Xung đột Ukraine kéo dài thử thách quan hệ Nga - Trung

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 30/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm trực tuyến. Giới quan sát theo dõi xem có bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc đối với Nga sau 10 tháng xung đột dai dẳng ở Ukraine hay không.

Ngày 29/12, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về quan hệ song phương, trao đổi quan điểm các vấn đề khu vực và đối tác chiến lược. Mátxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây. Lãnh đạo hai nước tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” chỉ vài tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Xung đột Ukraine kéo dài thử thách quan hệ Nga - Trung ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Uzbekistan ngày 15/9 Ảnh: Getty Images

Từ đó, Trung Quốc nhiều lần chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ có lỗi gây ra cuộc xung đột, trong khi tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Tuy nhiên, sau hơn 10 tháng xung đột, thế giới đã thay đổi rất nhiều, và động lực giữa hai quốc gia cũng đã thay đổi, các chuyên gia nhận định. Họ cho rằng, thay vì giành được chiến thắng nhanh chóng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang bị kéo dài và vấp phải một số bước lùi, trong đó có vấn đề thiếu vũ khí và nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.

Ngày 29/12, Nga thực hiện chiến dịch tấn công mà giới chức Ukraine gọi là một trong những đợt dội tên lửa lớn nhất kể từ lúc xung đột nổ ra, với hàng loạt vụ nổ tại nhiều ngôi làng và thành phố khắp Ukraine, gây tổn thất lớn cho hạ tầng. Giới chức Ukraine dự đoán Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn trước khi năm 2022 kết thúc, đẩy Ukraine vào cảnh tăm tối hoàn toàn trong đêm giao thừa và năm mới.

“Đã đến lúc đối thoại hòa bình”

“Trung Quốc muốn cuộc chiến chấm dứt”, bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nói với CNN. “Ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình khi trao đổi với ông Putin. Vì Nga ngày càng mất kiên nhẫn khi tình hình chiến trường chậm thay đổi, nên trong mắt Trung Quốc, đã đến lúc tiến đến đối thoại hòa bình”, bà Sun nhận định. Nhà nghiên cứu này nêu chuyện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi làm ví dụ cho thấy thái độ với Nga đã thay đổi. Dù Ấn Độ không chỉ trích việc Nga mở chiến dịch quân sự, ông Modi nói với ông Putin trong cuộc gặp hồi tháng 9 rằng “giờ không phải lúc chiến tranh” và thúc giục ông tiến tới hòa bình.

Ông Tập cũng đã thể hiện dấu hiệu mất kiên nhẫn khi gặp ông Putin lần gần đây nhất tại thượng đỉnh ở Uzbekistan. Khi đó, ông Putin thừa nhận Bắc Kinh “có những câu hỏi và bận tâm” về chiến dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình nội bộ Trung Quốc từ thời điểm đó cũng đã thay đổi nhiều, có thể khiến Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận với Nga.

Trung Quốc đang đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 ồ ạt kể từ khi từ bỏ chính sách “zero COVID”, với việc dỡ bỏ hạn chế đi lại và mở cửa biên giới. “Giờ đây, khi các vấn đề nội bộ đã yên ổn hơn, ông Tập có vị thế tốt hơn trong quan hệ với Nga”, bà Sun nhận định. Nhà nghiên cứu này cho rằng, thương mại giữa hai nước tăng trong năm nay do giá nhiên liệu toàn cầu tăng, và hai nhà lãnh đạo có thể sẽ “tái khẳng định cam kết hợp tác kinh tế”. Tuy nhiên, bà Sun cho rằng tình hình dịch COVID-19 và hệ lụy kinh tế khiến ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ 3 với một số khó khăn, vì thế ông khó có thể dành nhiều ủng hộ cho Nga.

“Quan hệ Trung-Nga vững như bàn thạch”

Tại hội thảo chuyên đề về tình hình quốc tế và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc diễn ra ngày 25/12 ở Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu: “Chúng tôi đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác với Nga, đồng thời làm cho quan hệ đối tác phối hợp chiến lược toàn diện Trung-Nga ngày càng trưởng thành và kiên cường hơn”. Theo nội dung bài phát biểu của ông Vương được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong năm qua, Trung Quốc và Nga đã kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong việc duy trì các lợi ích cốt lõi của mỗi bên, và sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và chiến lược của hai bên đã được củng cố. Thương mại song phương đang tiến gần đến mục tiêu 200 tỷ USD với tốc độ nhanh hơn. Các dự án đầu tư lớn đang được triển khai tốt. Quy mô thanh toán nội tệ tiếp tục mở rộng. Cầu đường cao tốc Heihe và cầu đường sắt Tongjiang thông xe. Tiến trình mang tính bước ngoặt đã được đảm bảo trong kết nối xuyên biên giới và cả hai nước có động lực mạnh mẽ hơn để phát triển hợp tác cùng có lợi.

“Khi một số quốc gia đang tìm cách làm sống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh và bịa đặt câu chuyện sai lầm về dân chủ so với chủ nghĩa độc tài, Trung Quốc và Nga đã đoàn kết với các nước khác để kiên định thúc đẩy đa cực và dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế, đồng thời kiên quyết phản đối bá quyền và bác bỏ một Chiến tranh Lạnh mới. Mối quan hệ Trung Quốc-Nga, dựa trên cơ sở không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, vẫn vững như bàn thạch. Mối quan hệ như vậy không bị can thiệp, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất hòa giữa hai nước và miễn nhiễm trước những thay đổi trong môi trường quốc tế”, ông Vương nói.

Thái An

MỚI - NÓNG