những hôm các em điều dưỡng bật khóc nức nở khi bước ra khỏi khu cách ly vì quá mệt. Nhưng chỉ khoảng 15 phút sau đã lập tức trở lại phòng điều trị.

Cứ như thế, suốt 3 tháng qua, chúng tôi nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ với cố gắng cho dịch kết thúc để quay lại cuộc sống bình thường. Ai cũng đuối sức nhưng đều động viên nhau vượt qua khó khăn”.

Để không bị kẹt lại trong các điểm phong tỏa ngoài cộng đồng gây thiếu nhân lực điều trị cho người bệnh, đa số y bác sĩ chọn cách dọn vào ở luôn trong khu nhà nghỉ dành cho thân nhân trong bệnh viện. Nhiều người con mới được 6 - 7 tháng đã phải gửi về quê nhờ gia đình chăm sóc để chuyên tâm công tác.

“Tôi và nhiều đồng nghiệp vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức để tiếp sức cho các đồng nghiệp của mình.

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng những công sức của nhân viên y tế sẽ đưa các bệnh nhân sớm bình phục quay lại cuộc sống, đưa thành phố trở về giai đoạn bình thường như trước đây”- điều dưỡng Kiều Em ở khoa Nội tổng quát 10B1 Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, bình thường mỗi tháng lực lượng tham gia điều trị phân công, thay đổi nhân sự để cùng nhau chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên hiện nay, tất cả các anh chị em y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đều tản ra khắp các bệnh viện điều trị COVID-19 làm nhiệm vụ nên không thể đủ nhân sự thay thế.

“Chúng tôi đang làm việc bằng ý chí chứ không phải bằng sức lực thông thường để ráng chữa được càng nhiều người bệnh càng tốt”, TS.BS Lê Quốc Hùng nói.

Không được phép bỏ cuộc

“Lâu nay rửa tay bằng cồn miết nên bỏng hết da rồi”, Bác sĩ CKII Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương vừa nói vừa đưa đôi bàn tay sần sùi, chi chít những lớp mày còn chưa kịp bong thì da non lại bị phồng rộp.

Từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay, anh đang phải căng mình trên nhiều chiến tuyến. Công tác trong lĩnh vực chuyên về sản phụ khoa, khi được điều động BS Xuân Nghiêm phải tự bổ túc những kiến thức điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đang nỗ lực chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, anh được hỏa tốc điều động làm Giám đốc điều hành Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16. Bệnh viện mới đi vào hoạt động một tuần nhưng đã tiếp nhận hơn 700 ca, tất cả các y bác sĩ đang cố gắng hết sức vì bệnh nhân và nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

BS Xuân Nghiêm chia sẻ: “Chạy ngược chạy xuôi rồi căng mình tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nên hơi đuối, nhưng mình phải cố gắng để đứng vững và động viên tất cả anh chị em. Dịch có tan thì chính bản thân mình và mọi người mới được an toàn, dịch còn thì mình còn ra trận. Chống dịch kéo dài nên ai cũng mệt nhưng mọi người đều tin tưởng cả xã hội sẽ sớm bình an trở lại”.

Một trong những người đang đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực điều trị cho các ca bệnh nặng là Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ ca bệnh nguy kịch đầu tiên vì dịch COVID-19 là nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đến nay, anh luôn là người được ngành y tế tin tưởng giao trọng trách hỗ trợ điều trị cho các điểm nóng ở Đà Nẵng, Gia Lai, Bắc Giang…

Khi TPHCM bùng dịch, số ca bệnh liên tiếp tăng cao, thành phố phải lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường, BS Thanh Linh tiếp tục được điều động giữ nhiệm vụ Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, trở thành một trong những thủ lĩnh gác cổng sự sống ở nơi điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch lớn nhất cả nước.

Khi mới nhận nhiệm vụ, anh nhận định đây sẽ là trận chiến ác liệt nhưng hy vọng cũng sẽ là trận chiến cuối cùng. Tuy nhiên, sau nhiều tuần nỗ lực anh cùng các đồng nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi số ca bệnh nặng liên tục tăng cao. Mái tóc của BS Thanh Linh trong thời gian rất ngắn đang dần bạc trắng.

Tại buổi lễ khánh thành 3 Trung tâm Hồi sức COVID-19 quy mô 1.500 giường bệnh chiều 7/8, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, trước những hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ khi cuộc chiến với COVID-19 đã kéo dài ông nghẹn ngào: “Tận đáy lòng mình, tôi xin cúi đầu cảm ơn tất cả các nhân viên y tế đã không quản ngại khó khăn, sự hy sinh, mất mát cùng nhau chung sức chống dịch COVID-19”.

“Có những đêm, anh em đi cấp cứu, đặt ECMO cho bệnh nhân ở bệnh viện tuyến cơ sở, thấy Sài Gòn vắng lặng, mình đau lòng lắm. Không chỉ riêng bản thân mình mà tất cả mọi người thật sự đuối sức, mệt mỏi.

Nhưng mình không cho phép bản thân dừng lại, không được phép bỏ cuộc, buông xuôi. Các anh em đang động viên nhau, còn bệnh nhân, còn những người bệnh nặng đó thì mọi người còn nắm tay nhau, hợp sức với nhau vì người bệnh, phải làm để có thể cứu được nhiều người nhất” - BS Trần Thanh Linh nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.