"Đoạn video ghi lại cảnh lực lượng Ukraine sử dụng máy bay không người lái và pháo binh tấn công đoàn xe hộ tống các chuyên gia của IAEA vào ngày 12/2 nhằm ngăn chặn hoạt động luân chuyển theo kế hoạch tại nhà máy Zaporozhye", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ. "Hậu quả là việc luân chuyển các nhóm chuyên gia đã bị gián đoạn. Nguyên nhân hoàn toàn là do hành động cố ý của Ukraine".
(Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga) |
Đây là lần thứ hai trong những tuần gần đây, việc luân chuyển các chuyên gia IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye bị ảnh hưởng.
Đợt luân chuyển trước đó, dự kiến diễn ra vào ngày 5/2, cũng không thể diễn ra vì lý do tương tự. Phía Nga tuyên bố đã hoàn thành mọi nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho phái đoàn IAEA.
Các chuyên gia của IAEA đã có mặt tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye từ mùa thu năm 2022 để giám sát an toàn và ngăn ngừa các sự cố tiềm ẩn liên quan đến hạt nhân. Việc luân chuyển thường xuyên các chuyên gia là cần thiết để duy trì hiệu suất làm việc và đảm bảo kiểm soát khách quan tình trạng của nhà máy.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Nga phóng 140 máy bay không người lái vào Ukraine
Không quân Ukraine cho biết, quân đội Nga đã phóng 140 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Ukraine trong đêm 12 rạng sáng 13/2.
85 UAV trong số đó đã bị hệ thống phòng không bắn hạ ở 10 tỉnh của Ukraine. 52 chiếc biến mất khỏi radar.
Các cuộc không kích của Nga đã gây thiệt hại ở hai tỉnh Odessa và Kharkiv, nhưng thông tin chi tiết chưa được công bố.
Cũng trong ngày 13/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã bắn hạ 83 UAV của Ukraine trên 9 khu vực.
Cụ thể, 37 UAV bị bắn hạ ở tỉnh Bryansk, 12 UAV ở Kursk, 12 UAV ở Lipetsk, 9 UAV ở Tver, 3 UAV ở Belgorod, 3 UAV ở Kaluga, 3 UAV ở Smolensk, 3 UAV ở Voronezh và 1 UAV ở Rostov.
Wall Street Journal: Trung Quốc đề xuất tổ chức thượng đỉnh Nga - Mỹ
Trung Quốc nêu đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, Wall Street Journal dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Osaka năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ nêu đề xuất với các trợ lý của ông Trump thông qua trung gian, về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga và hỗ trợ những nỗ lực gìn giữ hòa bình sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các nguồn tin ở Bắc Kinh nói với Wall Street Journal.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump nói rằng Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ mong muốn đạt được hòa bình khi hai người có cuộc điện đàm riêng với ông ngày 12/2. Ông Trump khẳng định, đã chỉ đạo các quan chức Mỹ chuẩn bị đối thoại để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã đồng ý gặp gỡ, và nhà lãnh đạo Nga mời nhà lãnh đạo Mỹ thăm Mátxcơva. Ông Trump nói rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ “có thể sớm diễn ra ở Ả-rập Xê-út".
Chưa có cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viện trợ hàng tỷ đô la cho Ukraine và không liên lạc trực tiếp với Tổng thống Putin.
Nga đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và yêu cầu Kiev nhượng bộ lãnh thổ, cam kết vĩnh viễn trung lập để Mátxcơva chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Trong khi đó, Ukraine đòi Nga rút quân khỏi những nơi mà họ đang kiểm soát, và muốn trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc nhận được bảo đảm an ninh tương đương để ngăn nguy cơ xung đột tái diễn.
Phương Tây nhiều lần thúc giục Trung Quốc dùng quan hệ gần gũi với Nga để giúp chấm dứt cuộc xung đột. Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng và luôn thúc đẩy hòa bình theo tiêu chí của họ.
Năm ngoái, Trung Quốc và Brazil đưa ra kế hoạch chung, trong đó đề xuất tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế “vào thời điểm phù hợp” và kêu gọi cả Nga và Ukraine cùng tham gia.
Ba thành viên NATO tăng cường viện trợ cho Ukraine
![]() |
Tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine hôm thứ Tư (12/2), Đức, Anh và Hà Lan - các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - tuyên bố tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev dưới nhiều hình thức.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết sẽ cung cấp 4,5 tỷ bảng Anh (khoảng 5,5 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025.
Phát biểu tại Nhóm liên lạc quốc phòng, ông Healey nhấn mạnh: "Năm 2025 là năm quan trọng đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn để củng cố năng lực quân sự cho chính quyền Kiev".
Theo quan chức này, gói viện trợ đầu tiên mà Ukraine nhận được trong năm nay trị giá khoảng 150 triệu bảng (tương đương 186 triệu USD). Gói viện trợ này bao gồm xe tăng, lựu pháo, tên lửa không đối không...
Có thông tin cho biết Anh đang lên kế hoạch chuyển giao các hệ thống phòng không Gravehawk tầm ngắn cho Ukraine vào năm 2025.
Về phía Đức, nước này thông báo sẽ sớm chuyển giao khoảng 100 tên lửa dẫn đường của hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine.
"Đức sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hỗ trợ này và sẽ sớm chuyển giao khoảng 100 tên lửa dẫn đường IRIS-T cho Ukraine", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ.
Tháng 9/2024, Đức đã đặt mua 22 hệ thống phòng không IRIS-T, 5 trong số đó dành cho Bundeswehr (quân đội Đức) và 17 hệ thống dành cho Ukraine (trong đó bao gồm 8 hệ thống tầm trung (SLM) và 9 hệ thống tầm ngắn (SLS)).
Trong khi đó, Hà Lan xác nhận việc viện trợ quân sự mới cho Kiev là những chiếc xe bọc thép chở quân.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans, Ukraine sẽ nhận được 25 xe bọc thép bánh xích YPR để vận chuyển binh sĩ. Ông cũng lưu ý rằng, gần đây Ukraine cũng đã nhận được một lô máy bay chiến đấu F-16 mới từ Hà Lan.
"Lực lượng Ukraine vẫn đang tiếp tục chiến đấu ở tiền tuyến, chúng ta phải tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cho họ", Bộ trưởng Ruben Brekelmans nói.