Xung đột Gaza và sự im lặng của Barack Obama

Xung đột Gaza và sự im lặng của Barack Obama
TPO- Ông Barack Obama chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây nhưng không hề bình luận về cuộc khủng hoảng tại Trung Đông kể từ khi Israel tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza 9 ngày trước.
Xung đột Gaza và sự im lặng của Barack Obama ảnh 1
Ông Obama vẫn im lặng trước “khói lửa Gaza” ( Gallo/Getty)

Với “câu thần chú: Nước Mỹ tại một thời điểm chỉ có một Tổng thống”, các cố vấn của ông Barack Obama khăng khăng cho rằng tới thời điểm này, chỉ có đương kim Tổng thống G.Bush mới có quyền phát ngôn đại diện cho nước Mỹ.

Số người Palestine thiệt mạng sau các vụ bắn phá của Israel đã lên tới hơn 500 người. Lực lượng Hamas đã bắn trả hàng loạt tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Israel, hủy hoại một số thành phố lớn và khiến ít nhất 4 người Israel thiệt mạng.

Và rất nhiều người trông đợi ông Obama sẽ nói một điều gì đó về số phận của các thường dân Palestine bị đe dọa bởi cuộc xung đột trên Dải Gaza.

Trước đó, ông Obama đã lên tiếng bình luận về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tiết lộ các kế hoạch của ông nhằm đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái.

Khi được hỏi về lý do ông Obama im lặng trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ở Trung Đông, một cố vấn giấu tên của ông Obama giải thích:” Ngài G.Bush vẫn là Tổng thống của Mỹ cho tới ngày 20/1. Bởi vậy, ông Bush có trách nhiệm xử lý mối quan hệ ngoại giao của Mỹ với thế giới”

“Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, chúng tôi không dính líu vào bất cứ hành động nào có thể khiến thế giới nhầm lẫn về việc ai là người phát ngôn đại diện cho nước Mỹ”- cố vấn trên nói.

Nhân tố chính trị, ngoại giao:

Chính trị đối nội, ngoại giao quốc tế có thể là những nhân tố chính dẫn tới sự im lặng của ông Barack Obama. Ông Barack Obama có thể đang hy vọng cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ chuyển sang bước ngoặt mới tích cực hơn vào thời điểm ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Ông Obama cũng nhận thức được rằng bất cứ tuyên bố, quan điểm sớm nào về xung đột ở Dải Gaza đều có khả năng trở thành “những cạm bẫy”.

Edward Walker Jr- cựu Đại sứ Mỹ tại Israel giai đoạn 1997-1999- nói:” Nếu tôi là Obama, tôi cũng sẽ không đưa ra phát biểu gì về tình hình Trung Đông. Sẽ tiện hơn khi đẩy vấn đề này cho Tổng thống đương nhiệm. Tôi không nghĩ lúc này ông Obama muốn thể hiện thái độ ủng hộ hay chỉ trích Israel bởi nó có liên quan phần nào tới lợi ích của nước Mỹ”.

Nếu ông Obama đưa ra những bình luận nghiêng về phía Israel, thế giới Ả-rập sẽ cảm thấy khó chịu ngay trước khi ông Obama lên làm Tổng thống Mỹ. Nếu ông Obama đưa ra những bình luận thể hiện sự chỉ trích Israel, chính Israel sẽ nổi giận.

Mềm dẻo:

James Carafano - một chuyên gia quốc phòng ở Quỹ Di sản- cho rằng ông Obama có thể không muốn bình luận về các chính sách ngoại giao như vấn đề Dải Gaza bởi “chúng ta có thể phải chịu trách nhiệm cho bất cứ những gì chúng ta nói”. Theo ông Carafano, nếu ông Obama lập tức bình luận về phong trào Hamas và Israel, mọi người có thể coi đó như quan điểm chính thức.

Từ nay tới khi ông Obama nhậm chức còn hai tuần nữa nên các hoạt động tấn công mặt đất của Israel có thể thay đổi đáng kể. Với việc không bình luận gì cả, ông Obama sẽ bước vào Nhà Trắng một cách thanh thản. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền mới của ông Obama sẽ đưa ra những chính sách khác biệt lớn về Trung Đông so với chính quyền của G.Bush.

Tháng bảy năm ngoái, ông Barack Obama từng phát biểu: ”Rất khó để đàm phán với Hamas, một lực lượng không đại diện cho một Nhà nước - Quốc gia, một lực lượng trước sau vẫn sử dụng khủng bố như một thứ vũ khí và chịu ảnh hưởng lớn từ các quốc gia khác”.

Một tuần trước đây khi trả lời phỏng vấn của CBS, ông David Axelrod- một cố vấn của Barack Obama - nhắc lại rằng khi còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Obama đã đi thăm thành phố Sderot ở miền nam Israel và bày tỏ sự đồng tình với lời kêu gọi Hamas ngừng bắn rốc-két từ Dải Gaza vào Sderot của phía Israel.

Liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Obama đã cam kết sẽ tham gia xây dựng hòa bình Israel-Palestine với một sự khởi đầu mới mẻ. Tuy nhiên, ông không đề xuất một sự chuyển dịch chính sách nào để có thể cứu cho giải pháp “hai Nhà nước” khỏi sự lãng quên.

Huy Linh
Theo Reuters

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.