> Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard
LTS: Nguyễn Dương Quỳnh Anh sinh năm 1990, hiện đang là sinh viên khoa Product Design (thiết kế sản phẩm) ở đại học NTU (Nanyang Technological University), Singapore. Quỳnh Anh viết văn và đã có một số truyện ngắn đăng trên Tiền Phong.
1. Có một điều mình vẫn không quen được, sau bốn năm ở nước ngoài, đó là chuyện gọi thẳng tên thầy cô.
À ừ, thì bất cứ ai đầu óc rất tiến bộ, khá tiến bộ, hơi tiến bộ cũng nói rằng, việc gọi thẳng tên thầy cô là sự công bình giữa trò và thầy. Thầy giáo không phải người ban ơn, mà là người bạn đồng hành, hay người chỉ đường của học trò. Thậm chí có những người đề nghị mang chuyện đó vào ngành giáo dục Việt Nam. Thôi nào, thời đại mới đến rồi, người ta phải tiến bộ đi chứ. Những cái đại từ rắc rối, những phép tắc câu nệ không cần thiết, cứ việc vứt bỏ thôi.
Một mặt thì, mình đồng ý chuyện thiết lập quan hệ bình đẳng hơn của thầy và trò. Mình còn nhớ lúc học trung học, nhiều đứa học trò sợ thầy đến phát khiếp, đến mở miệng ra cũng không được, thầy gọi tên đến đã tái cả mặt, còn học hành được gì?
Nhưng mà, sau bốn năm ở nước ngoài, mình vẫn không quen được chuyện gọi thẳng tên thầy cô.
Bởi vậy, mỗi lần gặp thầy cô giáo, mình luôn thêm vào câu Good morning, sir, hoặc teacher. Thầy supervisor của mình ban đầu cứ luôn miệng nhắc: “Đừng gọi tôi là sir!” Sir ở nước ngoài là từ đệm dùng cho ai đã được phong tước hiệp sĩ. Thầy giáo mình chắc chắn chưa được phong tước hiệp sĩ, nên thầy không phải là sir.
Nhưng nhắc được vài lần, mình cũng cứ quên mất. Thế rồi ông thầy cũng đầu hàng, chẳng nhắc nữa. Mình cứ gọi thầy là sir, cũng như thầy sau bốn năm vẫn viết nhầm tên mình thành Ahn, Annie, hoặc Anne.
Cũng chẳng có gì quan trọng. Mà mình nghĩ, Anne cũng là cái tên dễ thương. Nghe như Anne trong Anne of the Green Gables. Sống như Anne, thật dễ chịu làm sao.
2. Những năm đại học, vì ham hố, và cũng để cho sạch tín chỉ, mình đã tham gia học vài môn ngoại ngữ, rốt cuộc chẳng giỏi môn nào, tự hỏi ngày xưa mình học tiếng Anh kiểu gì. Ít ra cũng đỡ đơ mặt ra mà ngó khi bà hàng cơm người Tàu hét vào mặt mình chữ lẻng quai pan (2 đô rưỡi). Những ngôn ngữ mình học đều là ngôn ngữ phương Đông.
Người Tàu gọi thầy giáo bằng họ, thêm chữ laoshi (lão sư), chuyện gì xảy ra nếu thầy giáo chưa già? Người Nhật gọi thầy giáo bằng họ, thêm chữ sensei (tiên sinh) phía sau. Không gọi thẳng tên của nhau, và dùng kính ngữ, chắc là một điểm đặc biệt của ngôn ngữ Á đông. Chắc vì thế mà người phương Tây thấy chúng ta “lịch sự đến kì cục”. Hoặc giả dối đến kì cục.
Nhưng thực ra chuyện đó có gì xấu đâu. Như cô gái Hồi giáo đeo khăn choàng lại nói rằng thấy thoải mái khi đeo khăn che mặt. Ai cũng thấy thoải mái trong môi trường văn hóa của mình. Đối với mình, đó không phải là phép tắc, không phải mình bị gò bó vào chuyện đó đâu, mà là mình thấy thoải mái hơn khi được bày tỏ sự tôn trọng đối với các bậc tiền bối.
Thầy giáo của mình, một ông thầy người Ấn Độ đi học ở Anh khi nói chuyện có âm clack clack lần vào rất vui tai (làm thế nào mà người Ấn búng lưỡi được như thế, thật là một bí mật lớn), một ông thầy Italia mặt nhìn như Mafia, đã từng thề sẽ mang súng bắn bể não hết cả lớp nếu không nộp bài đúng hạn nhưng cũng sẵn sàng trả lời thư học trò lúc nửa đêm, một cô giáo dạy Art History từng trèo lên bàn làm động tác minh họa tranh vẽ Ai Cập, mình đều tôn trọng họ, như mình đã từng tôn trọng những giáo viên Việt Nam của mình. Bất kể là ai, ở đâu, những thầy cô giáo thực sự tâm huyết với nghề đều đáng được tôn trọng.
Bởi vậy, mình vẫn không bỏ được thói quen dùng kính ngữ.
3. Nhưng dẫu sao thì, ở Roma phải hành xử như người Roma. Hẳn là mình đang cứng đầu. Chắc chắn là mình đang cứng đầu rồi. Người ta thường nói, sự dễ chịu của người này có thể mang lại khó khăn cho người khác. Như một cái chăn ai cũng kéo thì chẳng ai đắp vừa. Nhưng một xã hội tốt đẹp, theo mình, là một xã hội chấp nhận được những màu sắc riêng của từng bản thể.
Bởi vì trái đất không phẳng. Không, nó không nên phẳng. Chẳng phải là một tương lai đáng trông chờ sao.
Nói đến Trái đất phẳng, lại nhớ cuốn sách cùng tên đấy. Nhớ cậu con trai mình đã cho mượn cuốn sách ấy năm cấp ba. Mối tình đầu của mình. Cậu ấy hẳn sẽ mắng, như trước đây đã từng mắng, tại sao mình không thay đổi được? (Nhân tiện đây cũng nhắc các bạn trai đừng hỏi một cô gái vì sao nàng còn yêu bạn sau bao nhiêu chuyện vui vẻ hoặc không vui vẻ giữa hai người, nàng chẳng trả lời được đâu mà bạn còn hóa ra hơi ác nữa).
Nhưng tình yêu của người ta tuổi mười bảy, không phải là thứ dễ quên đi. Người ta có thể yêu nhiều lần. Nhưng không thể có lại hương vị ngây thơ của tuổi mười bảy. Mà có lẽ, cũng chẳng phải mình còn nhớ nhung cậu ấy. Mà là mình còn nhớ nhung đứa trẻ mười bảy ngày xưa đã yêu cậu ấy. Đương nhiên, mình muốn thay đổi. Nhưng có gì đó trong mình, có lẽ sẽ không thay đổi được, cái gì đó khiến mình còn biết mình là ai.
Cái gì đó, có lẽ tủn mủn vặt vãnh như chuyện xài kính ngữ.
Và có lẽ vì thế mà mình còn viết.
4. Và có lẽ vì thế mà mình còn viết. Có lẽ vì mình vẫn còn yêu đương tiếng Việt. Đến giờ mới hiểu cái ý tứ của Hoài Thanh trong bài mở đầu Thi nhân Việt Nam. Thi sĩ Thơ Mới ngày ấy, họ chẳng đơn giản làm thơ cho khuây khỏa. Trong lòng họ, cũng nặng nợ tình yêu với ngôn ngữ xứ sở, họ cũng chiến đấu âm thầm gìn giữ nó, bảo vệ nó. Chắc họ cũng chẳng biết có nhiều đứa 9x bây giờ nửa chữ Hán chẳng biết mà viết truyện cứ chém như Google Translate, so sánh cả nền văn học không bằng một tác giả viết ngôn tình ba xu bên Tàu, hay cười chê tiếng Việt, bởi vì nó có nhiều đại từ quá. Anh xấu hổ sao khi ngôn ngữ mẹ đẻ của anh có nhiều màu sắc như vậy?
Ôi, nhưng mà thôi, lúc còn trẻ ai cũng nông nổi, khi mình 17 tuổi, mình cũng đã từng làm nhiều chuyện ngu ngốc, đến bây giờ mình chẳng muốn nhìn lại nữa. Cái gì đó trong máu, nó sẽ về trong máu. Có lẽ đến khi đã đi ra bên ngoài, mình mới biết cái thứ máu thịt đó chẳng dễ gì mà cắt đi được.
Nhớ bộ phim Moolaadé xem ngày trước trong một lớp học về điện ảnh Phi Châu. Bối cảnh của bộ phim ở trong một ngôi làng nhỏ ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó ở Senegal, bởi thế mình cũng chẳng hiểu nhân vật nói gì. Chỉ có hai anh chàng nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, dù cả hai đều xuất thân ở cái làng ấy cả. Một là cậu trưởng giả mới từ Paris về quê coi mắt vợ, và người kia là anh chàng đồng nát đã từng rời làng đi nhập ngũ.
Họ nói tiếng Pháp, không chỉ để tránh tai vách mạch rừng ở cái làng còn bao nhiêu chuyện tối tăm như chuyện cắt âm vật con gái, mà còn vì ngôn ngữ là một phần “danh tính”. “Identity”. Khi nói tiếng Việt, mình cảm thấy con người mình không giống như con người mình nói tiếng Anh, hoặc nói tiếng Tàu, hoặc ấm ớ ngô ngọng vài câu tiếng Nhật.
Cái sự đổi thịt lột da ấy, em gái nhỏ bé ngây thơ và có phần ngu ngốc đã phát biểu đoạn trên có lẽ chưa hiểu được. Một cách dùng từ, một cách diễn đạt, một câu thành ngữ, nó cũng chứa đựng bao nhiêu điều không thể kể hết về dân tộc đó.
Những người ngàn năm trước, họ đã nghĩ thế nào, đã yêu như thế nào, đã nhìn thấy mặt trời như thế nào. Tất cả ngôn ngữ đều quý giá. Mỗi môn thanh âm phát ra của nhân loại, đều là một thông điệp gửi lại của những con người vô danh đã bao nhiêu thế hệ rồi.
Thông điệp đơn giản ấy là, tôi đã từng tồn tại.
Em nỡ lòng nào bịt tai lại, hả em?
5. Ôi, quả thật là hai mươi hai tuổi, người ta còn rất nông nổi. Như mình việc ngập đến đầu, vẫn còn ngồi viết vớ vẩn thế này. Đáng lẽ giờ phải lo làm bài cho xong, để sáng mai lên gặp thầy gấp.
Tại sao nó lại thành thế này, ban đầu chỉ là bài tùy bút về chuyện thói quen gàn dở của mình. Thế mà cuối cùng, mình lại thấy như trở thành trưởng ban tuyên truyền mất thôi. Những lời chân thành lại hay bị cười chê là giả dối, thế gian thật giả khó lường, lưỡi bút sắc hơn dao, ai chưa bị chữ cứa đứt tay thì chưa biết.
Ai biết được chuyện ngày mai sẽ thế nào? Bao giờ mình sẽ thay đổi, thế cũng không biết nữa. Thanh kiếm thay cán kiếm năm nay, thay lưỡi kiếm năm ngoái, có còn là thanh kiếm ngày xưa nữa không? Nếu nói có, thì kiếm cũng có linh hồn, cái gì nằm ngoài sự hiện hữu cụ thể, lẽ nào con người lại không có, tráo hồn đổi phách mà được?