TPO - Những ngày này, người dân làng chài Nam Ô (TP. Đà Nẵng) bắt đầu vào mùa hái rong mứt. Nhiều người đánh cược mạng sống với biển cả để bám ghềnh cạo mứt biển trong đêm, một loại sản vật được người dân xem như “lộc trời”.
Rong mứt, một loại rong biển mọc bám trên các tảng đá dưới những lớp sóng ven biển, thường được khai thác vào mùa lạnh, từ tháng 12 đến tháng 4 hằng năm. Người dân làng chài Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) phải theo con nước, lựa lúc thủy triều rút để ra khai thác. Ảnh: Duy Quốc
Họ phải đi xa bờ hàng trăm mét, bám trên những ghềnh đá cheo leo, trơn trượt và đầy nguy hiểm, chịu đựng từng đợt sóng mạnh ập vào người để mưu sinh trong màn đêm. Với họ, mứt biển không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng mà còn là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Công cụ hái rong mứt chủ yếu là một chiếc vợt và tấm kim loại mỏng, tròn bằng miệng bát để cạo từng mảng rong bám chặt trên đá.
Dù thu nhập từ công việc này không cao, chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, nhưng với nhiều gia đình, đó là nguồn sống chính trong mùa biển động. Bà Huỳnh Thị Trung (trú ở phường Nam Ô 2, quận Liên Chiểu) cho biết, muốn thu hoạch rong mứt phải dậy từ 2 giờ sáng mỗi ngày, khi thủy triều rút. Người dân phải ra xa bờ, bám trên những ghềnh đá trơn trượt để cạo mứt.
“Mỗi ngày, giỏi lắm một người cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, đủ mua gạo, mắm muối cho gia đình. Công việc này nguy hiểm luôn rình rập, chỉ cần sơ sẩy là mất mạng như chơi, nhưng không làm thì lấy gì nuôi con cái học hành”, bà Trung nói.
Mứt thường mọc ở những tảng đá xa bờ, trơn trượt, nơi sóng đánh mạnh.
Để hái được rong mứt họ phải ngâm mình dưới nước biển lạnh giá hàng giờ đồng hồ, đối mặt với nhiều hiểm nguy, chỉ cần một đợt sóng lớn có thể đánh ngã họ bất cứ lúc nào.
Nhiều người đi xuyên đêm đến sáng để thu hoạch mứt. Họ đánh cược mạng sống của mình trên những tảng đá trơn trượt, nguy hiểm để mưu sinh.
Với giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, số tiền kiếm được sau mỗi lần cạo mứt tuy ít ỏi nhưng đủ giúp không ít gia đình duy trì cuộc sống.